Sôi nổi các hoạt động văn nghệ trường học

09:03, 17/03/2017

Những năm qua, phong trào văn nghệ ở các trường học trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi trong giáo viên, học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Vở diễn “Vợ nhặt” của lớp 12A7 đạt giải 3 trong đêm Chung khảo Hội thi “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” lần thứ I của Trường THPT Trần Hưng Đạo.
Vở diễn “Vợ nhặt” của lớp 12A7 đạt giải 3 trong đêm Chung khảo Hội thi “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” lần thứ I của Trường THPT Trần Hưng Đạo.

Ở Thành phố Nam Định, phong trào văn nghệ phát triển ở hầu khắp các trường học; đặc biệt là bậc THPT… Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa dưới hình thức sinh hoạt CLB. Hằng năm nhà trường đều tổ chức chương trình ra mắt CLB học sinh nhằm giới thiệu tới các em khóa mới một số hoạt động ngoại khóa nổi bật, trong đó có màn biểu diễn của các CLB sáo trúc và kèn Harmonica, CLB ghi ta, CLB nhảy hiện đại, CLB văn học dân gian… CLB sáo trúc và kèn Harmonica gồm hàng chục học sinh các khối của trường; chủ nhiệm CLB là em Nguyễn Minh Đức học sinh lớp 12A1. Tham gia CLB, các thành viên mới đều được Đức hướng dẫn tận tình từ cách cầm sáo, những kỹ thuật cơ bản như: lưỡi đơn, điều khiển hơi bằng cổ, lấy hơi ở bụng... Những bản nhạc đơn âm dễ tập như: “Làng tôi”, “Ước mơ”, “Chúc bé ngủ ngon”... tạo hứng thú cho những người mới làm quen với sáo trúc. Sau một thời gian luyện tập, các thành viên trong CLB đã biết biểu diễn hòa tấu sáo các bài như: “Bèo dạt mây trôi”, “Làng quan họ quê tôi”… Em Đỗ Phạm Đức Huy, học sinh lớp 12 chuyên Lý, chủ nhiệm CLB ghita của trường cho biết: Với ghita, người chơi không chỉ mất nhiều thời gian để hoàn thiện kỹ thuật mà còn đòi hỏi phải đọc thêm tài liệu nói về hoàn cảnh ra đời bản nhạc, lịch sử thời kỳ đó để lồng cảm xúc của mình trong việc thể hiện các giai điệu của tác phẩm, truyền tới người nghe. Ngoài việc tích cực tập luyện, biểu diễn, CLB còn tổ chức các buổi dạy ghita miễn phí cho các thành viên mới. CLB nhảy hiện đại của trường do em Trần Khánh Linh, học sinh lớp 12 chuyên Anh 2 làm chủ nhiệm. Với cách thức tổ chức chuyên nghiệp, CLB đã đóng góp nhiều tiết mục sôi động, trẻ trung cho hoạt động văn nghệ của nhà trường. Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) cũng luôn trong “tốp” đầu trong các hội thi văn nghệ cấp tỉnh. Góp phần vào kết quả trên, thời gian qua các thầy, cô giáo tổ Ngữ văn của trường đã đổi mới phương pháp dạy học, trong đó có mô hình sân khấu hóa tác phẩm văn học, qua đó giúp học sinh rèn kỹ năng cảm thụ tác phẩm, tạo sự say mê, chủ động cho các em trong cách tiếp cận môn học. Vừa qua, hội thi “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học” của trường đã thu hút trên 600 học sinh ở cả 3 khối 10, 11, 12 tham gia. Để tổ chức hội thi, các giáo viên phụ trách chuyên môn đã chuẩn bị kỹ việc lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ từng thành viên, vận động kinh phí từ nguồn xã hội hóa… Các lớp cử đại diện để bốc thăm tác phẩm văn học trong chương trình học của từng khối, sau đó sẽ chuyển thể tác phẩm văn học thành tiểu phẩm, kịch, múa dân gian, múa đương đại, múa bóng, ngâm thơ, kể chuyện; nhạc kịch... Được sự giúp đỡ về kỹ thuật biểu diễn của Đoàn Kịch nói Nam Định, trong 2 vòng sơ khảo và chung khảo, học sinh trở thành những nghệ sĩ tài hoa hóa thân trong những vai diễn. Đó là hình tượng cao đẹp về Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trong “Huyền sử Đức Thánh Trần”; là nàng Mỵ Châu vừa đáng giận vừa đáng thương trong tích “Mỵ Châu - Trọng Thủy”; là nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng; là Chí Phèo