Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những làn điệu dân ca đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc, in sâu trong tiềm thức của người dân. Đây cũng là dịp để các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Nam Định luôn “sáng đèn” phục vụ khán giả.
Năm 2016, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh đều xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật, vở diễn có chất lượng về nội dung và nghệ thuật. Nội dung các vở diễn, chương trình nghệ thuật đi thẳng vào các vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị như: công cuộc xây dựng NTM về biển, đảo quê hương, cuộc chiến chống ma túy…, đáp ứng nhu cầu thông tin và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả. Trong năm, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đã biểu diễn phục vụ nhân dân trên 200 buổi, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng.
Tiết mục hát văn của Nhà hát Chèo Nam Định tại lễ hội Đền Trần. |
Đoàn Kịch nói Nam Định với đặc thù của loại hình nghệ thuật “mũi nhọn” đã tiên phong trong các đề tài hiện đại, nội dung phản ánh các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hôm nay. Tiêu biểu là các vở diễn: “Khoảng trống, Thời con gái đã xa, Phía sau vụ án”… Không chỉ tự làm mới mình bằng cách chọn lựa, dàn dựng những kịch bản hay, hấp dẫn, Đoàn Kịch nói còn chủ động tìm đến công chúng bằng nhiều con đường, trong đó chú trọng mở rộng phạm vi biểu diễn tại nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La, Lai Châu..., phục vụ nhiều đối tượng người xem: học sinh, bộ đội, nông dân. Mỗi vở diễn đoàn dàn dựng đều nhằm vào một bộ phận khán giả với những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống thường ngày. Nhạy bén nắm bắt thị hiếu người xem, quan tâm đến khâu tiếp thị, quảng bá rộng rãi vở diễn mới cộng với định hướng nghệ thuật đúng đắn, Đoàn Kịch nói đã có những bước đi dài đến với công chúng khi đã khôi phục, dàn dựng lại vở kịch “Thời con gái đã xa”. Vở kịch “Thời con gái đã xa” đặt ra những vấn đề nóng bỏng của đời sống; đó là trách nhiệm của xã hội với những người có công với đất nước, người phụ nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở đó là những nữ thanh niên xung phong đã hy sinh những năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời mình để tham gia mở đường Trường Sơn máu lửa. Đất nước thống nhất, trở về với cuộc sống đời thường, họ khát khao cháy bỏng là được thực hiện thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Với ngôn ngữ giàu cảm xúc, giàu biểu cảm qua từng tình huống kịch, người xem ngỡ ngàng trước mỗi số phận nhân vật trong vở diễn…
Với phương châm “Người hát chèo sẽ tìm đến khán giả”, năm 2016, Nhà hát Chèo Nam Định tổ chức trên 50 buổi diễn lưu động tới các vùng quê, các lễ hội, các trường học trong và ngoài tỉnh. Các chương trình biểu diễn của Nhà hát được khán giả yêu thích là các vở chèo cổ, trích đoạn chèo, hát chầu văn, ca múa nhạc dân gian, trống hội… Trong năm, Nhà hát Chèo Nam Định đã khôi phục lại vở “Trần Quốc Toản ra quân” và dựng vở “Không phải là vụ án”. Cả 2 vở diễn đều được Nhà hát Chèo Nam Định chọn tham dự Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2016 tổ chức tại tỉnh Ninh Bình. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 1 HCV cho vở “Không phải là vụ án”; 5 HCV, 5 HCB cá nhân; 2 giải Diễn viên xuất sắc; và 1 giải Nhạc sĩ xuất sắc.
Với Đoàn Cải lương Nam Định, thành công nhất vẫn là những vở diễn có đề tài về lịch sử Vương triều Trần. Các vở diễn của đoàn đều có nội dung ca ngợi công lao của các danh nhân, các vị anh hùng dân tộc, trong công cuộc chống giặc ngoại xâm như: Nữ tướng Hai Bà Trưng, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thủ Độ, Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo… NSƯT Thanh Hằng, Trưởng Đoàn Cải lương Nam Định cho biết: Năm 2016, Đoàn Cải lương đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức biểu diễn các đề tài lịch sử cho học sinh để các em hiểu hơn về các nhân vật, các sự kiện lịch sử. Tiêu biểu là vở diễn “Tiếng trống Mê Linh” được Đoàn Cải lương Nam Định biểu diễn ở 22 trường THPT, THCS, tiểu học trong tỉnh nhân dịp năm học mới 2016-2017. Với nghệ thuật ca kịch, nội dung nói về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng mùa xuân năm 40, vở diễn là bài ca bất diệt về truyền thống yêu nước, đấu tranh giữ gìn bờ cõi của cha ông. Ngoài sự kết hợp hài hoà giữa nội dung và nghệ thuật, vở diễn đã gây ấn tượng mạnh với người xem bởi sự thành công của một dàn nghệ sĩ trẻ có lối diễn xuất hiện đại, tiêu biểu như: Huyền Thương, Việt Chi, Công Thắng, Gia Huy... Ở đó người xem thấy được sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố nghệ thuật từ xử lý tiết tấu, tình huống kịch của đạo diễn đến sự công phu của khâu thiết kế mỹ thuật, biên đạo múa… Những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, những buổi biểu diễn của Đoàn Cải Lương Nam Định phục vụ nhân dân ở các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu… đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Chương trình nghệ thuật của Đoàn gồm các trích đoạn trong các vở diễn cổ: “Tống Trân - Cúc Hoa”, “Trương Viên” hay những vở diễn hiện đại như: “Phương thuốc lạ kỳ”, “Mặt nạ người”… đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc để lại những dư âm nhẹ nhàng, sâu lắng và đầy ý nghĩa cho người xem. Trong dịp đầu Xuân, Đoàn Cải lương Nam Định với một dàn kịch mục gồm các vở: “Linh hồn Đại Việt”, “Tống Trân - Cúc Hoa”…; và trích đoạn:“Nàng công chúa Cóc” trong vở “Cổ tích một tình yêu” sẽ phục vụ khán giả ở Rạp Bình Minh (TP Nam Định) các huyện Thường Tín, Mỹ Đức (Hà Nội)… Còn với Nhà hát Chèo Nam Định hằng năm, từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 3 âm lịch luôn kín lịch biểu biễn phục vụ các lễ hội. NSƯT Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định cho biết: Cũng như mọi năm, dịp Tết năm nay, Nhà hát đã chuẩn bị tích cực cho hoạt động biểu diễn phục vụ nhân dân. Từ mùng 4 Tết Đinh Dậu 2017, ngoài biểu diễn ở các huyện: Ý Yên, Trực Ninh, Giao Thuỷ và một số lễ hội như: lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), lễ hội chợ Viềng (Nam Trực), Lễ Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định)…; Nhà hát còn biểu diễn giao lưu ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình… Tại các điểm diễn, Nhà hát biểu diễn các trích đoạn trong các vở: “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Nhất Chính Ỷ Lan”, “Tống Trân - Cúc Hoa” để phục vụ khán giả.
Giá trị văn hoá truyền thống của những bộ môn nghệ thuật dân tộc trên sân khấu chuyên nghiệp Nam Định được hội tụ, kết tinh mang đậm tính nhân văn, thể hiện ước nguyện hướng tới chân - thiện - mỹ của người dân. Ngày Xuân được hoà mình vào không gian lễ hội, cảnh vật thiên nhiên cùng âm hưởng dân ca truyền thống đã góp phần bồi đắp tâm hồn, tình cảm yêu thương, nhân ái trong mỗi con người, tạo niềm hăng say trong lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng