Tỉnh ta được coi là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt gắn với hệ thống di tích lịch sử - văn hoá đậm đặc. Theo khảo sát, toàn tỉnh có 352 di tích lịch sử - văn hoá thờ và phối thờ Mẫu; trong đó có 220 phủ, 16 miếu, 72 chùa phối thờ, 44 đền, đình thờ chung với thành hoàng làng. Các di tích lịch sử - văn hoá thờ Mẫu đều là những công trình có giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo, phản ánh trung thực bản sắc văn hoá truyền thống từng vùng miền và giữ vị thế quan trọng trong tiến trình lịch sử văn hoá Việt Nam.
Hầu hết các di tích lịch sử - văn hoá thờ Mẫu ở tỉnh ta đều tồn tại từ lâu đời, có di tích được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Do nhiều lý do như chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt, các công trình kiến trúc này được xây dựng và tu sửa nhiều lần nhưng vẫn không mất đi dáng vẻ, phong cách nghệ thuật kiến trúc văn hoá độc đáo của dân tộc.
Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) là một trong số ít các di sản văn hoá vật thể được Bộ VH, TT và DL xếp hạng sớm nhất cả nước (năm 1975). Với hơn 20 di tích bao gồm: đền, chùa, phủ, lăng đã tạo nên một Điện Thần đạo Mẫu hoàn chỉnh, có giá trị cao về trình độ kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tại quần thể di tích có 3 di tích lớn trực tiếp thờ Mẫu Liễu Hạnh gắn với thuyết “Tam sinh, tam hóa” của Thánh Mẫu, là Phủ Tiên Hương (Phủ chính), Phủ Vân Cát và Lăng Thánh Mẫu. Các di tích còn lại như: Đền thờ Lý Nam Đế, Chùa Linh Sơn, Đền Công Đồng, Đền Đông Cuông, Đền Công Núi, Đền Giếng Găng, Đền Trình, Phủ Bóng… là những di tích phối thờ Mẫu và hệ thống các vị Thánh trong Đạo Mẫu cùng các nhân vật có liên quan. Phủ Tiên Hương là công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Lê, niên hiệu Cảnh Trị (1663-1671) thờ phụ thân, phụ mẫu của Thánh Mẫu Liễu Hạnh và phối thờ Đức Thánh Trần. Năm Duy Tân thứ 8 (1914) phủ được mở rộng với quy mô to lớn như hiện nay. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay di tích vẫn bảo lưu được dáng vẻ bề thế của phủ cổ trước kia. Phủ có 19 toà với 81 gian lớn nhỏ được xây theo kiểu “Nội trùng thiềm, ngoại chữ quốc”, mặt quay hướng tây nam nhìn về núi Tiên Hương. Trước phủ là một giếng tròn mang ý nghĩa “Tụ thủy để tụ phúc”. Giữa giếng là một ụ đất làm nơi cắm cờ mỗi khi mùa hội tới. Từ bờ giếng vào là một khoảng sân rộng dẫn tới hệ thống cột trụ đồng đối xứng, tạo thành ba cửa vào phủ rộng rãi. Đối xứng qua giếng là nhà bia, lầu Cô và lầu Cậu. Khu thờ chính ở Phủ Tiên Hương được chia làm 4 cung: Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ. Trong đó, cung Đệ Tứ thờ Tứ phủ Công đồng, Ban Quan lớn Thủ phủ và Ban Chầu Thủ phủ. Cung Đệ Tam thờ Ngọc Hoàng và Hội đồng Ngũ vị Vương quan. Cung Đệ Nhị thờ Tứ vị Chầu Bà. Cung Đệ Nhất (Chính cung) thờ Tam tòa Thánh Mẫu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Quang cung Quế Anh phu nhân và Quỳnh cung Duy Tiên phu nhân. Tại cung Đệ Nhất hiện còn lưu giữ được một khám thờ khảm trai, bề thế và tinh xảo và nhiều sắc phong các đời: Lê Chính Hòa, Lê Vĩnh Thịnh, Lê Vĩnh Khánh đầu thế kỷ XVIII. Về tổng thể, toàn khu thờ ở Phủ Tiên Hương là sự liên kết của nhiều dãy nhà được nối liền với nhau kết hợp với các kiến trúc đăng đối trên một trục dài và hình ảnh hồ trong, hồ ngoài đã tạo nên một khung cảnh trang nghiêm cho công trình.
