Là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, hiện nay ở nhiều địa phương trong tỉnh đã phục dựng, bảo tồn các nghi thức trong lễ hội truyền thống; trong đó có nghi lễ tế Thần, Thánh vào đêm giao thừa và dịp lễ hội đầu năm.
Mùa xuân là mùa của lễ hội. Vào dịp đầu xuân mới, trên địa bàn tỉnh có nhiều lễ hội diễn ra ở các di tích thờ Mẫu, thờ các vị vua và tướng lĩnh, các vị tổ nghề nên các lối tế cũng rất đa dạng. Tế Tổ thường có các lối tế: 1 tuần, 3 tuần và 3 tuần có phân hiến (tế 1 tuần tương ứng với một lần dâng rượu tất cả các bài vị nơi thờ; tế 3 tuần là dâng rượu 3 lần vào ban chính vị; tế 3 tuần có phân hiến có các bước như tế 3 tuần bình thường nhưng các tuần rượu sẽ được chia thêm cho 2 ban thờ phía tả, hữu). Trong thể loại tế Thần, Thánh, Mẫu lại sử dụng lối tế 3 tuần thành 9, là cấp độ cao nhất, có đủ 9 nậm rượu từ ngoài dâng vào tất cả các ban… Khi tổ chức một buổi lễ tế, các làng, thôn trong tỉnh đều theo một mô hình chung là: Chuẩn bị bày các đồ tự khí bao gồm: Hai đẳng gỗ đặt hai bên Đông xướng - Tây xướng có lọng che. Trên đẳng gỗ bên Đông đặt cây đèn, bình hương, bình hoa, tam sơn đặt 3 đài rượu gọi là bàn “Đông bình”. Trống hiệu đặt bên dưới bàn “Đông bình”. Trên đẳng gỗ bên Tây đặt cây đèn, bình hoa, đĩa trầu cau gọi là bàn “Tây quả”. Chiêng hiệu đặt bên Tây (bên chiêng, bên trống). Hai cây đèn là biểu tượng của hai tinh tú mặt trời, mặt trăng. Tam sơn đựng ba đài rượu dùng hiến tước 3 tuần, là biểu tượng của “tam tài” - thiên, địa, nhân. Nậm rượu lễ đặt ở bàn Đông xướng. Cây quán tẩy là một giá để đựng chậu nước cho các viên chủ tế, bồi tế, chấp sự rửa tay sạch sẽ khi vào hành tế. Bảng chúc có dạng hình chữ nhật nằm ngang, đặt đứng nghiêng. Ngày tế lễ, bài văn chúc dán lên bảng chúc có một miếng vải thêu hình hổ phù che lấy bài văn thể hiện sự tôn kính thần linh… Nhạc lễ dùng trong lễ tế được dùng theo một quy chế nhất định, có thể thức với thiết chế “lên âm”, “xuống nhạc”. “Lên” là khi dâng hương, hiến lễ. “Xuống” là trở về vị trí khi công việc hoàn thành. Các nhạc cụ được sử dụng chủ yếu gồm: Bộ gõ (trống, chiêng, sinh tiền), bộ hơi (kèn, sáo), các loại đàn tranh, nguyệt, hồ… Trong một cuộc tế thường sử dụng 2 bài nhạc: Bài “Lưu thuỷ” dùng khi tiến tước, gọi là “lên âm”, bài “Ngũ đối” dùng khi tiến tước hoàn thành, gọi là “xuống nhạc”. Trong một buổi tế số lượng tối thiểu phải có 13 người, có khi lên đến hàng chục người. Những vai dự tế gồm chủ tế, bồi tế, các vị đông xướng, tây xướng, nội tán, chấp sự. Chủ tế là người đứng mạnh bái, hai hoặc bốn người bồi tế, hai người đông xướng và tây xướng, hai người nội tán, từ 10-12 người chấp sự. Y phục của các quan viên tế gồm: Chủ tế riêng một màu, thường là màu đỏ, có cân đai, bối tử. Các viên bồi tế, dùng chung một màu cho mũ áo. Các viên chấp sự y phục thường là màu xanh lam... Tất cả đều đội mũ kiểu phốc đầu, áo tay thụng, quần màu trắng kiểu ống sớ, chân đi hia. Một thành phần không thể thiếu trong các nghi lễ tế đó là văn tế. Người làm văn tế phải có sự am hiểu về lịch sử và truyền thống làng quê, địa phương và nhân vật thờ tự. Các văn tế đều có nội dung ca ngợi các vị được thờ và cầu mong đất nước thái bình thịnh trị, nhân dân no ấm hạnh phúc.
