Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"

08:01, 09/01/2017

Từ năm 2000 đến nay, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần tích cực vào công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Múa rồng tại Phủ Vân Cát trong lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản) năm 2016.
Múa rồng tại Phủ Vân Cát trong lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản) năm 2016.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Ban Chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” của tỉnh thường xuyên được củng cố, xây dựng kế hoạch hoạt động gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Ủy ban MTTQ tỉnh gắn việc thực hiện phong trào với cuộc vận động “TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư”, phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”; Sở VH, TT và DL với phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa”; LĐLĐ tỉnh với phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa trong CNVC - lao động”; Sở Y tế với phong trào “Xây dựng làng văn hóa, sức khỏe”; Sở TN và MT hướng dẫn việc lồng ghép công tác bảo vệ môi trường vào xây dựng quy ước xã, hương ước làng, xóm; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với phong trào “Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng”; Hội Nông dân, Hội CCB tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh với mô hình “Xây dựng xứ họ đạo an toàn về ANTT”… Trong quá trình triển khai phong trào, mỗi địa phương tùy theo đặc điểm địa lý, văn hoá, có cách làm khác nhau, nhưng đều hướng tới các mục tiêu: Xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ vững an ninh chính trị. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo. Huy động sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, ngăn ngừa các tai, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn. Thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Xây dựng thiết chế văn hóa, TDTT, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH”, đến nay tỉnh ta đã có 2.845/3.635 thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 483.677/587.389 gia đình văn hóa; 79/194 xã đạt chuẩn văn hóa NTM, 4/35 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 534 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xây dựng, cải tạo 201 NVH xã, 2.826 NVH thôn, xóm, tổ dân phố… Với sự tập trung chỉ đạo và cách làm sáng tạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, phong trào “TDