Chiếc cối đá

07:03, 31/03/2017
Ngày trước, khi làng quê chưa có điện và máy xay xát như bây giờ, những chiếc cối đá là vật dụng không thể thiếu của mỗi gia đình ở nông thôn.
Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet
Riêng nhà ông bà ngoại tôi có tới 3 cái cối đá. Một chiếc nhỏ để trong bếp dùng giã cua, giã muối vừng và các loại thực phẩm. Những khi trong nhà có trẻ con ốm sốt, bà và mẹ tôi thường giã lá diếp cá hoặc cỏ mực, cuộn vào khăn rồi đắp lên trán cho mau hạ sốt. Tôi nhớ mỗi lần giã muối vừng xong, chị em tôi còn đổ vào “tráng cối” bằng một ít cơm nóng, chia nhau ăn mà xuýt xoa khen ngon. Những năm mất mùa đói kém, bà tôi luộc hạt mít, bóc vỏ, cho vào cối giã nát rồi đem chưng với mắm tôm cũng thành món ăn rất bùi và lạ miệng. Tháng ba ngày tám, chiếc cối lại dùng vào việc giã ngô, những miếng sắn tàu, khoai lang phơi khô, làm thành bánh lót lòng cho các con. Một chiếc cối đá to để dưới nhà ngang, dùng chiếc chày dài quá đầu người. Ban đầu, khi ông bà tôi còn làm nghề bán bánh dầy giò, gạo nếp sau khi đồ chín được đổ vào chiếc cối này, giã cùng với óc lợn cho tới khi thành khối bột mịn dẻo, sờ không dính tay thì lấy ra, nặn thành những chiếc bánh trắng ngà, đặt vào miếng lá chuối tươi để bà tôi mang lên chợ bán. Món bánh dầy giò hồi đó xa xỉ đến nỗi, chúng tôi chỉ mong hôm nào chợ ế, bà còn thừa mấy cặp về chia cho các cháu. Về sau, khi ông bà tôi sức yếu, không làm bánh dầy giò nữa, chiếc cối đá to này được vần ra ngoài ngõ, đặt dưới gốc nhãn sum suê để cho bà con trong xóm đến giã bèo, giã cây chuối cho lợn ăn. Thỉnh thoảng, được giao nhiệm vụ giã bèo, bọn trẻ con chúng tôi thường thay nhau mỗi đứa giã mấy chục chày, những đứa ngồi bên ngoài vừa đếm, vừa hò reo cổ vũ rất hăng khiến công việc hoàn thành nhanh chóng mà không thấy mệt. Ngoài ra, ông bà ngoại tôi còn có chiếc cối đá chuyên dùng giã gạo, đặt ở hồi nhà. Chiếc cối được chôn cố định dưới lòng đất, đường kính miệng của nó rộng bằng chiếc mẹt, phải dùng hẳn một thân cây to gắn vào trụ đá làm chày để giã. Cả thúng thóc được đổ vào cối, người đứng giã tay bám vào cái móc treo bên tường nhà, giậm chân lên thân cây gỗ rồi từ từ thả chân ra cho đầu chày rơi xuống cối. Giã gạo kiểu này rất vất vả, có khi hàng tiếng đồng hồ mới xong một mẻ. Có hôm, bọn trẻ con đứng lên giã thử, cả mấy đứa đu mình lên thân cây gỗ mà cái chày không nhúc nhích, chợt thấy thương mẹ, thương bà những buổi giã gạo khuya mồ hôi ướt đầm lưng áo.
 
Bây giờ, máy xay xát gạo làng nào cũng có, những chiếc cối đá chẳng còn ai dùng nữa. Đôi lúc, bắt gặp chiếc cối đá nằm chỏng chơ phơi mưa nắng ngoài vườn, lại thấy buồn nhớ một thời gian khó./. 
 
Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com