Sôi nổi phong trào văn nghệ ở Hồng Quang

05:04, 15/04/2017
Xã Hồng Quang (Nam Trực) hiện có nhiều CLB, tổ, đội văn nghệ hoạt động ở đa dạng các loại hình, tiêu biểu như: chèo, nhạc cụ dân tộc, kèn đồng, trống hội, múa rối… thường xuyên phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương.    
 
Dẫn chúng tôi tham quan một số nhà văn hóa thôn, xóm trên địa bàn, đồng chí Phạm Đình Khíu, cán bộ văn hóa xã Hồng Quang cho biết: Qua khảo sát, cuối năm 2016 xã đã đạt 19/19 tiêu chí NTM, trong đó cơ sở vật chất văn hóa ở các thôn, xóm được nâng cấp, xây mới đồng bộ, là điều kiện thuận lợi để các CLB, tổ, đội văn nghệ sinh hoạt. Hằng năm, xã đều tổ chức biểu diễn văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước như: Ngày thành lập Đảng (3-2), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Quốc khánh (2-9)…, của địa phương thu hút đông đảo các CLB, tổ, đội văn nghệ tham gia. Hiện nay, xã có 1 CLB văn nghệ ca khúc chính trị, 1 đoàn nghệ thuật múa rối, 1 đội chèo xóm Thị 8 - 9, 4 đội múa lân - sư - rồng, 3 đội trống hội, 1 đội trắc, 4 đội kèn đồng và hàng chục tốp văn nghệ ở các xóm và các trường học... Đến NVH xóm Thị 8, chúng tôi bắt gặp các thành viên đội chèo đang xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống. Trong tiếng nhạc dặt dìu, những làn điệu chèo cổ được các nghệ sĩ không chuyên thể hiện mượt mà, đằm thắm. Ông Nguyễn Duy Vết, đội trưởng đội chèo xóm Thị 8-9 cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, thiếu đạo cụ nhưng bằng tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật, các thành viên trong đội đã dày công tập luyện và nhanh chóng nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật hát chèo, chầu văn. Ngoài việc biểu diễn thành thục các làn điệu chèo, các bài hát văn, đội còn sáng tác, dàn dựng những hoạt cảnh chèo tuyên truyền về công tác dân số - KHHGĐ, xây dựng NTM. Trong 29 thôn, xóm trên địa bàn xã, đội văn nghệ xóm Rạch Tây luôn duy trì hoạt động ổn định với 10 thành viên, trong đó nòng cốt là các đoàn viên thanh niên, hội viên Hội Phụ nữ, Hội CCB. Đến nay các thành viên trong đội đã tập luyện, biểu diễn hàng trăm ca khúc cách mạng có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương đất nước. Nghệ thuật múa tứ linh ở xã Hồng Quang có truyền thống từ lâu, tập trung ở các xóm: Lạc Na, Chiền, Dứa, Rạch Đông. Hội múa rồng xóm Chiền có gần 40 thành viên, tự sắm trang phục, đạo cụ và rồng vải để biểu diễn. Nét đặc sắc của hội múa rồng xóm Chiền là các thành viên có thể biến hóa nhiều kiểu múa, khi “lắc đầu, vẫy đuôi”, lúc thành hàng một, lúc hàng đôi, đầu và đuôi rồng tương hợp với nhau, uốn khúc phóng đi hay đảo lại nhịp nhàng uyển chuyển… Hằng năm, hội rồng xóm Chiền biểu diễn ở dịp khai hội Đình Xám. Vào các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán ở địa phương diễn ra nhiều trò chơi dân gian, trong đó không thể thiếu tiết mục múa rồng của xóm Chiền. Thôn Bàn Thạch từ lâu nổi tiếng khắp cả nước là một trong những trung tâm của nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Hiện nay, phường rối nước thôn có hơn 40 