Từ lâu, Tết Nguyên đán được xem là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam. Tết là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, cũng là dịp để mỗi người Việt Nam tưởng nhớ đến cội nguồn dân tộc, tri ân tổ tiên, tìm về tình cảm gia đình, tình làng, nghĩa xóm. Trong những ngày này có biết bao phong tục tập quán tốt đẹp, trong đó, tục lì xì đầu năm là một trong nhiều mỹ tục truyền thống lâu đời của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về.
“Lì xì’” trong tiếng Trung có nghĩa là “lợi thì” hoặc “hồng bao”. Lì xì còn được gọi bằng những tên khác là “mở hàng” hay “tiền phát vốn” với kỳ vọng buôn bán có lãi và hiện nay được dùng chung là từ mừng tuổi. Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn. Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ chứ không phải là tiền chẵn, ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều và thường người ta sử dụng những tờ tiền mới để mừng tuổi đầu năm. Bởi vì, tiền mới tượng trưng cho sự mới mẻ, tinh khôi, một năm mới, sự khởi đầu mới an lành, thuận lợi. Theo tục lệ, phong bao lì xì thường màu đỏ một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội, tượng trưng cho tài lộc, may mắn mà người tặng gửi tới người nhận.
Với mỗi gia đình Việt, ngay từ thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, sau lễ cúng giao thừa, ông bà, cha mẹ và các con, cháu đều quây quần bên nhau. Đó cũng là lúc con cháu mừng tuổi, thể hiện sự quan tâm tới ông bà, bố mẹ bằng những lời chúc: sức khoẻ, bình an, hạnh phúc, cuộc sống viên mãn. Ngược lại, ông bà, bố mẹ cũng mừng tuổi lại con cháu, nhất là với những cháu nhỏ với lời chúc: hay ăn, mau lớn, chăm ngoan, học giỏi, vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô… Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động và những lời chúc tụng đầu năm. Trong gia đình ai cũng vui mừng, phấn khởi như được tiếp thêm động lực để cố gắng hơn trong học tập, công tác và cuộc sống. Không chỉ có vậy, ở mỗi gia đình, khi khách đến chơi nhà vào những ngày Tết cũng không quên lì xì cho con cháu của gia chủ và ngược lại. Thường thì, người nhận sau khi nhận được lì xì chỉ được mở phong bao sau khi người trao tặng đã ra về để thể hiện phép lịch sự. Nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì trong ngày Tết đều được coi là điều may mắn và tin rằng mình đã phát tài phát lộc. Người ta có thể lì xì cho nhau từ ngay lúc giao thừa cho tới tận mùng 9, mùng 10 Tết, thậm chí kéo dài hơn.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Cho tới nay, chuyện lì xì ngày Tết vẫn là một phong tục không thể thiếu được trong mỗi gia đình người Việt. Trong cuộc sống hiện đại, hối hả hôm nay, ý nghĩa nhân văn của phong tục lì xì đầu năm ít nhiều đang dần mai một.
Bên cạnh những gia đình trân trọng, gìn giữ tục lì xì như một nét văn hóa đẹp văn hoá truyền thống thì không ít cá nhân, nhất là một bộ phận dân cư ở khu vực thành phố biến tướng tục mừng tuổi thành mục đích khác khi nhiều người lớn, trẻ em tỏ ra xem trọng giá trị vật chất bên trong bao lì xì. Nhiều trẻ khi được mừng tuổi có thói quen mở ra xem “nội dung” bên trong ngay trước mặt bố mẹ và khách rồi chê tiền lẻ, tiền mừng tuổi ít. Có những trẻ dùng tiền mừng tuổi để chơi game, ăn quà vặt, mua đồ chơi... Đối với người lớn, nhiều người khi tới thăm hỏi, chúc tết cấp trên có kèm theo phong bao lì xì mừng tuổi với số tiền lớn nhằm mục đích “hối lộ” mong tư lợi… Nhiều người khi mừng tuổi cho con, cháu của bạn bè, người thân lại để ý, quan tâm xem gia đình kia có mừng lại con, cháu mình hay không, số tiền nhiều hay ít và số tiền này bỗng trở thành “nguồn thu” của mình. Nhiều người cũng “đau đầu” tính toán để tránh trường hợp người ta mừng con mình, mừng ông bà mình nhiều mà mình lại mừng ít thì lại “xấu mặt”… Theo chia sẻ của nhiều người, ngoài việc chi tiêu các khoản tiền trong những ngày Tết thì tiền lì xì cũng khá tốn kém. Bởi vậy, tục lì xì từ nét ứng xử văn hóa tốt đẹp bỗng trở thành việc so bì thiệt hơn, thành cách “ứng xử” ngầm, nặng về vật chất của người lớn...
Để tục lì xì luôn là mỹ tục ngày Tết, mỗi gia đình, nhất là những bậc làm cha, làm mẹ cần làm gương cho con cháu ngay từ cách ứng xử có văn hóa trong cách trao và nhận tiền mừng tuổi, không biến tục mừng tuổi thành “cái cớ” để đạt được mục đích cá nhân. Các bậc phụ huynh nên hạn chế giá trị vật chất trong bao lì xì, để trẻ không lầm tưởng bao lì xì càng “nặng” thì càng giá trị. Người lớn nên chú trọng hơn đến nghi thức trao lời chúc tài lộc, sức khỏe trước khi trao bao lì xì trước mặt con trẻ. Khi trẻ em được nhận tiền lì xì của người lớn cần dạy cho con trẻ nói lời cảm ơn, biết trân trọng, sử dụng tiền lì xì một cách tiết kiệm, hợp lý vào những việc chính đáng, phục vụ cho học tập như: mua sắm đồ dùng học tập, sách vở, quần áo…, ủng hộ các bạn học sinh nghèo cùng lớp đem đến cho các bạn chút hơi ấm của cái Tết đầy tình nghĩa. Qua việc giáo dục trẻ cách tiêu tiền, cha mẹ có thể dạy dỗ con cái biết quý trọng đồng tiền được làm ra từ sức lao động, biết trân trọng những giá trị tinh thần từ phong tục lì xì đầu năm, giúp trẻ hiểu được ý nghĩa nhân văn của phong tục lì xì ngày Tết.
Tết đến, ngoài những ước vọng và sự san sẻ hạnh phúc với những câu chúc ấm áp thân tình, nếu thiếu tục lì xì thì hẳn là ngày Tết vẫn chưa thật trọn vẹn. “Phong bao lì xì nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn”. Tục lì xì đã, đang và sẽ mãi là một phần đậm đà của phong vị Tết Việt từ bao đời nay cần được gìn giữ và phát huy./.
Khánh Dũng