Lễ hội Phủ Dầy. Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
Phủ Vân Cát nằm cách Phủ Tiên Hương chừng 1km mặt quay về hướng tây bắc. Phủ Vân Cát xây dựng vào năm 1900, tọa lạc trên khu đất rộng hơn 1ha. Phủ Vân Cát có 7 toà với 30 gian lớn nhỏ. Phía trước có hệ thống cửa ngũ môn 5 gác lầu với các cột trụ đắp hình ảnh phượng, lân kiểu lá lật tượng trưng cho sự độ trì của thánh nhân, sự minh triết trong sáng. Giữa hồ bán nguyệt là nhà Phương Du (Thủy lâu) 3 gian làm bằng gỗ lim, lợp ngói nam, hoành vuông, cột tròn với bốn đao góc. Các xà bẩy đều được chạm mai điểu, trúc hóa, quy sen, vân ám. Xung quanh nhà Phương Du là tường hoa bằng đá đục chạm trang trí hoa thị và hoa cúc. Phủ Vân Cát cũng có 4 cung như ở Phủ Tiên Hương thờ: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, ông Hoàng Mười, ông Hoàng Ba, Bà Chúa Bản đền… Phủ Vân Cát nằm giữa Đền làng Vân Cát và Chùa Long Vân tạo thành một quần thể kiến trúc thờ Mẫu - Thần - Phật có quy mô lớn, đặc sắc. Theo Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, vào cuối thế kỷ XVII, tại Cồn cá chép, xứ Cây đa, xã Tiên Hương (nay là thôn Tiên Hương) có ngôi mộ cổ, xung quanh cây cối xanh tươi, tương truyền là mộ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đến thời Minh Mệnh (1820-1840) quan huyện Vụ Bản cho người xây gạch quanh mộ và xây một bệ nhỏ cho mọi người đến đặt lễ. Đến năm 1938, toàn bộ khu lăng, được xây dựng lại hoàn toàn bằng đá với bố cục hợp lý, chạm khắc đường nét tinh xảo. Bao quanh khu lăng mộ có nhiều cây bóng mát và bốn cột đồng trụ cao to ở bốn góc, tạo cho cảnh quan nơi đây thêm trang nghiêm bề thế. Cấu trúc lăng gần gũi với một đài tế trời đất. Đây là một công trình mang tính tưởng niệm, kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao trong quần thể kiến trúc ở Phủ Dầy.
Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp), thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng (Ý Yên) là di tích thờ Thánh Mẫu Phạm Tiên Nga, được các triều đại phong kiến sắc phong là “Đệ nhất tiên thiên Thánh Mẫu”, được Bộ VH, TT và DL xếp hạng năm 2013. Phủ được xây dựng trên nền nhà sinh ra bà ngay sau khi mất. Theo “Vân Hương Thánh Mẫu tam thế giáng sinh”, Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất vào đêm mùng 6 tháng 3 năm Giáp Dần (1434) thời Lê Thái Tông. Đến ngày 30 tháng 2 năm Quý Tỵ (1473) niên hiệu Hồng Đức, Thánh Mẫu Liễu Hạnh hóa về Thượng giới giáng sinh. Người dân trong vùng ấp Quảng Nạp (nay là thôn Vỉ Nhuế) nhớ ơn đức hạnh của Thánh Mẫu đã xây dựng đền, miếu Quảng Cung để thờ phụng. Các vua triều Lê, Nguyễn sau này đã ban sắc phong, mở rộng quy mô thờ tự thành Miếu Quảng Cung, theo đó dẫn tới các sinh hoạt tín ngưỡng lên đồng. Đầu thế kỷ XX việc thờ Mẫu biến đổi ở quy mô thần điện thành Phủ Quảng Cung. Sau khi bị tàn phá bởi chiến tranh, năm 1973 Phủ Quảng Cung được nhân dân địa phương phục hồi xây dựng trên nền đất phủ xưa. Đặc biệt từ đầu năm 2001, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, sự đóng góp của nhân dân và khách thập phương, phủ được tu bổ khang trang, xây dựng thêm các cung thờ, hồ bán nguyệt theo phong cách cổ truyền dân tộc với quy mô bề thế, khang trang như bây giờ... Hiện nay, trong phủ còn giữ được nhiều đồ tế tự quý hiếm. Đó là tượng Thánh Mẫu bằng đồng với tư thế ngồi thiền trên toà sen được tạc năm 1770, các nếp áo được tạc giản dị, thân chạm lưỡng long chầu nguyệt mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và khắc chữ Hán “Quảng Cung linh từ”. Ngoài ra, còn bát hương bằng đồng, 34 bản khắc gỗ có nội dung của 64 quẻ thẻ, 3 sắc phong thời Nguyễn cùng với các hoành phi, câu đối ghi dấu sự tích và ca ngợi công đức của Thánh Mẫu.
