Để lễ hội thực sự là ngày hội

05:03, 03/03/2017

Tỉnh ta có hơn 100 lễ hội mùa xuân được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng ba (âm lịch); tập trung nhiều ở các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Nhiều lễ hội mùa xuân được tổ chức với quy mô lớn như: Lễ Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định), lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), lễ hội chùa Lương (Hải Hậu), lễ hội hoa làng Vị Khê, chợ Viềng (Nam Trực), lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường), lễ hội đền Hạ Kỳ (Nghĩa Hưng)…

Lễ Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) là lễ hội giàu ý nghĩa nhân văn và trở thành một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh độc đáo của Nam Định. Đồng chí Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng Ban quản lý di tích cho biết: Để tổ chức tốt nội dung chương trình Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Đinh Dậu 2017, Thành phố Nam Định đã thành lập Ban tổ chức lễ hội, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu ban triển khai các biện pháp bảo đảm ANTT, ATGT, vệ sinh môi trường; tiếp tục đổi mới việc phân luồng giao thông, trông coi phương tiện, tổ chức dịch vụ, y tế, phòng cháy chữa cháy trong thời gian trước, trong và sau Lễ Khai ấn. Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân dân và khách thập phương thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội…

Rước trong hội làng Lạc Nghiệp, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường). Ảnh: Chu Thế Vĩnh
Rước trong hội làng Lạc Nghiệp, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường).
Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Về huyện Vụ Bản những ngày đầu năm mới, trước hết phải kể đến lễ hội Chợ Viềng xuân “năm có một phiên”. Chợ Viềng xuân được tổ chức vào đêm mùng 7 sáng mùng 8 tháng Giêng trở thành một lễ hội chợ truyền thống đặc sắc, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức từ mùng 3 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch với các hoạt động văn hóa nghệ thuật đậm đặc sắc thái dân gian như: rước thỉnh kinh, hoa trượng hội, được thưởng thức nghệ thuật hát chầu văn đặc sắc, xem múa lân - sư - rồng, đánh cờ người... Để thực hiện tốt công tác quản lý lễ hội, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội tại các di tích, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm môi trường văn hóa tại các lễ hội. Trước khi diễn ra các lễ hội, Phòng VH-TT huyện cử cán bộ hướng dẫn các địa phương tổ chức lễ hội đảm bảo các nghi lễ trang trọng, phần hội phong phú, đa dạng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích; chú trọng phục hồi những nghi lễ truyền thống, khai thác các trò chơi dân gian, những nét văn hóa bản sắc của từng địa phương trong tổ chức lễ hội. Nhiều địa phương đã thành lập các CLB văn hoá - văn nghệ, CLB thể thao dân gian duy trì sinh hoạt thường xuyên, trở thành nòng cốt biểu diễn, thi đấu trong các lễ hội; tiêu biểu như các CLB: múa rồng xã Vĩnh Hào, Thành Lợi; chèo xã Hợp Hưng, hát văn xã Kim Thái; CLB cờ tướng ở các xã: Quang Trung, Thành Lợi, Liên Bảo; các CLB võ thuật, vật cổ truyền ở các xã: Trung Thành, Kim Thái, Thị trấn Gôi… Ở huyện Nam Trực, qua 4 năm triển khai Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 của UBND tỉnh về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc, đã bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Các địa phương có di tích gắn với lễ hội đều thành lập Ban quản lý và Ban tổ chức lễ hội, xây dựng kế hoạch tổ chức chi tiết kịch bản lễ hội theo quy chế, xin phép cấp có thẩm quyền. Tại các lễ hội: Chùa Đại Bi; Đền Giáp Ba và Đền Am (Thị trấn Nam Giang); Đền - Chùa Thọ Tung, Chùa Cổ Ra, Đền thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu (xã Nam Hùng); lễ hội làng Bàn Thạch (xã Hồng Quang); lễ hội đền Đông, đền Đá (xã Tân Thịnh)…, Ban tổ chức lễ hội yêu cầu bố trí, sắp xếp khu vực đốt hương, hóa sớ; các điểm đặt hòm công đức ở nơi thờ tự được bố trí hợp lý, phân công người thường trực thu gom hương, tiền đặt lễ vào đúng nơi quy định; từng bước hạn chế tình trạng hành khất, bán hàng rong, nạn cờ bạc, các cơ sở kinh doanh nâng giá, bắt chẹt du khách tại các lễ hội và điểm du lịch văn hóa tâm linh. Thị trấn Nam Giang có 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là: Chùa Đại Bi; Đền Giáp Ba và Đền Am. Được tổ chức vào dịp mùa xuân, lễ hội Chùa Đại Bi (từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng), lễ hội đền Am (từ mùng 8 đến 10 tháng Giêng) được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống. Ngoài các nghi thức như dâng hương, tế lễ, rước kiệu, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: tổ tôm điếm, đánh cờ, đấu vật… Xã Hồng Quang là địa phương  có nhiều lễ hội truyền thống hội tụ nét đẹp văn hóa dân gian. Lễ hội làng Bàn Thạch được tổ chức 5 năm một lần vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng nhớ vị tổ nghề là Thần hoàng làng Linh ứng Đại vương - người sáng lập ra nghệ thuật múa rối nước. Trong lễ hội, ngoài các tiết mục múa rối nước đặc sắc do các nghệ nhân của thôn biểu diễn, còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian như: đấu gậy, múa sư tử, cờ người… Huyện Giao Thủy có hơn 20 lễ hội xuân, phần lớn gắn với lịch sử mở đất, quai đê lấn biển, tưởng nhớ các vị Thuỷ tổ có công khai hoang dựng làng, lập ấp. Tiêu biểu như: Lễ hội Đền - chùa Diêm Điền (xã Bình Hòa); lễ hội Đền - chùa Thanh Khiết (xã Giao Yến); lễ hội đình làng Hòe Nha (xã Giao Tiến); lễ hội đình làng Kiên Hành (xã Giao Hải)… Lễ hội đình làng Hòe Nha (xã Giao Tiến), diễn ra trong 2 ngày 14-15 tháng Giêng âm lịch, là dịp để nhân dân địa phương cùng tụ họp về quê hương thành kính dâng hương, tri ân công lao xây dựng làng xã của các bậc tiền bối. Lễ hội đình Kiên Hành (xã Giao Hải) được tổ chức vào mùng 5 tháng Giêng, bắt đầu bằng nghi lễ rước kiệu từ đình làng ra miếu Bách Linh. Theo phong tục địa phương, tại miếu Bách Linh sẽ tổ chức lễ dâng hương, cầu siêu cho những người đã anh dũng hy sinh để bảo vệ quê hương. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn được huyện Giao Thủy quan tâm chỉ đạo. UBND huyện đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Quy chế của UBND tỉnh. Được sự quan tâm, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện được đảm bảo an toàn về ANTT, ATGT, vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân, tạo được ấn tượng cho khách thập phương về dự lễ hội. Thông qua các phần lễ mang đậm giá trị văn hóa bản địa và phần hội tiếp tục khôi phục các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia.

Để chuẩn bị cho lễ hội mùa xuân năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 319/UBND-VP7 chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội năm 2017, trọng tâm là các lễ hội xuân diễn ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, nhà trường, xã hội thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Thông tư số 15/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2015 của Bộ VH, TT và DL quy định về tổ chức lễ hội; Quyết định số 17-2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Sở VH, TT và DL phối hợp với các ngành chức năng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức lễ hội; phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội theo đúng quy định. Rà soát hệ thống phòng chống cháy nổ và công tác tổ chức phòng chống cháy nổ, hạn chế tối đa du khách đốt vàng mã và thắp hương trong khu vực nội tự di tích. Tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý hàng quán, bãi trông giữ phương tiện; không bán hàng hóa, các trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình. Nghiêm cấm hoạt động dịch vụ đổi tiền lẻ; tuyên truyền hướng dẫn nhân dân không đặt tiền trên hiện vật, đồ thờ tùy tiện gây phản cảm; bố trí hòm công đức hợp lý. Ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan, hành khất, trộm cắp, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, đốt pháo nổ trong thời gian diễn ra lễ hội. Thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải kịp thời, đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa lễ hội…

Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com