Lý tưởng cộng sản và tinh thần lạc quan cách mạng trong thơ Sóng Hồng

08:02, 08/02/2017
Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh vừa là nhà cách mạng, nhà tư tưởng - lý luận sắc bén, vừa là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng với bút danh Sóng Hồng. Trên bước đường hoạt động của mình, ông luôn coi thơ ca vừa là phương tiện thể hiện tinh thần, ý chí của người chiến sĩ, vừa dùng để tuyên truyền hoạt động cách mạng. Bàn về thơ, Sóng Hồng từng viết: “Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình cảm và lý trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật… Thơ là vũ khí đấu tranh giai cấp kỳ diệu. Làm sao có thể quan niệm thơ không có tính Đảng, tính giai cấp được? Thơ và cách mạng không thể tách rời. Đương nhiên, không thể thơ nào cũng có cách mạng, nhưng có cách mạng thì có thơ”.
 
Đến nay, thơ Sóng Hồng chủ yếu được tập hợp trong hai tuyển tập: Thơ Sóng Hồng (tập 1, NXB Văn học, 1966) và Thơ Sóng Hồng (tập 2, NXB Văn học, 1974), bao gồm 202 bài thơ thuộc nhiều thể loại khác nhau. Thơ ông luôn bám sát các sự kiện lịch sử của đất nước nên khi đọc hai tuyển thơ trên, chúng ta thấy được từng bước trưởng thành của cách mạng Việt Nam. Điều dễ nhận thấy là thơ Sóng Hồng tập trung thể hiện cảm xúc của tác giả trước hầu hết các sự kiện của đất nước bằng một tâm hồn luôn luôn lạc quan, tin tưởng về tiền đồ tươi sáng của cách mạng, của dân tộc. 
 
Truyền thống của quê hương văn hiến và gia đình khoa bảng đã giáo dục, rèn luyện và hun đúc nên lý tưởng cách mạng của người thanh niên yêu nước Trường Chinh - nhà thơ Sóng Hồng. Năm 18 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào đấu tranh rồi gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trở thành người cộng sản chân chính. Ánh sáng của lý tưởng cộng sản, của những chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn mà Đảng đã đề ra đã soi rọi vào tâm hồn, lý trí của Sóng Hồng. Trong những ngày tháng bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò, Sóng Hồng luôn hướng về phong trào đấu tranh yêu nước với niềm tin tưởng tuyệt đối vào đường lối cách mạng của Đảng, niềm lạc quan về tương lai dân tộc. Điều đó được thể hiện qua bài thơ Tin tưởng
 
… Bình minh bừng sáng ở phương đông
Xé toạc màn sương phủ cánh đồng
Đêm sẽ qua đi, ngày sẽ lại
Trời quang, mây tạnh, ánh dương hồng.
 
Bài thơ với một loạt hình ảnh ẩn dụ: Bình minh, đêm, ngày, trời quang, mây tạnh, ánh dương hồng đã diễn tả một cách cụ thể, gợi cảm niềm tin của người cộng sản về con đường cách mạng, về tiền đồ của đất nước. Những khó khăn trước mắt là có thật, nhưng như một quy luật “Đêm sẽ qua đi, ngày sẽ lại”, tương lai tươi sáng “trời quang, mây tạnh, ánh dương hồng” sẽ đến với dân tộc ta. 
 
Trong những ngày tháng bị thực dân giam giữ ở Nhà tù Sơn La (1934-1935), Sóng Hồng đã sáng tác thi phẩm dạt dào cảm xúc: Lấy củi. Có thể thấy, bài thơ vừa là lời kêu gọi đấu tranh, vừa là tiếng nói giãi bày, chia sẻ để động viên mình, để khích lệ đồng chí, đồng bào. Những ngày đen tối đó, tù nhân phải vào rừng lấy củi, đốt than. Song nỗi cực nhọc, buồn tẻ của cá nhân chưa phải là điều lớn nhất. Với những người tù cộng sản bấy giờ, nhất là với nhà thơ chiến sĩ Sóng Hồng thì nỗi day dứt lớn nhất, không giây phút nào nguôi ngoai là cuộc sống cơ cực của nhân dân, là tiếng gọi giải phóng non sông. Do đó, từ việc “lấy củi, đốt than” tẻ nhạt, đã cháy sáng lên một tình thương lớn, một khát vọng lớn...
 
Rủ nhau lấy củi sườn non,
Chim kêu vượn hót, bồn chồn ruột gan,
Đồng bào đau xót lầm than,
Mà ai nắng xế sương tan qua ngày!
Đốt cho tiêu kiếp tù đày
Cho bừng lửa hận, biết tay anh hùng.
Có về không, có về không?
Bước mau, mau bước non sông đợi chờ.
 
Câu thơ mở đầu thật giản dị như một câu ca dao với nhịp điệu thanh thản nhẹ nhàng. Song, vào câu tiếp sau, thơ chuyển nhịp khác hẳn: “Chim kêu vượn hót, bồn chồn ruột gan”. Câu thơ trĩu nặng một nỗi buồn, nỗi băn khoăn, day dứt. Đây là những người tù bị lao động khổ sai, phải lên rừng, trèo núi lấy củi theo lệnh của bọn cai tù. Do đó, tiếng chim kêu vượn hót không xua được nỗi buồn, trái lại càng xoáy sâu, càng nhức buốt. Thì ra, nỗi bồn chồn tự bên trong, từ muôn thứ dội ở ngoài vào không phải là vì bản thân, mà vì nỗi xót thương cho cuộc sống lầm than, đói nghèo của đồng bào. Quên được nỗi cực nhọc của mình để hướng tới, xót thương cuộc sống nô lệ của nhân dân, đó là tấm lòng vị tha cao cả. Nếu bốn câu thơ trên, âm điệu nhẹ nhàng thấm thía, thì bốn câu dưới khác hẳn. Đó là khúc nhạc bừng bừng của những ngọn lửa đang rực cháy:
 
Đốt cho tiêu kiếp tù đày
Cho bừng lửa hận, biết tay anh hùng.
Có về không, có về không?
Bước mau, mau bước non sông đợi chờ.
 
Với “ngọn lửa bừng cháy” trong trái tim mình, những người tù đang sống kiếp tù đày bỗng vụt sáng lên, hóa thân thành những anh hùng dậy khí thế chiến đấu. Ta như thấy, đây là đoàn chiến sĩ đang chỉnh tề đội ngũ, chuẩn bị lên đường theo tiếng gọi non sông. Càng về cuối, ngôn ngữ, nhịp điệu của thơ càng mạnh mẽ, sôi động. Lời thơ như thúc giục, hối hả. Câu kết có cấu trúc đổi trật tự từ: “Bước mau, mau bước…” như một mệnh lệnh, là sự giục giã thôi thúc. Đó là những câu thơ vượt ngục, biểu hiện khát vọng tự do, khát vọng chiến đấu mãnh liệt của những chiến sĩ yêu nước. Mặc dù mang hơi hướng thơ cổ, song thi phẩm Lấy củi của Sóng Hồng lại mang tầm vóc thời đại, vì tiếng thơ được cất lên từ một tấm lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, một khát vọng chiến đấu mãnh liệt vì một sự nghiệp thiêng liêng, giải phóng đất nước khỏi gông xiềng nô lệ.
 
Nhờ có lý tưởng chiến đấu cao cả đó nên dù hoàn cảnh khó khăn gian khổ, người chiến sĩ cộng sản vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Và tinh thần lạc quan cách mạng ấy đã góp phần chắp cánh, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ Trường Chinh - Sóng Hồng “dấn thân” và kiên định vào con đường cách mạng: 
 
Ngày ngày xe nước được rong chơi 
Mỏi cánh chồn chân, ta vẫn vui 
Việc nước nặng nề ai gánh vác? 
Đầy vơi trách nhiệm ở hai người
                                        (Đi xe nước)
 
Bài thơ mở đầu với giọng vui đùa, háo hức say mê nhằm quên đi nỗi nhọc nhằn hiện tại mà tin tưởng hướng tới ngày mai. Đến hai câu sau, giọng thơ lắng lại, thể hiện nỗi suy tư trách nhiệm của người cộng sản về vai trò gánh vác việc dân, việc nước. Việc sử dụng lối chơi chữ từ đồng âm: nước (dùng để sinh hoạt hằng ngày) và nước (đất nước) đã giúp bài thơ nói về lý tưởng cách mạng nhưng lại rất gần gũi, gợi cảm, dễ đi vào lòng người. Chính vì vậy, hiệu quả tuyên truyền đạt được cao hơn.
 
