Những năm qua, Đoàn Cải lương Nam Định đã dàn dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng đồng thời đổi mới phương thức hoạt động phục vụ khán giả.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí hiện nay, Đoàn Cải lương Nam Định đã kiên trì rèn luyện đội ngũ, tích cực luyện tập, nâng cao chất lượng nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thông tin và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả. Đoàn đã xây dựng nhiều vở diễn mang hơi thở của đời sống xã hội; tiêu biểu như các vở:
“Phương thuốc lạ lỳ”, “Tử thần trắng”, “Đường hạnh phúc”, “Dậu mồng tơi gãy dập”… Không chỉ chọn lựa, dàn dựng những kịch bản có nội dung phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống như: Phòng chống ma túy, HIV/AIDS, xây dựng NTM… Đoàn Cải lương Nam Định còn chủ động tìm đến công chúng bằng cách mở rộng địa bàn biểu diễn. Để đáp ứng thị hiếu của khán giả, Đoàn Cải lương Nam Định đã dàn dựng thêm chương trình ca nhạc kết hợp với vở diễn có chất lượng để thu hút khán giả trẻ tuổi. Trong năm 2016, đoàn đã biểu diễn 90 buổi tại rạp Bình Minh (TP Nam Định), lễ hội đầu năm ở các huyện: Hải Hậu, Giao Thuỷ, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực và các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Quảng Ninh… phục vụ trên 100 nghìn lượt người xem, doanh thu đạt trên 800 triệu đồng. Với một dàn kịch mục dày dặn, gồm các vở diễn cổ:
“Tống Trân Cúc Hoa”, “Trương Viên”, các vở diễn đề tài lịch sử
“Ngô Quyền dựng nước”, “Linh hồn Đại Việt”, “Tình sử Vương triều”, “Tiếng trống Mê Linh”… và các vở diễn đề tài hiện đại: “Cổ tích một tình yêu”, “Giậu mồng tơi gãy dập”; chương trình nghệ thuật của Đoàn cải lương Nam Định đã đáp ứng đa dạng thị hiếu khán giả ở mọi lứa tuổi. Mỗi tiết mục đoàn dàn dựng đều nhằm vào một bộ phận khán giả với những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày như: tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa hay những vấn đề nóng bỏng phản ánh đa dạng, nhiều chiều về cuộc sống từ nông thôn đến thành thị; cảnh báo, phê phán những tác động tiêu cực những mặt trái của nền kinh tế thị trường đến truyền thống văn hóa dân tộc. Trong số những vở diễn mới của đoàn, thành công nhất là vở diễn
“Mặt nạ người” (Tác giả: Nguyễn Đăng Chương; Đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai). Tại Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 ở tỉnh Bạc Liêu vở diễn đã mang về cho Đoàn Cải lương Nam Định 2 HCV, 2 HCB và 1 giải tài năng trẻ. Tham gia Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2017 do Bộ VH, TT và DL tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, tiết mục độc tấu Guitar phím lõm Cải lương
“Nam Định quê tôi” (Kết hợp chầu văn và đờn ca tài tử), Đoàn Cải lương Nam Định đã xuất sắc giành HCV.
|
Tiết mục độc tấu ghita phím lõm Cải lương “Nam Định quê tôi” của nghệ sĩ Thanh Tùng giành HCV tại Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2017. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
NSƯT Thanh Hằng, Trưởng Đoàn Cải lương Nam Định cho biết: Thành công của Đoàn Cải lương Nam Định tại các hội thi, hội diễn toàn quốc là sự nỗ lực, cố gắng của tập thể các nghệ sĩ, diễn viên. Để nâng cao chất lượng nghệ thuật, đội ngũ diễn viên có vai trò quan trọng. Trong điều kiện khó khăn về tuyển chọn, đào tạo đội ngũ diễn viên, Đoàn Cải lương Nam Định đã mời các NSND, NSƯT, diễn viên có năng lực, kinh nghiệm về giảng dạy tại chỗ theo cách “cầm tay chỉ việc” để nâng cao trình độ nghệ thuật cho các diễn viên trẻ.
Ngoài ra, Đoàn phân công cán bộ, nghệ sĩ về các địa phương trong tỉnh tuyển chọn những năng khiếu nghệ thuật cải lương. Năm 2013, đoàn đã tuyển được 10 em gửi đào tạo tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nam Định.
Hiện nay, đối tượng khán giả mà Đoàn Cải lương Nam Định hướng tới không chỉ dừng lại ở lớp người cao tuổi mà còn hướng đến thế hệ trẻ. Từ nhiều năm nay, Đoàn Cải lương Nam Định đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức biểu diễn các trích đoạn trong các vở diễn về đề tài lịch sử cho học sinh như một cách để bổ sung, nâng cao kiến thức lịch sử ngoài sách vở. Trong năm học 2016-2017, các trích đoạn trong vở
“Tiếng trống Mê Linh” đã được Đoàn biểu diễn ở 35 trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.
Để đáp ứng thị hiếu nghệ thuật ngày càng cao của khán giả, thời gian tới, Đoàn Cải Lương Nam Định tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nghệ thuật. Trong đó, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nhạc công, nghệ sĩ, diễn viên; tập trung tìm tòi, dàn dựng các vở diễn mới có chất lượng cả về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật phục vụ khán giả./.
Khánh Dũng