khật khưỡng giữa đôi bờ thiện - ác; là Thị Nở với bát cháo hành đậm đà tình nghĩa con người… Huyện Nghĩa Hưng có 6 trường THPT, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), 26 trường THCS, 33 trường tiểu học, 26 trường mầm non. Ở tất cả các trường học thuộc các bậc học đều thành lập các đội văn nghệ với số lượng từ 10-20 học sinh. Trường THPT B Nghĩa Hưng là một trong những “điểm sáng” về phát triển phong trào văn nghệ. Trường có 30 lớp với tổng số 1.265 học sinh. Hoạt động văn nghệ được nhà trường tổ chức xuyên suốt theo kế hoạch năm học, bao gồm hai hình thức: Tổ chức đội văn nghệ thực hiện các chương trình phục vụ những ngày lễ lớn và xây dựng phong trào ca hát ở các lớp. Năm 2011 và năm 2015, Trường THPT B Nghĩa Hưng đại diện cho ngành GD và ĐT tỉnh tham dự hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc với nhiều tiết mục được đánh giá cao như: Huy chương Vàng tiết mục đơn ca “Con Cò”, Huy chương Bạc tiết mục “Múa quê hương”… Huyện Hải Hậu có 114 trường học, trong đó có 35 trường mầm non, 40 trường tiểu học, 39 trường THCS; các trường học đều có đội văn nghệ với đa dạng các thể loại: ca múa nhạc, kịch, chèo, hát dân ca. Tiêu biểu là các trường: THCS Hải Phương, Yên Định; các trường tiểu học: A Hải Trung, A Thịnh Long; các trường mầm non: Hải Châu, Yên Định... Trường THCS Hải Phương hiện có 1 CLB văn nghệ xung kích, 12 đội văn nghệ ở các lớp học. Trong các giờ sinh hoạt, nhà trường tổ chức đan xen các tiết mục văn nghệ, ứng xử câu hỏi tình huống hằng tuần. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động văn nghệ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Đoàn (26-3), lễ khai giảng, lễ tổng kết năm học, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)… Trường Mầm non Hải Châu với đội ngũ giáo viên giàu tâm huyết với nghề thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ của xã, của huyện. Để khơi dậy tình yêu nghệ thuật cho các cháu, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: “Ngày hội đến trường của bé”, “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tết Trung thu” hay các hội thi “Bé khỏe, bé ngoan”, “Bé khéo tay”, “Hội thi thời trang cho bé”… Phong trào văn nghệ ở các trường học trên địa bàn huyện Nam Trực cũng phát triển mạnh; sôi nổi nhất là ở bậc THPT… Ở Trường THPT Trần Văn Bảo hằng năm đều tổ chức thi văn nghệ giữa các khối lớp 10 và lớp 11. Bên cạnh đó, trường tổ chức chương trình văn nghệ vui chơi lồng ghép trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa như chương trình rung chuông vàng, đố vui để học… Từ những buổi sinh hoạt văn nghệ, những hạt nhân văn nghệ được phát hiện, bồi dưỡng, đưa vào đội văn nghệ của trường tham gia luyện tập, dàn dựng các tiết mục văn nghệ phục vụ cho những chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn... Phong trào văn nghệ tại các trường THCS, tiểu học, mầm non trong huyện cũng phát triển sâu rộng. Trường Mầm non Nam Chấn, xã Hồng Quang có 31 cán bộ, giáo viên trong đó nhiều giáo viên vừa giỏi về múa, hát, vừa dạy giỏi; tiêu biểu như các cô: Nguyễn Thanh Hồng, Nguyễn Thị Ngâu, Nguyễn Thị Oanh… Ở Trường Mầm non Nam Chấn, ngoài những hoạt động học tập, trường luôn quan tâm đến các hoạt động ngoại khoá, tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ với sự tham gia của các cô và các bé trong dịp khai giảng năm học mới, Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)…

Phong trào văn nghệ trong các trường học phát triển, đã tác động tích cực đến tâm hồn, tình cảm, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động tham gia các hoạt động tập thể của học sinh, qua đó giúp học sinh phát triển toàn diện./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com