Bạn lặn lội gần trăm cây số từ thủ đô về quê, vừa là thăm tôi, vừa muốn tìm mua những chiếc chum vại cũ. Giữa khu phố sầm uất, đông đúc khách ta, khách Tây, nhà bạn vừa mở một quán trà theo phong cách hoài cổ, trang trí bằng những vật dụng từng một thời gắn bó với đời sống người dân vùng thôn quê. Khách đến thưởng trà được thảnh thơi thư giãn bên chiếc chõng tre đặt liền kề gốc cau có dây trầu vấn vít, mặc sức ngắm nhìn những chùm đèn màu gắn trong những chiếc đơm, chiếc đó đung đưa trên cành tre đằng ngà vàng óng…
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Lần này về quê, bạn muốn sưu tầm thêm những chiếc chum vại cũ, bảo là để trồng những cây chuối, cây ráy dại, hoa dâm bụt cho không gian quán thêm đậm chất quê. Sẵn tiện, tôi giới thiệu luôn cho bạn cả một kho chum vại tôi cất giữ từ ngày ông bà ngoại mất. Những chiếc chum vại làm bằng đất nung già đủ kích cỡ, cái thì màu da lươn bóng loáng, cái thì màu nâu đất mộc mạc, thô sần. Mỗi vật dụng đều thân thuộc với cuộc sống gia đình tôi thuở còn khó khăn, thiếu thốn. Hai cái chum to nhất, một chiếc ngày xưa dùng đựng thóc, một chiếc chuyên để dưới gốc cau hứng nước mưa. Ngày ấy nguồn nước sạch còn khan hiếm nên nước mưa quý lắm, chỉ dùng cho việc đun nấu ăn uống. Tôi vẫn còn nhớ những ngày mưa rào mùa hạ, bà tôi nét cười rạng rỡ khi ngồi bên hiên nhà, ngắm nước mưa từ thân cau chảy tràn mặt chum. Trưa nắng hè, đi học về, bọn trẻ con chạy ào ra chum nước mưa, vục đầy một gáo dừa, tu ừng ực, nghe cái mát lành và vị ngọt thấm đẫm, sảng khoái cả người. Cái chum đựng thóc ngay cả những lúc mất mùa vẫn không bao giờ để cho cạn đến đáy mà phải ăn độn thêm khoai sắn, bởi quan niệm của người dân quê tôi, để chum thóc sạch trơn là cái đói cái nghèo sẽ đến. Những cái vại ngày trước cũng có mặt ở khắp mọi ngóc ngách trong nhà. Sát chân bể là vại nước cua, nước cáy chôn bán âm bán dương, mỗi lúc luộc rau lang, rau muống, bà ngoại lại mang bát ra chắt một ít về chấm. Trong bếp thì lúc nào cũng dự trữ sẵn một vại cà, vại dưa muối mặn để ăn quanh năm. Mấy chiếc vò lọ để trong buồng, cái thì đựng hạt giống cho mùa sau, cái thì đựng khoai lang khô, sắn khô, phòng khi tháng ba ngày tám. Dù bây giờ, những chiếc chum vại cũ không còn mấy người dùng nữa, nhưng mỗi lúc ngồi lặng yên ngắm nghía, lại thấy nhớ những tháng ngày êm đềm của tuổi ấu thơ.
Quyết định tặng cho bạn những chiếc chum vại cũ, dù trong lòng dâng đầy bao tiếc nuối, nhưng trước tấm lòng trân trọng, nâng niu hồn quê của bạn, lại thấy vui và tin rằng những vật dụng đơn sơ, thân thuộc ấy nơi phồn hoa đô hội sẽ làm ấm lòng những người con xa xứ./.
Lam Hồng