Đã thành thông lệ, vào các dịp lễ, Tết như Rằm tháng Giêng, trong mâm cỗ chay dâng cúng Phật, người dân quê tôi bao giờ cũng có món bánh chè lam nồng thơm vị gừng.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Rằm tháng Giêng, còn gọi là Tết Nguyên tiêu, ngày trăng tròn đầu tiên trong năm có ý nghĩa đặc biệt với cư dân nông nghiệp. Người ta đúc kết kinh nghiệm rằng, nếu đêm rằm tháng giêng trăng sáng rỡ, tròn đầy thì năm đó nhất định mùa màng tươi tốt. Bởi vậy, ông cha ta xưa mới có câu: “Giỗ Tết cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Vào ngày này, nhà nào cũng làm một mâm cỗ mặn cúng gia tiên và một mâm cỗ chay mang lên chùa. Thuở trước, đời sống còn khó khăn, mâm cỗ mặn có thể không đủ món này, món khác, nhưng mâm cỗ chay thì nhất định không thể thiếu bánh chè lam. Bà tôi thường bảo, có lẽ do bản tính của người nông dân quê tôi vốn cần cù, tiết kiệm, món bánh chè lam vừa làm ấm bụng, no lâu, vừa để dành được dài ngày nên có thể mang đi xa làm lương thực mỗi lúc lỡ độ đường. Bánh chè lam là món ăn dân dã, bởi tất cả các nguyên liệu làm nên nó đều là sản vật của ruộng đồng, của biết bao công sức cấy cày lam lũ, vất vả, nhưng cách chế biến lại đòi hỏi sự cầu kỳ, cẩn thận, khéo léo. Ngày còn bé, mỗi lúc bà tôi làm bánh chè lam, chúng tôi thường xúm xít xung quanh giúp bà giã lạc, cạo vỏ gừng. Riêng khâu rang lạc, rang gạo nếp, bà tôi phải tự tay đảm nhiệm, vì sau khi rang xong, những hạt lạc và gạo nếp cái hoa vàng mẩy căng phải vàng đều, dậy lên mùi thơm quyến rũ. Khi nồi mật mía sôi lăn tăn trên bếp, bà tôi lấy đũa gợt thử, thấy mật chảy thành sợi óng như tơ thì từ từ cho bột nếp xay mịn, gừng luộc bào thật mỏng và lạc rang giã giập vào, khuấy đều tay cho các nguyên liệu kết dính với nhau. Trong lúc nồi chè vẫn còn nóng ấm, bà đổ ra mâm có trải một lớp bột nếp, nhanh tay ngào đều cho bánh thêm độ dẻo. Bánh chè lam sau khi cúng Phật xong thường được để cả tấm, bọc lá chuối khô hoặc cắt thành thỏi bằng hai ngón tay, cho vào hũ, rắc thêm một lớp bột nếp dày lên trên để bảo quản ăn dần suốt ba tháng mùa xuân.
Cứ đến Rằm tháng Giêng, nhiều người con vùng đồng chiêm như chúng tôi dù bận rộn thế nào cũng cố gắng thu xếp công việc trở về quê. Sau những ngày Tết Nguyên đán đầm ấm bên gia đình, đây là dịp mọi người tiếp tục được gặp gỡ, sum vầy khiến cho niềm vui càng được nhân lên gấp bội. Trong gió xuân vẫn còn thoảng chút se lạnh, dưới mái chùa cổ kính, rêu phong hay ngôi từ đường dòng họ hàng trăm năm tuổi, anh em họ mạc ngồi quây quần bên nhau, thưởng thức miếng bánh chè lam dẻo quánh thơm nức vị gừng già, vị nếp hương và bùi ngậy vị lạc cùng chén nước chè tàu nóng hổi, thấy tâm hồn dạt dào xúc cảm./.
Lam Hồng