|
Lễ rước Nước tế Cá trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2016. |
Trong các lễ hội mùa xuân, lễ hội Khai ấn Đền Trần tại Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) là một trong những lễ hội tiêu biểu thu hút đông đảo du khách thập phương về chiêm bái. Nét đặc sắc của Lễ hội Khai ấn Đền Trần là gìn giữ nguyên gốc nghi thức tế tổ và phục dựng nghi thức rước Nước tế Cá, rước kiệu Ngọc Lộ. Nghi thức rước Nước, tế Cá là nghi lễ quan trọng mang ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa nhân văn lịch sử nhằm tri ân tổ tiên nhà Trần - vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới và gắn bó với sông nước. Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân công lao của triều đại nhà Trần, việc phục dựng lễ rước Nước, tế Cá cũng là nghi lễ cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong năm mới. Từ 6 giờ sáng ngày 12 tháng Giêng, các nghi lễ trong lễ rước Nước và tế Cá đã được thực hiện, bao gồm: dâng sớ, thỉnh chân nhang tại Đền Cố Trạch, rước kiệu ra Giếng cổ, tiến hành nghi thức lấy nước. Sau nghi thức lấy nước, đoàn rước tổ chức tái hiện quăng chài, thả lưới… tại ao cạnh Giếng cổ, bắt hai loại cá triều đẩu (cá quả) và long ngư (cá chép) để chuyển đến kiệu rồng. Từ 8 giờ rưỡi, đoàn rước Nước và rước Cá về Đền Thiên Trường thực hiện lễ dâng Nước và tế Cá. Sau lễ tế, cá được phóng sinh ở sông Hồng. Vào ngày 15 tháng Giêng, đền Trần tổ chức nghi lễ tế Tổ. Đội tế nam quan gồm 27 người được lựa chọn hành lễ phải đủ các tiêu chuẩn nhất định của dân làng. Lễ vật trong buổi tế gồm: Lễ mặn và lễ chay. Lễ mặn gồm thủ lợn hoặc lợn quay, xôi gà. Lễ chay gồm cau trầu, hoa quả, rượu... Tại xã Yên Trị (Ý Yên) hằng năm từ ngày 6 đến hết ngày mùng 10 tháng Giêng làng Tướng Loát tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày mất của Chu sư đại tướng Ngô Quý Duật, trong đó nghi lễ tế được tiến hành trọng thể tất cả các ngày diễn ra lễ hội. Ngày mùng 6 vào lễ hội, dân làng tổ chức lễ cơm mới, đọc văn cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Ngày mùng 7 rước sắc thần ở từ đường ra đền, các phe giáp tổ chức tế lễ, lễ yến lão, mừng thọ các cụ cao niên trong làng. Ngày mùng 8 tưởng niệm ngày mất của Ngô Quý Duật, nghi lễ tế thần được tổ chức trang trọng sau đó diễn ra các cuộc thi nấu cỗ, thi nấu cơm, làm bánh dầy... Ngày mùng 9 và mùng 10 tiếp tục tế lễ. Lễ hội chùa Ninh Cường, xã Trực Cường (Trực Ninh) diễn ra ba năm một lần vào mùa xuân với các nghi thức tế lễ dâng cơm mới lên tổ lập làng, tế thần đất, thần lúa. Những nghi thức tế lễ chùa Ninh Cường mang đậm sắc thái của cư dân lúa nước đồng bằng Bắc Bộ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, gửi gắm ước mơ về một cuộc sống an khang, thịnh vượng, đồng thời động viên tinh thần hăng say lao động, yêu quê hương, đất nước. Ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn gìn giữ nghi lễ tế vào thời khắc đêm Giao thừa để “tống cựu, nghênh tân”, cầu mong quốc thái dân an. Tại Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) vào đêm Giao thừa dân làng tổ chức trang trọng lễ tế tại sân đền. Tiêu chuẩn để chọn chủ tế của thôn là bậc cao niên, khoẻ mạnh, gia đình song toàn, đông đúc, gia đình văn hoá. Vật phẩm thực hiện nghi lễ tế gồm: xôi, gà, lợn, rượu, tiền vàng, hương, trầu cau, hoa quả… Vào giờ Tý, sau khi thực hiện xong lễ tế, đồng hồ điểm thời khắc chuyển giao sang năm mới, chủ tế mở cửa đền để người dân dâng hương, xin lộc. Những nén hương và cành lộc trên tay cùng với những lời chúc sức khoẻ, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn của dân làng thể hiện ý nguyện gắn kết tình cảm cộng đồng vượt qua những khó khăn thử thách trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ở thôn La Xuyên, xã Yên Ninh mỗi dịp cuối năm nhân dân ở 3 xóm của thôn là La Tiến, Quyết Phong và Hùng Thắng cùng với Ban quản lý di tích đình La Xuyên đã họp bàn chọn chủ Tế để mở cửa đình xin lửa thiêng đêm Giao thừa. Người được dân làng chọn làm Tế chủ và dâng nhang tại đình trong 3 ngày Tết phải là những bậc cao niên, tâm tính khoan hòa, gia đình trong năm làm ăn thịnh đạt, không có tang và phải giỏi nghề chạm khắc gỗ. Đến sau Tết ông Táo (23 tháng Chạp) Tế chủ phải có mặt tại đình để học các nghi lễ từ các bậc cao niên trong làng. Chiều ba mươi Tết, Tế chủ cùng các đội tế nam quan, tế nữ quan và dân làng có mặt tại đình để làm lễ tế, kính cáo với Thành hoàng làng để xin lửa Thánh vào thời khắc Giao thừa; tổ chức dâng lễ cho mọi gia đình có lòng thành ra cửa thánh và lo việc chuẩn bị tổ chức cho dân làng đêm Giao thừa tụ họp ở đình. Sau lễ Tất niên, tại nhà chủ Tế đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật gồm mâm xôi, thủ lợn, rượu, hoa quả bày biện chu đáo, kiểu cách trên cỗ kiệu bát cống. Đội bát âm, đội tế nam quan, đội tế nữ quan và đông đủ dân làng cờ rong, trống mở tiến hành rước lễ vật ra đình tế lễ. Đúng thời khắc Giao thừa, sau nghi thức tế, chủ Tế mở cửa hậu cung làm lễ tâu với Thành hoàng làng xin phép cho dân làng được lấy lửa đón chào năm mới.
Nghi lễ tế được tổ chức long trọng ở các địa phương trong tỉnh không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng thuần túy cầu cho “Quốc thái, dân an” mà còn là một nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân, thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước cũng như những bậc tiền nhân đã mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời hướng con người tới nét đẹp “chân - thiện - mỹ”./.
Bài và ảnh:
Viết Dư