Tạo đà cho bước phát triển du lịch năm 2017

05:02, 18/02/2017

Năm 2016, ngành Du lịch của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng mạnh. Tổng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch của tỉnh đạt 2,3 triệu lượt người, tăng 5,5% và doanh thu đạt 585 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2015. Kết quả trên cộng với nhiều hoạt động sắp tới triển khai sẽ tạo đà cho bước phát triển của du lịch Nam Định trong năm 2017.

Trình diễn Hoa trượng hội trong Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản).
Trình diễn Hoa trượng hội trong Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản).

Để đưa du lịch tỉnh phát triển, thời gian qua các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch hành động số 65/KH-UBND ngày 17-8-2015 của UBND tỉnh “Về xây dựng những giải pháp đưa ngành du lịch tỉnh phát triển giai đoạn 2015-2020”, “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”... Các khu, điểm du lịch, nhất là các khu, điểm du lịch trọng điểm như Khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu), Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy), Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định), Khu di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản)... tiếp tục được đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, mạng lưới bưu chính viễn thông... Cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đã thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn mới đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, nhất là ở khu vực Thành phố Nam Định và Khu du lịch biển Thịnh Long. Hiện, toàn tỉnh có 328 cơ sở lưu trú du lịch với quy mô gần 4.000 buồng, phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách. Các cơ sở này ngày càng chấp hành tốt hơn các điều kiện trong kinh doanh như bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường... nâng cao sự hài lòng của du khách. Công tác thông tin, xúc tiến du lịch được ngành VH, TT và DL tiếp tục đẩy mạnh với việc tổ chức các cuộc giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh với các tỉnh bạn và đưa một số đoàn gồm các doanh nghiệp lữ hành, những người làm công tác du lịch tỉnh bạn khảo sát các điểm du lịch mới ở tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn cho lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch được quan tâm. Các sản phẩm du lịch của tỉnh như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển, du khảo đồng quê, du lịch làng nghề... được định hình rõ nét hơn. Công tác tổ chức lễ hội được ngành VH, TT và DL, các địa phương thực hiện quy củ, nền nếp và đưa nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống đặc sắc đã tiếp tục tạo ấn tượng tới du khách, qua đó nâng cao số lượng du khách đến tỉnh và doanh thu từ hoạt động này. Tiêu biểu là Chợ Viềng xuân Vụ Bản và Viềng xuân Nam Giang (Nam Trực) vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng nhờ làm tốt công tác tổ chức nên có số lượng khách đến mua bán, chơi chợ du xuân năm sau cao hơn năm trước. Khu du lịch sinh thái Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đã cơ bản được hoàn thiện, bước đầu thu hút hàng nghìn lượt khách, chủ yếu trong tỉnh đến tham quan, vui chơi. Điểm du lịch Vườn quốc gia Xuân Thủy mỗi năm đón tiếp khoảng 10 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước tới nghiên cứu, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn và cuộc sống của các loài chim di cư, cao điểm vào 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm. Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp mỗi năm hướng dẫn, thuyết minh cho hơn 100 đoàn khách Trung ương và thu hút hàng vạn lượt du khách dâng lễ, thắp hương tưởng nhớ các vị vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trong Lễ Khai ấn, Lễ hội truyền thống Đền Trần... Nhờ làm tốt công tác tổ chức khai trương mùa du lịch biển, nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, các khu du lịch biển: Quất Lâm, Thịnh Long, trong năm 2016 số lượng khách đến nghỉ mát, tắm biển cao hơn năm trước, tổng doanh thu đạt khoảng 70 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sự phát triển du lịch của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nguyên nhân do nhiều địa phương vẫn chưa xác định phát triển du lịch là một ngành kinh tế nên chưa xây dựng kế hoạch khai thác các di tích lịch sử, văn hóa, các làng nghề truyền thống, các điều kiện tự nhiên thuận lợi... Các sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn chưa có nét mới, còn đơn điệu, không có tính đột phá để thu hút khách. Các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng có đủ về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, nhất là các cơ sở chất lượng phục vụ khách có nhu cầu chi trả cao. Tính cạnh tranh giữa các cơ sở kinh doanh du lịch về nâng cao chất lượng phục vụ khách rất thấp. Số lượng khách nội địa và khách quốc tế đến tỉnh chủ yếu khả năng chi trả thấp, thời gian lưu trú không lâu, ảnh hưởng đến doanh thu của các cơ sở kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực chưa có sự thay đổi mạnh mẽ, lao động du lịch phổ thông còn nhiều, lao động qua đào tạo ít. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đưa khách trong tỉnh đến các tỉnh ngoài hoặc nước ngoài mà hạn chế đưa khách du lịch tỉnh ngoài vào tỉnh, khách du lịch trong tỉnh đến các khu, điểm du lịch.

Năm 2017, du lịch tỉnh hứa hẹn sẽ phát triển mạnh với nhiều hoạt động như tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận của UNESCO đối với “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dự kiến sẽ thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu. Một số khu, điểm du lịch trong tỉnh trong năm 2017 dự kiến sẽ có số lượng du khách đến đông hơn các năm trước như Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt cuối tháng 12-2016; Khu du lịch biển sinh thái Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đang trong quá trình hoàn thiện và đưa vào hoạt động; Khu du lịch nghỉ dưỡng Giao Phong (Giao Thủy) với quy hoạch đợt I là 288,5ha được UBND tỉnh phê duyệt và công bố trong năm sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư du lịch. Về cơ sở vật chất, tháng 11-2016 Tập đoàn Nam Cường đã tổ chức khởi công xây dựng Khu thương mại, du lịch - dịch vụ, biệt thự Hòa Vượng và hoàn thiện khách sạn Nam Cường với quy mô 166 phòng nghỉ theo tiêu chuẩn khách sạn 4 sao, dự kiến trong quý III-2017 khách sạn sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đáp ứng việc đón, phục vụ du khách có khả năng chi trả cao, các đoàn lữ hành quốc tế. Sở VH, TT và DL sẽ phối hợp các địa phương khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch đường sông từ sông Đào ở Thành phố Nam Định đến các điểm tham quan phụ cận như làng hoa Phụ Long, xã Nam Phong (TP Nam Định), làng hoa Mỹ Tân (Mỹ Lộc), làng nghề cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) và tiếp tục triển khai đề án du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy, các vùng đất ngập nước thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh đồng bằng sông Hồng trên địa bàn huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng... Qua đó, các sản phẩm du lịch sẽ phong phú, đa dạng, góp phần đưa hoạt động du lịch tỉnh phát triển./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com