Với người chiến sĩ cộng sản khi đã xác định hiến dâng cuộc đời cho mục đích cao cả, thì mặc dù phải nằm gai nếm mật, mỗi khi Tết đến xuân về lại càng vững niềm tin và hy vọng vào tương lai của dân tộc. Trong bài “Đan áo” viết ở Phúc Yên năm 1942, Sóng Hồng đã thể hiện lòng nhiệt tình cách mạng, ý chí “dấn thân” cho phong trào giải phóng dân tộc: 
 
... Bầu nhiệt huyết nổi sôi trào nhựa mạnh
Muốn chan ra tưới ấm khắp nhân quần
Để rồi mai căng nở những mầm xuân
Vườn nhân loại hoa cười trong nắng mới.
 
Chúng ta còn nhớ, năm 1942, thế chiến 2 bước vào giai đoạn khốc liệt. Ở Đông Dương, Pháp đầu hàng Nhật. Phong trào cách mạng ngày một dâng cao, thúc đẩy tình thế cách mạng dần chín muồi. Trong bước chuyển mau lẹ của tình hình, nhận thức được tầm quan trọng của liên minh quốc tế, ngày 13-8-1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên mới là Hồ Chí Minh, lên đường sang Trung Quốc, với tư cách là đại biểu của phong trào Việt Minh và đại diện của Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược. Ngày 27-8-1942, sau nửa tháng băng rừng, lội suối, khi vừa đến Túc Vinh (Trung Quốc), thì Người bị bắt giữ trái phép. Lãnh tụ Hồ Chí Minh bị giam giữ khi thời cơ cách mạng đang đến, là một khó khăn lớn đối với Đảng ta. Nhưng, bất chấp thử thách trên, đồng chí Trường Chinh - Sóng Hồng vững vàng tâm thế chào đón một năm mới với bao tin tưởng, hy vọng. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, ông đã lăn lộn, nằm gai nếm mật để bám dân, bám phong trào, đón chờ thời cơ, quyết giành thắng lợi: 
 
Sáng nay Xuân đã về,
Gieo mầm non hoa thắm khắp sơn khê
Và thổi gió ấm vào tâm hồn chiến sĩ
Vì nhân quần nên chiến đấu say mê…
Hỡi chiến sĩ!
Hãy tạm dừng gót giang hồ
Cho nàng xuân phủi tuyết sương trên áo
Và dâng cả một bầu trời tạnh ráo
Rất đậm hương và tràn ngập ý thơ!
A! Những tiếng cười trong như pha lê!
Như thúc giục muôn người ra hoạt động
Trong năm mới long lanh màu hy vọng.
                                                                (Xuân đã về, ngoại thành Hà Nội tháng 2-1943).
 
Mùa xuân kỳ diệu “gieo mầm non, hoa thắm khắp sơn khê”. Một lộc non mới nhú, hạt mưa bụi rơi trên lá, tiếng chim hót sớm mai... cũng rung động trái tim Sóng Hồng bởi tâm hồn người cộng sản luôn rộng mở đón “gió xuân thời đại”. Những câu thơ giàu hình ảnh, diễn tả sự thay đổi của thiên nhiên, diễn tả tâm trạng “long lanh màu hy vọng”. Cho dù “Chiếc cốc đời đang tràn đầy máu lệ/ Và lẵng trần gian nặng trĩu trái đau thương” nhưng tương lai “ánh sáng và hơi ấm” đã hiển hiện với hình ảnh “cả một bầu trời tạnh ráo”, với ngọn gió thời đại rời rợi và vườn nhân loại căng nở những mầm xuân.  Niềm lạc quan cách mạng không phải là một ảo vọng xa xôi bởi đang vận động từ sự nhận thức sâu sắc quy luật của lịch sử. 
 
Như vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người chiến sĩ cộng sản Trường Chinh - nhà thơ Sóng Hồng vẫn luôn vững vàng, kiên định với lý tưởng cộng sản, luôn sẵn sàng vì mục đích cao cả: giải phóng dân tộc. Bên cạnh đó, thơ Sóng Hồng cũng luôn thể hiện một niềm tin mãnh liệt vào tương lai đất nước. Niềm lạc quan cách mạng ấy lấy lợi ích của nhân dân làm lẽ sống, lấy lợi ích của dân tộc làm sợi dây gắn kết tình cảm giữa Đảng với dân. Hai nội dung này luôn luôn thống nhất trong cuộc đời và trong thơ ca của nhà cách mạng Trường Chinh - nhà thơ Sóng Hồng./.
 
Tháng 2-2017
Trần Văn Lợi
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com