người. Các tích trò của phường rối nước Bàn Thạch phản ánh sinh động cuộc sống chiến đấu, lao động sản xuất, sinh hoạt của cha ông ta. Tiêu biểu là các tích trò: Trần Hưng Đạo 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông, cấy lúa, đấu vật, múa tứ linh, chọi trâu, múa sư tử. Với sự nhạy bén và sáng tạo, phường rối thôn Bàn Thạch luôn đổi mới tiết mục phục vụ nhiệm vụ chính trị, tùy theo từng giai đoạn như: “Đánh Pháp công đồn”, “Bình dân học vụ”, “Bắn máy bay địch”, “Mở hội xuống đồng”… Hiện nay, các nghệ nhân múa rối của thôn vẫn tiếp tục hướng dẫn, truyền nghề và trau dồi lý thuyết cơ bản cho học viên trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.
Hội kèn xứ Hồng Quang, xã Hồng Quang trong một buổi tập.
Hội kèn xứ Hồng Quang, xã Hồng Quang trong một buổi tập.
Là địa phương có 49% đồng bào theo đạo Thiên chúa với 2 giáo xứ: Báo Đáp và Hồng Quang, xã có 4 đội kèn đồng, 3 đội trống, 1 đội trắc. Hội kèn xứ Hồng Quang gồm đội kèn xóm Hậu Phú và xóm Lạc Na hợp thành. Trong đó riêng đội kèn xóm Hậu Phú có tới 40 thành viên. Xóm Hậu Phú cũng là nơi thành lập đội kèn đầu tiên trên địa bàn xã. Hiện nay, đội còn lưu giữ nhiều cây kèn Pháp, Đức có niên đại trên 100 năm (tính từ năm thành lập). Với bề dày truyền thống, các thành viên trong đội kèn xóm Hậu Phú có khả năng phô diễn các kỹ thuật biểu diễn khó, độc đáo như điều tiết âm sắc bằng độ dày, mỏng của môi… Đến nay, đội đã biểu diễn thành thạo nhiều ca khúc cách mạng như “Quốc ca”, “Quốc tế ca”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”… và tổ chức nhiều chương trình hợp xướng ca nhạc. Trong đội có các thành viên như ông Hoàng Tiến Đan, chuyên tổ chức các lớp dạy cho những người đam mê nhạc, kèn. Từ năm 1995 đến nay, năm nào ông cũng mở lớp đào tạo âm nhạc miễn phí cho những người có niềm đam mê. Ở thôn Báo Đáp, cuộc sống nhân dân gắn liền với đồng ruộng và một số nghề phụ nhưng họ đều có tình yêu âm nhạc. Đến Báo Đáp có thể thấy hình ảnh cô bé đang học lớp 1 đã biết kéo violon, gảy đàn tranh, cụ già cao tuổi vẫn say mê biểu diễn kèn đồng. Ông Nguyễn Văn Điềm (70 tuổi) là người chuyên dạy nhạc miễn phí cho những ai có niềm đam mê. Học trò của ông Điềm gồm đủ lứa tuổi, từ cụ già 70 tuổi đến các cháu học lớp 1. Lớp học nhiều nhất là vào dịp hè khi học sinh được nghỉ học. Đến nay, hầu hết đàn ông ở thôn Báo Đáp đều biết sử dụng một hoặc vài loại kèn đồng, trong đó, có 50 người là thành viên đội kèn xứ Báo Đáp. Ngoài đội kèn đồng, thôn Báo Đáp còn có đội bát âm với hàng chục lão nông tham gia. Đội trống Báo Đáp với khoảng 60 tay trống phục vụ các hoạt động ở nhà thờ và các giải thể thao của xã và tỉnh. Ngoài các CLB, tổ, đội văn nghệ ở các xóm, các xứ đạo, trên địa bàn xã còn có CLB, đội văn nghệ của 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS xã với nhiều thành viên là nòng cốt trong các chương trình văn nghệ ở địa phương.
 
Là điểm sáng trong phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Nam Trực, các CLB, tổ, đội văn nghệ ở Hồng Quang đã phát huy hiệu quả hoạt động; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com