Nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến (63 tuổi), xóm Hùng Vương, thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề vẽ tranh sơn mài. Hiện nay, ông là một trong số ít những người trong thôn có thể làm tất cả các công đoạn sáng tạo tác phẩm tranh sơn mài theo phương pháp thủ công truyền thống.
Trái ngược với không khí ồn ã ở các xưởng sản xuất đồ gỗ, đồ thờ sơn son thếp vàng với các loại máy công nghiệp trong xã…, ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến ở giữa xóm Hùng Vương, thôn Cát Đằng thật tĩnh lặng. Trong nhà ông, tầng 1 bốn bề đều treo các tác phẩm tranh sơn mài mà ông tâm đắc giữ lại, tầng 2 là không gian riêng để ông thỏa sức sáng tạo vẽ tranh. Tiếp chúng tôi khi tay vẫn lem màu sơn, ông cho biết đang thực hiện những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện bức tranh Bác Hồ. Bằng giọng trầm ấm, từng trải, ông tâm sự với chúng tôi về con đường đưa ông đến với nghệ thuật vẽ tranh sơn mài: Sinh năm 1954, ngay từ nhỏ, cậu bé Tuyến đã được tiếp xúc với các nghệ nhân làm những dòng sản phẩm sơn mài là hàng chắp (thủ công mỹ nghệ), hàng nét (đồ thờ) và tranh sơn mài. Trong đó, tranh sơn mài có sức cuốn hút đặc biệt với cậu bé Tuyến. Vốn có năng khiếu vẽ tranh, sau đó được người anh trai hướng dẫn, Tuyến đã bắt đầu vẽ những tác phẩm đầu tiên trong đời như cảnh núi non, đồng quê… Năm 1971, chàng thanh niên Đinh Khắc Tuyến lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1. Trong môi trường quân đội, anh được giao nhiệm vụ chuyên kẻ, vẽ khẩu hiệu và trang trí báo tường. Năm 1977, sau khi xuất ngũ trở về, ông xác định sẽ tiếp tục gắn bó với nghề vẽ tranh sơn mài và gia nhập HTX sơn mài Cát Đằng. Như duyên số, thời điểm này HTX đã mời một số giáo viên của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội về bồi dưỡng chuyên môn một năm tại địa phương. Với kiến thức được trang bị từ nhỏ, sau khóa học ông Tuyến tiếp tục nâng cao các kỹ năng để nâng cao chất lượng trong các sáng tác của mình. Ông vẫn nhớ như in thời kỳ những năm 1980-1988 là thời kỳ hoàng kim của các sản phẩm sơn mài nói chung và tranh sơn mài nói riêng.
|
Nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến bên tác phẩm bức tranh chân dung Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Thời điểm đó, HTX sơn mài Cát Đằng có tới 500 thành viên với 12 phân xưởng. Năm 1980, HTX Sơn mài Cát Đằng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 1992 HTX chuyển đổi thành Cty Sản xuất hàng mỹ nghệ Cát Đằng, đây cũng là thời điểm ông nghỉ làm ở HTX và nhận vẽ tranh sơn mài ở nhà. Chỉ tay vào đồ nghề và nguyên vật liệu được xếp ngăn nắp trên mặt bàn, nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến giải thích cho chúng tôi từng “món” đồ. Theo ông, hiện nay ít người còn vẽ tranh sơn mài theo phương pháp truyền thống bởi độ phức tạp từ cách chọn nguyên liệu, đến kỹ thuật tay nghề và sự kiên nhẫn. Các nguyên vật liệu chính gồm: sơn ta, dầu trẩu, nhựa trám, mạt cưa, đất thổ… Các nguyên liệu làm cốt (vóc) như: gỗ, tre, nứa. So với các làng nghề khác trong cả nước thì chỉ có duy nhất làng nghề Cát Đằng sử dụng nguyên liệu tre, nứa để làm cốt sản phẩm. Vì vậy, đây cũng là đặc điểm nổi bật của làng nghề. Các vật liệu trang trí: quỳ vàng, quỳ bạc, vỏ trai, vỏ ốc, vỏ trứng... Các dụng cụ truyền thống để vẽ tranh sơn mài gồm: dụng cụ để chế biến sơn, giấy ráp, đá mài, chối khỏa, vải màn, lá mít, than từ gỗ xoan, tóc rối, dao, que sắt; bút lông mèo, thép tóc, dao kẽ… Công đoạn pha chế sơn trong vẽ tranh sơn mài rất phức tạp. Khi mua sơn ta sống về, người nghệ nhân đổ ra vầy (thúng có quét sơn) để từ 30 đến 45 ngày để sơn lắng lại rồi chia sơn làm 3 lớp: Lớp mạt dầu là lớp sơn trên cùng được sử dụng vào các công đoạn sơn then, sơn son và sơn phủ. Lớp sơn vóc là lớp sơn ở giữa, được sử dụng để làm sơn lót, sơn thí và sơn cầm. Lớp sơn đáy, sơn củ là lớp sơn phía dưới cùng, được sử dụng để trộn với mạt cưa/đất thổ dùng để gắn, bó và hom sản phẩm. Sau khi chia sơn làm ba loại thì người nghệ nhân sơn chế ra các loại sơn khác nhau. Để pha chế sơn, người nghệ nhân sử dụng các phụ liệu là dầu trẩu và rượu. Quy trình để làm ra sản phẩm tranh sơn mài phải trải qua các khâu: làm vóc, trang trí. Làm vóc gồm các công đoạn: phôi mộc gắn bọc vải, bó, kẹt hom, lót, thi, cầm thếp, phủ (sau mỗi công đoạn đều phải có công đoạn mài nhẵn). Trang trí: là công đoạn người nghệ nhân sẽ làm việc trên tấm vóc hoàn chỉnh gồm các bước: phác thảo bố cục, phóng lớn phác thảo, vẽ lên vóc. Sau đó nghệ nhân cắt trai, ốc, trứng gắn lên vóc rồi dùng sơn để tạo chất kết dính. Sau khi gắn xong thì phủ 1 nước sơn lên toàn bộ bề mặt sản phẩm rồi phơi khô từ 2-3 ngày và đem ra mài; rồi sơn thêm 1 đến 2 nước sơn nữa, sao cho nền sơn và vỏ trai, ốc bằng nhau. Công đoạn đi nét, nghệ nhân sử dụng sơn cánh gián pha với màu để vẽ những mảng hình ảnh, bố cục và có thể kết hợp rắc bạc vụn để tạo mảng sáng cho tranh. Tranh sau khi được xử lý bằng một lớp màu phủ cuối cùng, chờ khô, đem mài với giấy nhám và nước, các lớp màu và hình sẽ dần hiện ra cùng với các chi tiết. Bước cuối cùng là toát sơn và đánh bóng… Tranh sơn mài của nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến chủ yếu thể hiện các chủ đề dân gian như: tranh tứ linh (long, ly, quy, phượng), tranh tứ thời (mai, lan, cúc, trúc), tranh phong cảnh làng quê, tranh về các di tích, thắng cảnh đẹp của đất nước; tranh chân dung của các vĩ nhân như: Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Đường nét trong tranh của ông thanh nhã và tinh xảo. Đặc biệt, tranh chân dung sơn mài của ông có đường nét chân thực và có hồn. Nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến cho biết: Để làm một bức tranh sơn mài tứ quý, phải có thời gian một tháng để hoàn thành. Hiện nay số lượng người vẽ nét có tay nghề cao tại làng còn lại không nhiều, vì ngoài hoa tay thì cần đòi hỏi sự tỉ mỉ, óc sáng tạo mới có thể sáng tác các tác phẩm đẹp.
Niềm đam mê vẽ tranh của nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến đã tạo ra những sản phẩm tranh sơn mài độc đáo có giá trị nghệ thuật. Ông không chỉ lưu giữ tinh hoa văn hoá quê hương mà còn là người “giữ lửa” và truyền nghề cho thế hệ sau, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc./.
Bài và ảnh:
Viết Dư