Đặc sắc kiến trúc bằng đá của một số di tích tiêu biểu

08:02, 10/02/2017

Nam Định là nơi hội tụ và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống với hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật bằng đá độc đáo, thể hiện óc sáng tạo, sự tài hoa của các nghệ nhân xưa. Tiêu biểu như: Đền Đá (Nam Trực), Lăng mẫu Liễu Hạnh (Vụ Bản), Đền Xuân Bảng (Xuân Trường), Chùa Phổ Minh, Đình Đá, xã Yên Cường (Ý Yên)…

Đình Đá, xã Yên Cường (Ý Yên) được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2004.
Đình Đá, xã Yên Cường (Ý Yên) được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2004.

Đền Xuân Bảng (Thị trấn Xuân Trường) thờ tướng quân Ngô Miễn, người có công khai hoang mở đất và hai anh em Đỗ Thận Đoan và Đỗ Nhân Tăng có công giúp dân củng cố các tuyến đê, xây dựng xóm làng và các công trình văn hóa. Đền Xuân Bảng được xây dựng vào đời Vua Tự Đức năm thứ 22 (1869). Khuôn viên di tích bao gồm đền chính với quy mô lớn nhất nằm ở giữa, xung quanh là các công trình phụ trợ như: nhà tuần thước, nhà tịnh cờ, nhà bia, nhà văn chỉ... được bao quanh bởi một hệ thống tường bao và sân vườn được quy hoạch hợp lý, thoáng đãng. Đền Xuân Bảng là một công trình kiến trúc đặc biệt với vật liệu chủ yếu bằng đá, quy mô khá lớn thể hiện tư tưởng ưa phóng khoáng, tự do của những cư dân vùng đất mới. Hiên tiền đường đền chính được xây chồng lâu thành ba tầng, giữa các tầng tạo cửa cuốn hình bán nguyệt; mái giả ngói ống cùng đầu đao, lan can chạm họa tiết hoa văn chữ thọ mềm mại. Gánh đỡ toàn bộ phần hiên tiền đường là bộ khung với xà, cột bằng đá được chạm khắc họa tiết tứ linh, tứ quý. Hai cột đồng trụ tại hai góc đốc được làm với phần đế hoàn toàn bằng đá xanh liền khối; phía trên được xây bằng xi măng với thân tạo gờ chỉ đắp câu đối chữ Hán, đỉnh đắp nghê chầu. Tiền đường ngôi đền gồm 9 gian với ba tòa nhà xây dọc theo kiểu hai tầng bốn mái ghép lại với nhau. Nền lát gạch đỏ, mái lợp ngói nam. Ngăn cách giữa các tòa nhà là hệ thống máng nước được gánh đỡ bởi các xà dọc và 8 cột đá cạnh vuông chia làm hai hàng. Trên mỗi cột, xà, đấu bằng đá có chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quý, cúc, mai hóa long; đan xen còn có hình ảnh lũy tre làng, phong cảnh cùng hình tượng con vật mang đậm tính dân gian như vịt, sóc, hươu, nai, hoa, lá... đều được chạm chìm sâu, nét chạm tinh tế sống động và sắc nét. Nối tiếp tiền đường là tòa trung đường ba gian. Cũng giống như tiền đường, phần chịu lực chính của trung đường hoàn toàn bằng đá bao gồm 6 cây cột và 6 cây xà dọc, hồi xây bít đốc, mái lợp ngói nam. Tuy nhiên kích thước của các cấu kiện bằng đá tại trung đường nhỏ hơn so với tiền đường. Trên các xà đá, cột đá được chạm các hình cuốn thư, sơn thủy, tứ linh, tứ quý cùng hoa lá cách điệu. Tiếp giáp trung đường là tòa chính tẩm gồm ba gian được xây chồng lâu hai tầng tám mái. Trong chính tẩm có đặt nhang án, bài vị và ngai thờ của vợ chồng tướng quân Ngô Miễn và bài vị thờ 2 anh em Đỗ Thận Đoan, Đỗ Nhân Tăng.

Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phổ Minh (TP Nam Định) hiện còn lưu giữ được nhiều dấu tích kiến trúc bằng đá có từ thời Trần. Nằm rải rác trong khu vực chùa còn 96 chân tảng đá chạm hoa sen. Ở cổng tam quan và quanh chân tháp còn nhiều đôi sóc đá gắn vào bậc lên xuống. Trước toà bái đường có hai đôi rồng đá thân hình mập mạp, uốn khúc nhẹ với 4 chân to, móng khoẻ. Toà tháp có tầng dưới cùng bằng đá là hình ảnh của một cỗ kiệu. Bệ tháp được xây bằng đá tạo thành một khối hộp kín. Dưới đáy và phía trên của kiệu đá chạm lớp cánh sen bao quanh bốn mặt. Nhờ phương pháp chạm sâu, gọt tỉa công phu nên các hoa văn trang trí trên các mặt của phần bệ và kiệu đá rất tinh xảo, mềm mại, sinh động.

Đền Đá thuộc thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh (Nam Trực) là công trình đền thờ được xây dựng bằng đá theo phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thờ Vũ Uy Công thời Hùng Vương thứ 18. Đền được xây dựng gồm 4 tòa chính và tòa dải vũ ở phía bắc. Kiến trúc đặc sắc nhất của Đền Đá được thể hiện tại tòa bái đường được làm bằng đá gồm 5 gian xây dựng từ năm 1941-1943. Mặt tiền tòa tiền đường là 3 con rồng to, khỏe, râu mác uy nghi, uốn quanh bức đại tự “Tam long giáng”. Cả tòa tiền đường được giữ bởi 8 cột đá, chân cột đặt trên trụ đá có họa tiết lá sen được chạm khắc công phu. Nghệ thuật điêu khắc tài hoa của các thợ đá xưa thể hiện khéo léo khi tạc trên 8 cột đá những bức phù điêu với những con rồng bay lượn trong mây, sà xuống uống nước dưới ao sen, cá chép bơi lượn… Ngoài trụ, cột, mỗi gian bái đường đều tạo một bộ cửa võng bằng đá được chạm khắc tỉ mỉ với mặt hổ phù, rồng bay, rồng cuốn nước. Phía trên các cửa võng được trang trí các họa tiết cánh sen, bầu rượu, cỏ cây, hoa lá sinh động. Tòa tiền đường và trung đường được xây dựng công phu với các hàng cột lim, các họa tiết chạm khắc trên hệ thống xà ngang. Nét đặc sắc về họa tiết chạm khắc trên gỗ của đền được thể hiện trên bộ cửa gỗ lim ở tòa trung đường được chạm nổi họa tiết lưỡng long chầu ở cánh cửa giữa và long chầu ở cánh cửa bên. Hình tượng rồng được chạm khắc với bờm và móng sắc, cùng với hoa lá, mây tản mang phong cách chạm khắc thời Hậu Lê. Tại Đền Đá còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như: bộ bàn ghế đá, sập bằng đá...

Lăng Mẫu Liễu Hạnh được xây dựng năm 1938 ở xã Kim Thái (Vụ Bản) nằm trong quần thể di tích Phủ Dầy. Lăng làm hoàn toàn bằng đá theo kiểu hình vuông, từ phía ngoài vào tới mộ có 5 vòng tường. Hướng chính của lăng là hướng tây quay về núi Tiên Hương, các phía còn lại đều có cửa; các cửa được bổ trụ trên đặt các nụ sen bằng đá đỏ và đều có bậc tam cấp để lên xuống. Lăng được xây cao dần. Lớp tường thứ nhất và thứ 2 bằng nhau; từ lớp tường thứ 3 mặt nền được nâng dần và đỉnh là phần mộ Mẫu Liễu Hạnh. Ngôi mộ đặt chính giữa trung tâm ở địa thế cao nhất đã tạo nên sự trang trọng cho tổng thể kiến trúc. Tại 4 cửa ở bậc đá cuối cùng đều có bức bình phong bằng đá làm theo kiểu cuốn thư, 2 đầu cuộn lại ở phía trên, ở dưới trang trí chữ “thọ” với hoa lá. Hoa văn ở mỗi lớp tường mang những phong cách khác nhau như: chữ “thọ” khắc nổi, chữ “vạn” trong những khối lục lăng… Hai góc đối diện với cửa ra vào là 2 bia với 4 cột vươn lên đỡ bộ mái uốn cong. Nhìn tổng thể, kiến trúc lăng gần gũi với một đàn tế trời đất. Năm 1975, Lăng Mẫu được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia.

Đền - Chùa Nam Lạng, xã Trực Tuấn gắn liền với phong trào cách mạng của huyện trong những năm đầu của thế kỷ XX và sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Trực Ninh. Đền có kiến trúc kiểu chữ Nhị, gồm tiền đường 5 gian, chính tẩm 3 gian. Hệ thống 4 cột đá, ở phía tường sau, được chạm trổ công phu, phía trên chạm nổi hình rùa, ly đang tư thế chạy, chính giữa chạm rồng bay, phương múa, nét chạm tinh xảo, uyển chuyển. Trên thành máng đá chạm rồng chầu mặt nguyệt. Chùa nằm ở giữa đền và phủ, cùng quay về hướng Đông Nam. Kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh với 5 gian bái đường và 4 gian chính cung bố trí theo chiều dọc. Khu văn chỉ nằm ở phía trước chùa và phủ, kiến trúc hoàn toàn bằng đá xanh. Lối vào văn chỉ là 2 cổng nhà, phía bên có 2 cột đồng trụ. Bên tả và bên hữu có bia đá làm năm Canh Ngọ, đời Vua Tự Đức thứ 23 (1870), ghi lại quá trình thiết lập văn đàn của địa phương, xung quanh văn chỉ có tường gạch bao bọc.

Đình Phạm Xá, xã Yên Nhân (Ý Yên) làm kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” gồm có 3 tòa, tiền đường, trung đường và cung cấm. Vật liệu chủ yếu là đá xanh, gỗ lim và ngói nam. Tòa tiền đường chia làm 5 gian với 6 bộ vì kiểu mê cốn bằng gỗ lim. Gánh đỡ các bộ vì là hệ thống cột đá thân vuông, dọc thân có tạo khung viền gờ chỉ để khắc câu đối và các họa tiết trang trí như tứ linh, phượng hàm thư, vân ám… Tòa trung đường kiến trúc kiểu 8 mái, đầu đao được uốn cong. Tòa này gồm 3 gian, có 2 bộ vì kiểu chắp mê. Trên các bức mê cốn, xà lòng, xà nách được chạm khắc hoa văn lá lật, ô trám, chữ thọ và triện tàu lá dắt. Hai gian bên của tòa trung đường đặt tượng Nguyễn Phúc và Nguyễn Lộc là hai người cháu của Triệu Việt Vương có công phò giúp ông trong việc đánh giặc Lương. Tòa cung cấm gồm ba gian kiến trúc kiểu tiền đao hậu đốc. Tòa này có tượng bằng đồng thờ Triệu Việt Vương.

Các kiến trúc bằng đá tại một số di tích tiêu biểu ở tỉnh ta có giá trị văn hoá bền vững, thể hiện công sức sáng tạo của các bậc tiền nhân. Trải qua thời gian, những thành tựu nghệ thuật, phong cách tạo hình mang dấu ấn của các thời kỳ lịch sử vẫn được nhân dân các địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ, thể hiện sự trân trọng, thành kính trước những di sản văn hóa truyền thống, tôn vinh tài năng, trí tuệ của cha ông./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com