Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, những năm qua huyện Giao Thủy đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang và lễ hội của Trung ương, của tỉnh được Huyện uỷ, UBND huyện triển khai đến các tầng lớp nhân dân và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Kéo co, trò chơi dân gian vẫn được duy trì trong các ngày hội ở miền quê Giao Thuỷ. Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/HU ngày 14-5-2013 của Huyện ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội, đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đã ban hành quy chế NSVM địa phương và thực hiện hiệu quả. Tiêu biểu là các xã: Giao Hà, Giao An, Giao Phong, Giao Thịnh, Giao Hải, Giao Long, Giao Xuân, Giao Hương… Việc cưới trên địa bàn huyện đã được tổ chức với phương châm “Trang trọng - tiết kiệm - văn minh”, đúng quy định Luật Hôn nhân và Gia đình, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương. Các đám cưới được điều chỉnh bằng quy ước, hương ước xóm, TDP văn hóa NTM và thông qua vai trò của các tổ chức đoàn thể nên đã có chuyển biến tích cực. Các thủ tục đám cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, không rườm rà, không nặng nề về đòi hỏi lễ vật; trang phục cô dâu, chú rể được thiết kế theo nghi lễ truyền thống… Đặc biệt tại các xã: Bạch Long, Giao Hải và Thị trấn Quất Lâm đã triển khai thí điểm xóa bỏ hủ tục “Làm cỗ và ăn cỗ lấy phần” tồn tại nhiều năm nay. Xã Giao Hải có 2.200 hộ dân với 7.506 khẩu, trong đó có trên 85% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã có gần 20 đám cưới đều tổ chức theo đúng quy định của xã và hương ước xóm. Đồng chí Trần Văn Hiếu, cán bộ văn hoá xã cho biết: “Khi triển khai chương trình xây dựng NTM, xã đã có chủ trương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, hương ước của cả 18 xóm đều quy định rõ khi tổ chức đám cưới, chỉ làm cỗ đủ ăn, không “làm thêm cỗ để chia phần” và “đi ăn cỗ không lấy phần”. Gia đình bà Nguyễn Thị Dung, xóm 12 là một trong những gia đình đầu tiên ở xã thực hiện cưới theo phương châm “Làm cỗ không lấy phần”. Qua tiệc cưới của con gái bà Dung, mọi người dân ai cũng thấy rằng không phải cứ tổ chức linh đình và làm cỗ hoành tráng thì đám cưới mới vui và ý nghĩa. Gia đình bà tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ để sinh hoạt vào nhiều việc khác. Đám cưới của con bà Dung là một sự khởi đầu cho một NSVM, gọn nhẹ, tiết kiệm và được bà con lối xóm đồng tình hưởng ứng. Ở xã Giao Nhân, nhiều năm qua, việc cấp giấy đăng ký kết hôn cho nhiều cặp vợ chồng sắp kết hôn được tổ chức trang trọng vào một ngày nhất định trong tuần, có sự chứng kiến của đại diện chính quyền và các ngành, đoàn thể trong xã cùng hai bên gia đình. Nhiều địa phương còn quan tâm hỗ trợ gia đình trong việc tổ chức lễ cưới như: tăng âm, loa đài, trang trí, đội văn nghệ, người điều hành hôn lễ... Nhiều đám cưới được tổ chức theo hình thức tiệc trà, tiệc ngọt, không hút thuốc lá, uống bia rượu. Việc thực hiện NSVM trong việc tang trên địa bàn huyện Giao Thuỷ cũng đang dần vào nền nếp. Việc tang được tổ chức dưới sự điều hành và giám sát chặt chẽ của ban tang lễ và ban giám sát của xóm, TDP; bảo đảm trang trọng, tình nghĩa, tiết kiệm. Mỗi đám tang chỉ dùng tối đa 4 vòng hoa dành cho bên nội, bên ngoại, xóm đội và đại diện cho cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể địa phương; không mời thuốc lá trong đám tang; hạn chế ăn uống linh đình. Các hủ tục như: trống chung, khóc kèn, tế vong linh dần được xoá bỏ. Nhiều khu dân cư còn thành lập các tổ giúp việc cộng đồng, hội hiếu để giúp đỡ các gia đình tổ chức tang lễ như ở các xã: Giao Hải, Giao Long, Giao Nhân…; qua đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đồng thời hình thành cơ chế giám sát cộng đồng trong thực hiện nếp sống văn hóa cơ sở. Xã Giao Long là địa phương thực hiện tốt NSVM trong việc tang. Các trình tự, thủ tục: khai báo tử, thành lập ban tổ chức lễ tang, điều hành chương trình lễ tang, khâm liệm và nhập quan, đặt bàn thờ lễ viếng, phúng viếng… được tiến hành bài bản. Việc ăn uống trong đám tang được giản tiện, các nghi thức như cúng: 3, 7, 49, 100 ngày, giỗ đầu, giỗ hết tang, cải táng chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ. Tại xã Giao Hương, Ban văn hóa xã phối hợp với xóm và gia đình thống nhất với đội nhạc tang về nội dung, thời gian cử hành nhạc không trước 6 giờ và sau 22 giờ trong ngày, tránh ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. Xã đã ban hành quy chế quản lý trong việc tổ chức tang lễ, cải táng người qua đời ở địa phương và trưng cầu ý kiến nhân dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, ATGT… Công tác quản trang và quy hoạch mộ theo tiêu chí xây dựng NTM từng bước có chuyển biến tích cực. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT ở Giao Thuỷ được chú trọng. Mặc dù trên địa bàn huyện không có lễ hội lớn, chủ yếu là hội làng, quy mô nhỏ, thời gian lễ hội thường diễn ra từ 1 đến 2 ngày, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp. Các lễ hội được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính trang nghiêm, không có hiện tượng mê tín dị đoan. Phần lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: kéo co, cờ tướng, cờ người, bơi chải... kết hợp với văn nghệ quần chúng và các hoạt động văn hoá, thể thao hiện đại, làm cho các lễ hội thêm phong phú. Nhiều lễ hội đã trở thành ngày hội văn hoá của cả cộng đồng dân cư như: Lễ hội làng Hoành Nha (xã Giao Tiến), Lễ hội Đền Chính - Chùa Nổi làng Hoành Nhị (xã Hoành Sơn, Thị trấn Ngô Đồng), Lễ hội làng Diêm Điền (xã Bình Hòa), Lễ hội Đình, Chùa làng Hoành Đông (Thị trấn Ngô Đồng), Lễ hội Đình, Chùa Thanh Khiết - Đan Phượng (xã Giao Yến)… Các lễ hội tôn giáo được hướng dẫn, chỉ đạo, quản lý thực hiện tốt theo quy định của pháp luật. Lễ mừng thọ đầu năm cho các bậc cao niên được các xã, thị trấn quan tâm tổ chức long trọng; nhiều địa phương đã chỉ đạo cho các đoàn thể, xóm, đội tổ chức chúc thọ tập thể tại khu dân cư, qua đó đã phát huy được truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Kính trên nhường dưới”, động viên người cao tuổi tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước.
Thời gian tới, huyện Giao Thuỷ tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương về xây dựng đời sống văn hoá cơ sở gắn với xây dựng NTM. Tập trung khơi dậy ý thức tự giác của các gia đình, dòng họ trong việc đăng ký và phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá NTM, xóm, TDP văn hoá NTM; phát huy ý thức và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng đáp ứng yêu cầu phát triển của đời sống xã hội./.
Khánh Dũng