Những con gió bấc trườn mình trên nghiêng nghiêng mái phố, tràn xuống lòng đường tấp nập người qua kẻ lại. Phố nhỏ, ngõ nhỏ, hun hút gió, hun hút mùa, hun hút nhớ. Bấc gõ cửa đánh thức trong tôi nỗi nhớ quay quắt cái vị ngọt béo thơm nồng nàn của nồi thịt đông mẹ nấu. Thịt đông là một món ăn truyền thống trong mâm cơm của người Việt mỗi khi Tết đến, xuân về.
Tôi còn nhớ như in, những ngày đầu xuân, gió bấc căm căm rít từng hồi bên chái nhà, ngoài sân, lão già đông ken từng sợi mưa mỏng dính như tơ vào từng thớ không khí, cả nhà quây quần cùng nấu nồi thịt đông. Mẹ tôi dặn phải chọn thịt chân giò trước của con lợn vì thịt sẽ mềm hơn thịt ở hai chân sau. Bố giúp mẹ làm sạch móng giò rồi chẻ đôi, xắt khẩu mía. Còn tôi thì lăng xăng bóc hành, mắt cay xè, tôi càng dụi mắt, mắt càng cay, nước mắt giàn giụa, bố mẹ nhìn tôi cười, tôi cũng ngước lên cười hì hì.
Đặc biệt nồi thịt đông không thể thiếu bì lợn. Độ keo dai của món thịt đông phụ thuộc vào lượng bì lợn. Mẹ thoăn thoắt xắt bì lợn thành từng miếng dài cỡ hai đốt tay, rồi tẩm ướp cùng thịt chân giò với gia vị mắm muối và hành khô băm nhuyễn. Trong lúc chờ cho thịt ngấm gia vị, mẹ tỉ mỉ tỉa hoa từ những củ cà rốt. Những cánh hoa mềm mại màu vàng cam cứ theo tay mẹ rơi xuống rổ thành cả một vườn hoa. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nước cho mềm rồi thái sợi. Mẹ là một đầu bếp cừ khôi của gia đình tôi, nên chỉ một nhoáng mọi thứ đã được chuẩn bị xong xuôi. Mẹ bắc bếp, cho thịt vào nồi, đổ xăm xắp nước. Lửa bập bùng tỏa hơi nóng ấm áp ra cả căn bếp nhỏ, chặn đứng những bước chân rón rén của gió bấc ngoài bậc thềm. Tiếng củi nổ lép bép rất vui tai. Chờ nước sôi, mẹ mở vung, vớt hết bọt nổi bên trên. Mẹ bảo: “Như thế nước thịt mới trong, thơm ngon!” Để lửa liu riu, chờ cho thịt và bì lợn chín mềm. Trong lúc chờ đợi, mẹ kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích về mùa xuân, về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Những câu chuyện tôi đã nghe rất nhiều lần nhưng vẫn chẳng bao giờ biết chán. Mẹ vừa kể chuyện, tiếp thêm củi vào bếp, vừa thoăn thoắt đan cho tôi đôi găng tay len mới đón Tết. Tôi ngồi sát bên mẹ, đưa tay huơ huơ những ngón tay ngắn cũn trước bếp lửa cho bớt giá buốt.
Khi thịt đã chín mềm, phải là một người nội trợ đảm đang, khéo tay hay làm mới căn được thời điểm thịt chín mềm mà không nát nhừ. Mẹ cho mộc nhĩ, nấm hương thái sợi vào nồi thịt. Chỉ cần đun từ ba đến năm phút nữa là bắc xuống, rắc chút hạt tiêu cay nồng và đảo đều tay. Hương thơm ngào ngạt hào phóng tỏa ra cả một khoảng trời tuổi thơ. Ấy là hương xuân, hương Tết hương tình mẹ dành cho gia đình nhỏ. Dậy lên trong lòng tôi những náo nức mùa xuân rất đỗi con trẻ. Dăm ba cánh hoa cà rốt được đặt vào lòng bát, múc thịt ra bát, để nguội là có ngay món thịt đông ngon đúng điệu.
Mẹ kể, cầu kì cách nấu xưa, các cụ nhà ta thường đặt những bát thịt đông vào mâm, chờ sương lạnh buông xuống, đem đặt ra ngoài sân để món ăn hấp thụ được khí lạnh, sương giá của khoảnh khắc trời đất giao mùa mới có được tinh nguyên của vũ trụ!
Bữa cơm, bát thịt đông được úp vào lòng đĩa, cánh hoa cà rốt giữa phần thạch trong suốt tươi sắc cam. Miếng thịt thơm mềm, màu hồng nhạt, phần thạch trong tan chảy giữa chén cơm trắng như bông nóng hổi ngào ngạt khói. Đưa lên miệng và thưởng thức vị ngọt ngào của thịt, vị cay nồng của tiêu, vị thơm giòn của mộc nhĩ, nấm hương, điểm thêm chút chua thanh của dưa hành muối để rồi những hương vị ấy cứ vấn vít mãi nơi đầu lưỡi. Cả gia đình quây quần bên mâm cơm, vui vẻ trò chuyện những câu chuyện trong suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày qua. Xuân với tôi chỉ giản đơn như thế!
Xa nhà, những ngày đầu năm, tôi nhớ quay quắt nồi thịt đông của mẹ!
Đào Mạnh Long