Thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn di sản văn hóa, những năm qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, phục dựng các nghi thức, trò chơi dân gian trong lễ hội, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đền - Chùa Hưng Thịnh thờ hai vị đại khoa triều Lê là Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú. |
Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đền - Chùa Hưng Thịnh là nơi thờ hai anh em họ đỗ tiến sĩ dưới triều Lê Thánh Tông (1487) là Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú. Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo sinh năm 1456 đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487), giữ chức Phó đô Ngự sử, Võ huân Tướng quân tả hiệu điểm. Phạm Đạo Phú thi đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa thi Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490) giữ chức Hàn lâm viện kiểm thảo, Hình bộ tả Thị lang. Hai ông là những người có tài văn, võ đã từng gắn bó sâu nặng với quê hương. Sau khi 2 ông mất được nhân dân tri ân lập đền thờ. Theo “Hưng Thịnh lương chí” thì chùa Hưng Thịnh được xây dựng vào niên hiệu Thuận Thiên thứ 3 (1431), theo kiểu chữ “đinh” gồm tiền đường 3 gian, tam bảo 4 gian. Đời Vua Thành Thái năm thứ 11 (1899) chùa được tu sửa theo phong cách truyền thống. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đến nay, chùa vẫn bảo tồn được kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII với các đề tài chạm khắc tài hoa của các nghệ nhân xưa như: tứ linh, hổ phù, long chầu nguyệt, mẫu long giáo tử cùng hoa lá, rồng đao và họa tiết trúc hóa long, tiên cưỡi rồng… Tại chùa hiện còn bảo lưu được hệ thống tượng pháp phong phú, tiêu biểu là các pho Tam thế, A di đà, Phật Bà Quan âm, Tuyết Sơn được tạo dáng cân đối, họa tiết trang trí, nhấn tỉa tinh xảo. Phía nam chùa là Đền Hưng Thịnh, ngoài thờ hai vị đại khoa, đền còn phối thờ các vị thuỷ tổ có công trong việc khai hoang, lấn biển đầu thế kỷ XV. Đền Hưng Thịnh là một công trình bề thế, với lối kiến trúc có bố cục chặt chẽ theo kiểu "tiền nhất hậu đinh". Cũng như Chùa Hưng Thịnh, các cấu kiện kiến trúc của Đền Hưng Thịnh như cột, xà, bẩy, kẻ đều chạm kênh bong rất tinh xảo, mềm mại. Đền Hưng Thịnh còn lưu giữ được một số đồ thờ có giá trị nghệ thuật cao như hương án dài 1,8m, cao l,3m, rộng 0,9m có chữ ghi “Song đại khoa miếu” (Đền thờ hai vị đại khoa). Để phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, hằng năm, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, các trường học trên địa bàn xã tổ chức dâng hương, giáo dục truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hoá, thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập ngoại khóa tìm hiểu về di tích, thân thế sự nghiệp của các vị đại khoa. Trong các ngày lễ, kị thánh, nhân dân địa phương cùng các con cháu mỗi dòng họ sau khi dâng hương ai có thành tích học tập xuất sắc sẽ được vinh danh tại di tích; qua đó, phát động khuyến khích phong trào khuyến học, khuyến tài. Được sự quan tâm của Đảng uỷ, UBND xã, cùng với việc huy động các nguồn lực trong xã hội để bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, Ban quản lý các di tích đã thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và đông đảo khách thập phương. Tại di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền - Chùa Hưng Thịnh, vào dịp lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng 8 âm lịch hằng năm, ngoài phần lễ trang trọng, phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: bắt vịt, gà chọi, tổ tôm điếm... Ở di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đền - Chùa Hà Dương, lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng Giêng.
Đặc biệt trong phần hội đã khôi phục được các sinh hoạt văn hoá dân gian như: nặn tò he, thi đấu cờ người… Xã có 1 CLB hát chèo với trên 10 thành viên vừa hát vừa phối hợp sử dụng các nhạc cụ: đánh đàn, gõ phách, trống. Các giai điệu chèo được soạn lời mới có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Nghệ thuật hát chèo ở Hoàng Nam vẫn giữ được hồn Việt thuần nhất, mộc mạc. Ở Hoàng Nam, trong các lễ hội làng nhiều loại hình nghệ thuật, trò chơi dân gian từng bước được phục dựng. Trong đó, đặc sắc nhất là nghệ thuật múa rồng truyền thống. Sau một thời gian trầm lắng, đầu năm 2010, đội múa rồng xã được khôi phục để phục vụ các lễ hội ở địa phương. Đến nay, đội múa rồng xã Hoàng Nam có trên 50 người, độ tuổi từ 30-60 tuổi, sinh hoạt vào dịp cuối tuần. Nghệ thuật múa rồng ở Hoàng Nam được khôi phục và phát triển như hiện nay một phần do nguồn nhân lực ổn định, đều ở trong độ tuổi lao động và chủ yếu là người dân thôn Đông Tĩnh nên dễ dàng tập hợp, sinh hoạt luyện tập. Ông Đinh Hữu Biều, đội trưởng đội múa rồng cho biết: Trong đời sống tâm linh của nhân dân, rồng là biểu tượng cho sức mạnh và sự hưng vượng nên múa rồng là hình thức biểu lộ sự cầu mong phồn thịnh. Con rồng của đội gồm 9 khúc, dài gần 30m, với 12 người múa. Để làm nên con rồng này, các thành viên của đội đã đi học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân khắp nơi sao cho thể hiện được nét thần uy của con vật đứng đầu tứ linh trong tín ngưỡng dân gian. Rồng được các thành viên trong đội tự mua nguyên liệu và tự tay thiết kế. Đầu rồng được làm bằng thân cây hóp bọc giấy màu, thân rồng bọc bằng vải pha ni lông và được trang trí bằng sơn nhiều màu sắc. Hằng năm, vào các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, mừng thọ đầu xuân hay những ngày kỷ niệm của Đảng, của đất nước, các sự kiện chính trị, văn hoá địa phương không thể thiếu được hình ảnh múa rồng diễu hành qua những đường dong, ngõ xóm với cờ Tổ quốc, chiêng, trống, kèn, não bạt, thanh la rộn rã khắp làng quê.
Những loại hình nghệ thuật truyền thống và trò chơi dân gian gắn với các di tích, lễ hội ở Hoàng Nam được khôi phục và phát huy trong đời sống hôm nay không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh mà còn là một nét đẹp văn hóa tinh thần, thể hiện khát khao của người dân về một cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng