Trong lĩnh vực hội họa, tranh cổ động là loại hình nghệ thuật có sức tác động trực tiếp đối với người xem. Các tác phẩm tranh cổ động của các tác giả Nam Định từ những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đến nay luôn bám sát thực tiễn chiến đấu, lao động sản xuất của quân và dân ta; phát huy hiệu quả phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
|
Tranh cổ động Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của họa sĩ Lê Anh. |
Cũng như các loại tranh hội họa khác, tranh cổ động nhất thiết phải đảm bảo các yếu tố cơ bản để có bức tranh đẹp là hình họa, màu sắc và bố cục. Với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng và sự thừa hưởng của màu sắc truyền thống trong tranh dân gian, các họa sĩ đã đưa nghệ thuật tranh cổ động lên tầm cao mới, sáng tạo nên những giá trị thẩm mỹ, biến tranh cổ động thành công cụ truyền tải chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chuyển tải quyết tâm, ý chí và hành động của cả dân tộc. Nội dung tranh cổ động được các họa sĩ thể hiện rất phong phú như hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, tình quân dân; vận chuyển lương thực ra mặt trận. Họa sĩ Dương Đức Điện là một trong các tác giả thành công về mảng tranh cổ động. Với phong cách hội họa mạnh về sự phô diễn chất bề mặt, sự tách bạch con người, chú trọng các tiểu tiết về khuôn mặt nhưng vẫn tạo tính toàn thể, ông có nhiều tác phẩm tranh cổ động qua các thời kỳ, tiêu biểu như: “Mừng ngày toàn thắng”, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, “Quân dân Nam Định quyết tâm bắn trả máy bay Mỹ” (1968), “Công nhân dệt Nam Định”… Ông và các cộng sự đã dàn dựng hàng trăm cụm tranh cổ động cỡ lớn động viên quân dân Thành phố Dệt trong lao động sản xuất và chống trả những trận oanh kích của không lực Hoa Kỳ. Ngày 30-4-1975 cả nước hân hoan chào đón ngày chiến thắng, non sông quy về một mối. Quảng trường Hòa Bình Thành phố Nam Định trong ngày hội đó còn ấn tượng mãi về những tấm tranh cổ động cỡ lớn và đặc biệt là tấm chân dung Bác Hồ cao 5mx3m mà họa sĩ Dương Đức Điện là tác giả. Với họa sĩ Đặng Sơn Nam, tranh cổ động là minh họa cho khẩu hiệu nên ngôn ngữ hội họa phải cô đọng, dễ hiểu và có tính khái quát; màu sắc được sử dụng trong tranh cổ động có tính tương phản cao, tác động mạnh mẽ đến thị giác. Từng công tác tại Trung tâm VH-TT-TT Thành phố Nam Định nên mảng tranh cổ động đã gắn bó với ông hàng chục năm. Phong cách thể hiện trong các tác phẩm tranh cổ động của ông là sử dụng màu sắc trong sáng, khoẻ khoắn; dùng chữ chắt lọc, ngắn gọn, khúc chiết. Ông luôn cố gắng khám phá những ý tưởng mới, thay đổi bố cục, màu sắc, cách điệu những hình tượng quen thuộc để tạo nên nét đặc sắc riêng trong từng tác phẩm. Từ những ưu điểm đó mà tranh cổ động của ông vừa gần gũi với người xem, vừa truyền tải được tính thời sự. Tiêu biểu như các tranh cổ động: “Bay vào vũ trụ” (Triển lãm cổ động toàn quốc năm 1986) “Bác Hồ với thiếu nhi” (triển lãm Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 1990) và chùm tranh cổ động “175 năm Thăng Long - Thiên Trường”, “1000 năm Thăng Long Đông Đô Hà Nội”. Họa sĩ Vũ Văn Minh từng là chiến sĩ trinh sát kỹ thuật (Tổng cục II - Bộ Quốc phòng) từ năm 1963-1976 nên các tác phẩm tranh cổ động của ông mang đường nét khỏe khoắn, dứt khoát, nổi bật thông điệp muốn truyền tải đến người xem; tiêu biểu như: “Giặc phá ta cứ đi” (1971), “Thừa thắng xốc tới” (1972), “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” (1974), “Mỗi ngư dân là một chiến sĩ” (2013). Tranh cổ động “Mỗi ngư dân là một chiến sĩ” của ông được chọn trưng bày chuyên đề biển, đảo lần thứ 2 năm 2013. Tác phẩm có màu sắc, bố cục đơn giản, với điểm nhấn là cánh tay ngư dân và những con thuyền hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, thể hiện ý chí của những ngư dân vươn khơi bám biển vừa làm kinh tế, vừa khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họa sĩ Lê Anh một trong những tác giả có nhiều tác phẩm tranh cổ động. Nhiều tác phẩm của anh đạt giải ở các cuộc thi do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT và DL) tổ chức như: “An toàn giao thông” đạt giải C năm 2006; “Bầu cử” đạt giải Nhì năm 2007; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt giải A năm 2008; “Việt Nam là một quốc gia biển” đạt giải Nhất năm 2012; “Chúng tôi mở đường Trường Sơn” đạt giải Ba năm 2009. Năm 2010, tranh cổ động “Bảo hiểm xã hội” đạt giải Nhất và năm 2016 tranh cổ động “Bảo hiểm xã hội - người bạn tin cậy của người lao động” đạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động về đề tài Bảo hiểm xã hội do Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Bảo hiểm Việt Nam tổ chức.
Trước sự xuất hiện của nhiều loại hình mỹ thuật mới nhưng tranh cổ động vẫn tồn tại và phát triển bởi sự bắt mắt, không cầu kỳ. Với tài năng và ngòi bút sắc bén, các họa sĩ Nam Định đã thổi tinh thần lạc quan, yêu nước, ý chí quyết chiến quyết thắng vào từng tác phẩm tới các tầng lớp nhân dân, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ./.
Bài và ảnh:
Viết Dư