Xưa nay, mùa xuân luôn là đề tài vô tận trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Mùa xuân luôn rực rỡ sắc màu, tràn ngập niềm vui và ước vọng. Trải dài với mạch nguồn cảm xúc, các văn nghệ sĩ Nam Định đã khắc họa, truyền tải những hình ảnh đẹp nhất của hương sắc mùa xuân qua những tác phẩm có giá trị, thổi vào mùa xuân sức sống mãnh liệt và rực rỡ sắc màu, gợi lên trong lòng mỗi người thêm bồi hồi, xao xuyến…
Lướt qua các trang thơ xuân của các tác giả thuộc bộ môn Thơ, Hội VHNT Nam Định, đều dễ nhận thấy là có nhiều tác phẩm viết về mùa xuân rất thành công. Tiêu biểu là các tác giả: Phạm Trọng Thanh, Trần Đắc Trung, Phạm Trường Thi, Nguyễn Hữu Tình, Bùi Công Tường, Vũ Minh Am, Đỗ Phú Nhuận, Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Hồng Vinh, Hoàng Trung Hiếu, Nguyễn Thấn, Phạm Ngọc Quang, Trần Văn Lợi… Mùa xuân là mùa của hội làng, là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương. Sau một năm lao động vất vả, hội làng là dịp để người dân quê tạm gác lại những bộn bề, lo toan trong cuộc sống, hòa mình vào không khí sum vầy và những sinh hoạt cộng đồng. Bài thơ “Đi chợ tầm xuân” của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh với những ý thơ hay, liên tưởng đẹp, lãng mạn mà cũng hiện thực đã đặc tả được không khí chợ Viềng đầu năm đầy nhộn nhịp, sống động. Trong đó có những vần thơ đầy náo nức:
“Chợ Viềng, năm có một phiên/Trăm làng mồng tám tháng giêng hẹn hò/Dập dìu người bán, người mua/Dao với cuốc, giống cây vừa độ xuân”… Trần Văn Lợi là gương mặt thơ trẻ. Mùa xuân trong thơ Trần Văn Lợi phần lớn là xuân ở các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ta bắt gặp nhiều những hình ảnh đặc trưng nơi thôn dã trong thơ của anh. Với những hình ảnh lãng mạn, thi vị và sâu lắng, 2 bài thơ
“Mùa xuân vào phố” và
“Lặng lẽ” đã khắc họa chân thực về vẻ đẹp của những cô thôn nữ mộc mạc, thanh khiết, chuyên cần mà khiêm nhường như nét xuân mới chớm:
“Chị gánh mùa xuân đi dọc tháng ngày/Những giò hoa chia niềm vui khắp ngả/Trên vỉa hè bê tông bon chen ồn ã/Hoa đến với người bằng sự lặng im…”; “Lặng lẽ đồng xa, đứng dầm chân/Non tơ lúa bén nết chuyên cần/Em như cây mạ, lòng đang Tết/Rễ cuối mùa đông, nõn đã xuân…”. Xuân hội tụ, xuân sum vầy, xuân yêu thương, nhưng trong cuộc đời, có biết bao nhiêu người con nơi xứ người phải xa quê hương, xa gia đình, xa người yêu. Chính điều đó đã cho Vũ Công Đoàn nhiều cảm xúc để viết những bài thơ
“Hãy về với anh” chan chứa nỗi niềm của tình yêu xa cách với nỗi nhớ da diết đến nghẹn lòng:
“Anh mang mùa xuân đến cho em/ Em ở đâu cho anh hỏi gió/Anh mang mùa xuân đến cho em/Em ở đâu cho anh hỏi mây/Em hãy về với anh đừng để cánh diều lạc gió/Em hãy về với anh đừng để biển xanh con sóng vỗ không bờ/Đừng để tình anh không em!”. Có những bức tranh xuân chỉ bằng vài nét chấm phá nhưng dưới ngòi bút tài hoa và tâm hồn dạt dào xúc cảm của các nhà thơ bỗng hiện lên thật có hồn. Tiêu biểu là những câu thơ đầy màu sắc trong bài
“Lặng lẽ mùa xuân” của Trần Hồng Giang:
“Dường như ngoài sân nắng vàng hơn hôm qua/Lũ chim cũng rộn ràng hơn bên hiên nhà/Vậy là mùa xuân đã đến/Gió nhẹ ngang vườn mơn man cánh hoa”… Tất cả đã làm sống dậy trong mỗi người không khí, niềm háo hức mong chờ xuân sang…
|
Tác phẩm sơn dầu “Nắng sớm miền Trung du” của họa sĩ Phạm Quyền đoạt Giải Khuyến khích Triển lãm tranh khu vực 2 đồng bằng sông Hồng năm 2015. |
Đối với bộ môn mỹ thuật, bằng tình yêu và niềm đam mê, nhiều thế hệ họa sĩ Thành Nam đã lưu lại trong các tác phẩm hội hoạ của mình những mùa xuân đầy sắc màu. Phạm Quyền là gương mặt họa sĩ tiêu biểu. Tranh của ông từng tham gia Triển lãm Mỹ thuật quốc tế tại Bun-ga-ri năm 1977, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc các năm 1990, 1995, 2000, 2005, 2010, 2015. Phần lớn các tác phẩm hội họa của Phạm Quyền vẽ về những mùa xuân trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, đau thương. Những bức tranh xuân của ông thường gắn liền cùng hình ảnh núi rừng Trường Sơn với những cung đường huyết mạch, những chàng trai, cô gái lên đường ra tiền tuyến trong khói bom, lửa đạn, những phần mộ và linh hồn người chiến sĩ… Với sở trường là tranh sơn dầu nên phong cách hội họa của Phạm Quyền rất riêng biệt, bút pháp mạnh mẽ, táo bạo và nhiều ý tưởng độc đáo. Mùa xuân kháng chiến qua nét cọ của ông vừa bi ai, vừa hùng tráng và toát lên ý chí kiên cường, anh dũng, niềm tin sắt son vào ngày toàn thắng của dân tộc. Trong đó nhiều tác phẩm có giá trị như:
