Xã Liên Minh (Vụ Bản) là địa phương tiêu biểu trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Về các thôn, xóm: Trung Nghĩa, Nhì Giáp, Vân Bảng, An Lễ, Hồ Sơn, Ngõ Trang… được chứng kiến diện mạo nông thôn khang trang, hiện đại với những con đường, ngôi trường, nếp nhà mới, chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự thay đổi của địa phương trong công cuộc xây dựng, phát triển NTM.
Gia đình ông bà Vũ Tiến Soạn, thôn Ngõ Trang là hộ gia đình văn hoá tiêu biểu còn lưu giữ được nghề thủ công mỹ nghệ sơn mài truyền thống. |
Điểm nổi bật trong xây dựng làng văn hóa ở Liên Minh là cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân luôn chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống hương ước mới trên cơ sở kế thừa, bảo lưu có chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương. Ở các thôn, xóm đều thành lập Ban xây dựng hương ước với sự tham gia của các Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ, Chi Hội CCB, Chi Đoàn Thanh niên… Thông qua các buổi họp, những quy định trong hương ước được nhân dân đóng góp ý kiến cụ thể, sát với các tiêu chí công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Trong đó, các điều khoản quy định về công tác dân số, gia đình và trẻ em được đề cao trách nhiệm, ràng buộc đến từng cá nhân, từng gia đình trong cộng đồng làng xã. Ở 15 thôn, xóm, các CLB như: “CLB không sinh con thứ 3”, “CLB gia đình hạnh phúc”, “CLB gia đình giúp đỡ nhau phát triển kinh tế”, “CLB tuổi trẻ tránh xa tệ nạn xã hội”… đều có bước phát triển mới với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú. Bên cạnh đó, nhiều phong trào như: phong trào “Ba an toàn về an ninh trật tự” (tự quản, tự phòng, tự bảo vệ), phong trào xây dựng “Thôn, xóm ba không” (không có ma túy, không có tội phạm, không có tệ nạn xã hội), “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, “Nếp sống văn hoá trong các cơ quan, đơn vị” được đông đảo các cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng. Thôn Trung Nghĩa là một trong những thôn đầu tiên được UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Làng văn hoá” vào năm 1996. Thôn có 294 khẩu, gần 100 hộ. Bà Đinh Thị Hội, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Là đơn vị giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá” 20 năm liên tục, Chi bộ thôn đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt phong trào xây dựng “Làng văn hoá” gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Đến nay, thôn có 89% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, nhiều gia đình có thu nhập khá, ổn định (chiếm 75% tổng số hộ). Các hộ dân trong thôn luôn ý thức được việc thực hiện tiêu chuẩn gia đình văn hóa, giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, văn minh. Từ năm 1995, thôn Trung Nghĩa là địa phương đi đầu huyện thực hiện “sáng hoá” hệ thống giao thông đường làng, ngõ xóm. Đến năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng NTM, nhân dân trong thôn đã đóng góp gần 700 triệu đồng, trên 400 ngày công lao động để tu bổ, xây dựng hệ thống đình, chùa, cổng làng, NVH, nghĩa trang, Nhà tưởng niệm Liệt sĩ Nguyễn Phúc - Người đảng viên cộng sản đầu tiên của huyện Vụ Bản…, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Từ mô hình điểm thôn Trung Nghĩa, đến nay, cả 15 thôn, xóm trong xã đều được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt trên 90%; cả 4 trường học, 1 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia và đạt tiêu chuẩn “Đơn vị có nếp sống văn hoá”. Ở các làng văn hóa tiêu biểu như: thôn Nhì Giáp, thôn Ngõ Trang, xóm Tâm, xóm Tiền… đã xuất hiện nhiều gia đình văn hoá làm kinh tế giỏi, góp phần giải quyết lao động việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Tiêu biểu là gia đình các ông: Vũ Tiến Soạn, Vũ Văn Đoán, Trần Văn Trạch… Tình làng nghĩa xóm được củng cố và phát huy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều năm liền xã Liên Minh không có gia đình sinh con thứ 3, không có người vi phạm pháp luật, không có tình trạng tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp, các quỹ từ thiện, vì người nghèo, khuyến học - khuyến tài được nhân dân tham gia đóng góp, ủng hộ… Hiệu quả từ việc thực hiện phong trào xây dựng “Làng văn hóa” đã tác dộng tích cực đến việc phát triển kinh tế, giảm nghèo. Ngoài chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, nhiều gia đình trong xã đã bảo lưu được nghề thủ công mỹ nghệ sơn mài, mây tre đan truyền thống, tập trung phát triển, đa dạng nhiều ngành nghề như: chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí, mộc, may mặc… Kinh tế phát triển, người dân trong xã có điều kiện đóng góp xây dựng, phát triển nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, ngoài nguồn ngân sách xây dựng NTM của Nhà nước, xã đã huy động sự đóng góp từ nhân dân với kinh phí gần 13 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình phúc lợi công cộng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Trong đó, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng của 4 trường học từ mầm non đến THCS được xây dựng khang trang, kiên cố. Trạm y tế xã được xây dựng theo tiêu chí chuẩn quốc gia với 14 phòng khám, chữa bệnh. Hệ thống đường giao thông trục chính nối liền trung tâm xã đến các thôn, xóm được “cứng hóa” với kinh phí gần 2 tỷ đồng. Nghĩa trang liệt sĩ xã được nâng cấp với kinh phí hơn 1 tỷ đồng; khu chứa rác thải sinh hoạt được xây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng trên diện tích 10 nghìn m2. Xã đã xây dựng được NVH trung tâm quy mô 370 chỗ ngồi với bảo tàng, sân vận động trung tâm 2.000m2 đưa vào sử dụng từ năm 2014. Ngoài ra, cả 15 NVH thôn, xóm trong xã đều được quy hoạch, nâng cấp, mở rộng NVH đạt chuẩn NTM (trong đó có 3 NVH được xây mới). Các thiết chế văn hoá phát huy hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Các tốp, đội, CLB như: CLB thơ Hương quê, CLB dưỡng sinh Thức vũ kinh của Hội NCT, CLB ca khúc cánh mạng của Đoàn Thanh niên, đội chèo thôn Tam Giáp cùng 15 tốp văn nghệ, thể thao quần chúng ở các thôn, xóm được thành lập và hoạt động sôi nổi. Cùng với việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, xã quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của địa phương. Lễ hội truyền thống Chùa Nộm Sơn hằng năm được tổ chức nếp sống văn minh. Trong những ngày diễn ra lễ hội, các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian cùng các nghi thức tâm linh được khôi phục góp phần giáo dục truyền thống văn hóa của quê hương.
Những kết quả đã đạt được trong phong trào xây dựng “Làng văn hóa” ở Liên Minh đã góp phần gắn kết cộng đồng, bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người, nâng cao nhận thức, tăng cường sự đoàn kết trong nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng