Đã thành lệ, dù bố mẹ đã theo ông bà tiên tổ gần chục năm rồi nhưng cứ cách Tết khoảng một tuần, chúng tôi lại về quê. Mấy chị em xúm vào dọn dẹp nhà cửa, cắt tỉa lại hàng rào dâm bụt, nhổ cỏ sân vườn và cùng nhau thức trọn đêm, nấu một nồi bánh chưng để nhớ về ngày xưa yêu dấu.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Chúng tôi lên thành phố sinh sống, làm ăn, bận mải công việc nên thường chỉ những dịp lễ Tết mới tranh thủ tạt qua nhà, thu hái rau quả, quét dọn khắp trong nhà ngoài ngõ. Căn nhà xưa từ ngày vắng bóng bố mẹ trở nên trống trải, song mọi thứ vẫn được giữ lại vẹn nguyên. Khoảng sân rộng rãi lát gạch đỏ rụng trắng hoa cau, nơi chúng tôi nô đùa suốt thời thơ bé. Thềm giếng trơn trượt những đám rêu xanh. Những khóm dong sau vườn nhà vẫn rập rờn từng đám lá óng ả. Căn bếp thân thuộc ám đen bồ hóng với chiếc sàn tre chất đầy rơm củi dự trữ. Nhớ ngày xưa, cứ tầm hai tám, hai chín tháng Chạp, mẹ lại cặm cụi ra vườn cắt lá dong. Chúng tôi đi học về giúp mẹ khiêng mẹt lá dong ra giếng rửa sạch rồi buộc từng túm treo lên dây phơi cho ráo nước, sau đó phân ra từng loại: những chiếc lá to đẹp để gói bên ngoài, lá xấu lá nhỏ để lót bên trong. Đỗ xanh mẹ tự trồng ở vườn nhà từ dịp hè là giống đỗ vỏ mốc, ruột vàng, sau khi ngâm, đãi vỏ, đồ chín, từng hạt đỗ bở tơi, thơm phức. Mấy chum thóc nếp dự trữ từ vụ mùa cũng được mang ra xay xát, sàng sảy sạch sẽ. Những cành củi gộc nhãn to bằng bắp đùi đã phơi khô, gác trên sàn bếp. Mọi thứ của nhà trồng được đã sẵn sàng, chỉ chờ đụng lợn nhà hàng xóm là có thịt gói bánh. Năm nào cũng vậy, nồi bánh chưng bao giờ cũng được mẹ chăm chút nhất. Ngày gói bánh, cả nhà quây quần trên chiếc chiếu hoa trải nơi thềm nhà. Người bóc hành, giã đỗ, người xào thịt, người cắt lá dong, không khí thật tất bật, đầm ấm. Mẹ cho lá dong đã gấp vuông bốn góc đặt vừa khít vào lòng chiếc khuôn gỗ, múc bát con gạo nếp dàn đều, đặt vào giữa một nhân đỗ vo tròn và hai miếng thịt, đổ bên trên một bát con gạo nếp nữa rồi khéo léo gấp các mép lá, thắt dây lạt bên ngoài. Đến chiều thì mấy chục chiếc bánh vuông vắn, xanh mướt đã gói xong. Bố mẹ lót cuống lá dong xuống đáy chiếc nồi quân dụng, lần lượt xếp bánh vào, khiêng lên bếp và đổ nước ngập mặt bánh. Những gộc củi nhãn được nhóm lên, xung quanh bếp đổ thêm lớp trấu để lửa cháy thật đều và đượm. Đêm giao thừa, cả nhà tôi ngồi canh nồi bánh chưng, mấy chị em mang tam cúc ra chơi, ai thua bị quệt nhọ nồi lên mặt. Tiếng cười vui rộn vang căn bếp. Chờ mãi rồi cũng đến lúc bánh luộc xong, bố mẹ mang từng chiếc ra rửa sạch trong thùng nước lạnh, xếp vào hai tấm gỗ bằng phẳng, ép nhẹ cho bánh ráo nước. Đến giao thừa, dù thiếu thốn gì nhưng có mấy cặp bánh chưng dâng cúng ông bà tổ tiên, chúng tôi nhận thấy rõ niềm vui trên khuôn mặt mẹ.
Giờ trên phố vào mỗi dịp Tết, bánh chưng được người ta gói sẵn, bày bán khắp nơi. Nhưng mỗi năm Tết đến, chúng tôi vẫn giữ thói quen về quê, tự tay gói bánh như chút lòng thảo thơm kính dâng các đấng sinh thành./.
Lam Hồng