Trong nhiều năm trở lại đây, hầu hết các di tích lịch sử - văn hoá thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh ta đều được trùng tu, tôn tạo chủ yếu dựa trên nguồn ngân sách xã hội hoá nhằm phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu. Ở các di tích, công trình quan trọng nhất là không gian thờ tự liên quan đến kiến trúc, nội thất, đặc biệt là hệ thống cột, xà, các cửa võng, rèm cửa được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trên các ban thờ rất nhiều đồ thờ và tượng các vị Thánh của đạo Mẫu được bổ sung. Hiện nay, không chỉ trong các phủ mới thờ Thánh Mẫu mà tại các ngôi chùa thờ Phật, các đền thờ danh nhân, danh tướng, các vị thánh trong đạo Mẫu ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Tại các địa phương như: Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, các đình, đền, chùa trước đây chỉ thờ nhân thần trong tự nhiên hay các vị thuỷ tổ có công trong sự nghiệp khai hoang, lấn biển, lập ấp, thì nay một số di tích lịch sử - văn hoá đã thờ và phối thờ: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Tam toà Thánh Mẫu, Quốc mẫu Âu Cơ, đồng Cô, đồng Cậu... Ở các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, nhiều di tích lịch sử - văn hoá thờ các vị thành hoàng làng, vị tổ nghề, các vị vua, vị tướng, các danh nhân văn hoá… đều phối thờ Mẫu ở Chính cung hoặc cung Đệ Nhị, Đệ Tam... Đặc biệt một số di tích nguyên trước là từ đường của các dòng họ nay cũng đã chuyển sang thờ những vị thánh trong đạo Mẫu; một số di tích còn cho xây dựng thêm phủ, miếu để thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Thiên, Linh Sơn Thánh Mẫu... Hầu hết phong cách xây dựng di tích ở các địa phương đều mang rõ bản sắc kiến trúc dân tộc. Phong cách xây dựng bên ngoài cũng như cấu trúc chạm khắc bên trong các di tích đã được những người thợ tài hoa xưa ứng dụng những kinh nghiệm quý báu của cha ông, kết hợp với những tìm tòi sáng tạo để có những công trình phong phú đa dạng, tạo nên một phong cách kiến trúc tôn giáo tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử. Riêng ở huyện Vụ Bản, các di tích lịch sử - văn hoá thờ Mẫu nằm trong một tổng thể hoàn chỉnh và lấy Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Thánh Mẫu làm trung tâm. Việc hoà nhập của tín ngưỡng đạo Mẫu vào các đền, đình, chùa ở địa phương vốn đã có từ lâu đời dẫn đến việc sửa chữa và xây dựng các di tích có ảnh hưởng nhiều của kiến trúc cung đình Huế. Đó là phong cách kiến trúc nhiều lớp nối tiếp nhau để có một không gian sử dụng rộng rãi, thông thoáng hơn nhưng vẫn tạo nên một sự thâm nghiêm, bề thế...
Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo di tích, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu liên quan đến các nghi lễ trong thờ cúng, nghi thức trong các lễ hội cũng được các cấp uỷ Đảng, chính quyền ở các địa phương quan tâm, khôi phục và phát huy. Lễ hội tại các di tích thờ Mẫu thường được tổ chức vào tháng 3 âm lịch diễn ra từ 3 đến 5 ngày. Trong lễ hội diễn ra các nghi lễ trang trọng như: tế kị, rước nước, thỉnh kinh, hoa trượng hội, được thưởng thức nghệ thuật hát chầu văn, múa lân, sư, rồng, đánh cờ người và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác. Ngày nay, tín ngưỡng thờ Mẫu tại các di tích có chỗ đứng đặc biệt trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, có sức lan toả lớn trong xã hội đương đại. Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện khả năng tích hợp văn hóa với đạo Phật, đạo Giáo, đạo Nho để hướng đến cuộc sống thực tại của người dân lao động với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Ngoài ra, tín ngưỡng thờ Mẫu còn tích hợp nhiều giá trị về văn hóa, nghệ thuật như hầu đồng, những điệu múa thiêng, là môi trường để dung dưỡng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Năm 2012-2013, di sản “Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định” và “Lễ hội Phủ Dầy” được Bộ VH, TT và DL đưa vào Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Năm 2016, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại góp phần tăng thêm vị trí, vai trò của tín ngưỡng thờ Mẫu đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại; mặt khác giúp cộng đồng nhận thức sâu sắc thêm về giá trị di sản để tích cực tham gia bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá thờ Mẫu./.
Khánh Dũng