Thuở trước, nhà ngói, cây mít, tường hoa, sân gạch được xem là biểu tượng của những gia đình khá giả ở nông thôn.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Trong trí nhớ của tôi, ngày ấy, cả làng chỉ có vài nhà có cái sân gạch, còn lại chủ yếu là sân đất nện. Ông nội tôi làm thợ xây nên tự tay làm chiếc sân bằng gạch nung già, chạy dọc suốt 5 gian nhà ngói. Từng viên gạch xếp đều tăm tắp, sau mỗi cơn mưa ánh lên sắc đỏ như son. Những mạch nối trát bằng vữa mịn khít, không một kẽ hở. Khi chúng tôi còn bé, khoảng sân gạch trước nhà ông bà nội thật mênh mông, rộng lớn. Phía trước sân, một hàng cau thẳng tắp, hoa tỏa hương thơm ngát những đêm hè. Nhiều hôm, ông tôi khiêng chiếc chõng tre ra sân, ngồi thưởng trà với mấy cụ trong xóm. Sân gạch in dấu những bước chân chập chững tập đi của các cháu trong niềm vui của cả nhà. Ông bà tôi hiền hậu, quý trẻ, chiều nào cũng quét sân sạch sẽ, múc nước giếng dội ào khắp sân cho hơi nóng bay đi hết. Những đêm trăng sáng, trẻ con mấy nhà hàng xóm tụ tập sang nhà ông bà tôi nô đùa, chơi thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây, hò hét vang cả sân. Khi đã thấm mệt, cả bọn trải chiếu xuống nền sân mát lịm, nằm đếm sao, ngắm dải sông Ngân và ông Thần Nông đang khom lưng cấy lúa. Những ngày mưa rào đầu hạ, chúng tôi thích thú nhảy nhót tắm mưa ngoài sân, vồ bắt cá rô từ ao rạch lên sân, tiếng cười giòn tan hơn tiếng mưa gõ trên tàu lá chuối. Ngày mùa có cái sân gạch thì tiện đủ bề. Từng bó lúa vàng óng được xe cải tiến chở về chất đầy một góc sân. Nhà nào cũng tranh thủ ăn cơm tối cho nhanh, chờ trăng lên là trục lúa. Đám trẻ con theo chân mấy anh chị lớn mang lúa rải đều khắp sân và lăng xăng cầm gậy tre đẩy phía sau khiến cho cái trục lúa bố kéo phía trước chạy băng băng. Sáng hôm sau, bà và mẹ dậy từ sớm, chia ra từng khoảnh sân, chỗ thì phơi thóc, chỗ thì phơi rơm rạ. Khắp sân nhà vàng rực màu nắng và hương thơm nồng nàn của rơm mới. Buổi trưa, chúng tôi được giao nhiệm vụ trông thóc, không cho lũ gà vào bới. Vừa đảo mắt coi chừng đàn gà, mấy đứa vừa lấy rơm nếp bện những con cào cào, châu chấu. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn giúp ông bà chạy ra sân đảo thóc cho mọi hạt thóc đều được nắng, khô săn.
Một dạo, chiếc sân xi măng trắng lóa mắt và bỏng rát chân những trưa hè thay thế dần sân gạch khiến không ít người hoài cổ cảm thấy chạnh buồn. Bây giờ ở quê, nhiều nhà lại quay về với chiếc sân gạch đỏ. Để mỗi lúc ngang qua xóm nhỏ, bắt gặp khoảng sân gạch nâu hồng giản dị lại thấy bao yêu thương xưa cũ ùa về./.
Lam Hồng