“Trạm giao liên thời bom đạn”, “Hang tám cô”, “Lãng quên năm”, “Nắng sớm miền Trung du”, “Khói bom lẫn khói hương”, “Ráng chiều nhớ Trường Sơn”… Đặc biệt tác phẩm sơn dầu “Xuân chiến khu” được ông sử dụng các gam màu tươi sáng vàng, tím, xanh, đỏ, đã thể hiện chân thực, đầy đủ những cung bậc sắc màu, cảm xúc của mùa xuân ở chiến khu: rừng đại ngàn xanh tốt, mây bay, chim hót và dưới trạm giao liên các chiến sĩ vừa đàn vừa hát với niềm lạc quan vô tận… Trong tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi như: Trần Trung Kỳ, Vũ Xuân Dương, Nguyễn Ngọc Châu, Vũ Thu Hường… mùa xuân không chỉ hiện hữu ở vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên và cỏ cây hoa lá với gam màu rực rỡ mà còn đầy tính hiện thực. Mỗi tác phẩm của các tác giả đều mang một thông điệp mùa xuân qua khắc họa rõ nét và miêu tả sinh động về cuộc sống xã hội, chứa đựng tính triết lý nhân văn. Đề tài mùa xuân trong tranh của nữ họa sĩ Vũ Thu Hường không cầu kỳ về bố cục, màu sắc, nhưng để lại ấn tượng cho người xem. Với bút pháp lãng mạn, đề tài thiên về phong cảnh, cỏ cây, hoa lá và tĩnh vật, chị đã lưu lại mùa xuân quê hương trong tranh của mình bằng màu sắc tươi mới, mềm mại và nữ tính. Tiêu biểu là các tác phẩm:
“Xuân Tây Bắc”, “Chiều Tây Bắc”, “Hoa Ngọc Châm”, “Cánh đồng hoa”, “Mùa hoa cải”… Mỗi loài hoa, mỗi cảnh vật dù màu sắc khác nhau và ý nghĩa riêng nhưng lại có chung một thông điệp là mang niềm vui, sự tươi mới mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Cũng giống như nghệ thuật hội họa, nét đẹp của mùa xuân đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Từ những năm 1990, các nghệ sĩ nhiếp ảnh gạo cội Nam Định như: Trần Thế Long, Đinh Duy Quang, Bùi Đăng Thanh, Đinh Hữu Tuyền, Ngọc Quang, Chu Thế Vĩnh… đã có nhiều tác phẩm về chủ đề mùa xuân tham gia trưng bày và đoạt giải ở các liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực, toàn quốc. Những năm gần đây nhiều nghệ sĩ tiếp tục sáng tác thành công về đề tài mùa xuân, gây ấn tượng mạnh trong giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp như: Trần Hưng, Mai Quốc Cách, Vũ Ngọc Vinh, Vũ Tuấn Khanh… Những cảnh quan dân dã quen thuộc đã trở thành biểu tượng của văn hoá làng quê Việt như: cổng làng, cây đa, bến nước, mái đình, thuần phong mỹ tục, những sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, trò chơi dân gian, loại hình nghệ thuật truyền thống đầu xuân… khi qua ống kính của các tác giả bỗng trở nên có hồn và đầy cảm xúc. Đa số các tác phẩm ảnh về mùa xuân của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Nam Định thường gắn với các lễ hội của quê hương như: lễ hội làng Ngọc Tiên, lễ hội làng Nhân Thọ, lễ hội làng Xuân Bảng, lễ hội Chùa Lương, lễ hội Phủ Dầy… Trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải như: Tác phẩm
“Chợ quê” của tác giả Chu Thế Vĩnh đoạt giải Ba cuộc thi ảnh Du lịch Nam Định năm 2010; bộ ảnh
“Hội Phủ Dầy”, “Thủy lâu Phủ Vân” của ông được triển lãm tại cuộc thi Di sản Việt Nam năm 2014, 2015. Tác phẩm
“Hội làng” của tác giả Đinh Duy Quang được chọn tham gia Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2012… Những tác phẩm ảnh nghệ thuật về mùa xuân của các nghệ sĩ nhiếp ảnh vừa có tính hiện thực, vừa mang tính hình tượng tạo ấn tượng trong lòng người xem, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Đề tài mùa xuân luôn là nguồn cảm hứng dạt dào trong mỗi tác giả thuộc các bộ môn nghệ thuật ở Hội VHNT tỉnh. Ở đó, mỗi tâm hồn có sự sáng tạo riêng biệt nhưng đều gửi gắm vào các tác phẩm của mình những thông điệp đầy tính nhân văn sâu sắc. Xuân trong thời chiến, xuân trong thời bình, xuân của quá khứ, của hiện tại và tương lai…, nhưng dù ở đâu, thời điểm nào thì cảnh đẹp của mùa xuân luôn trường tồn mãi với thời gian./.
Bài và ảnh:
Khánh Dũng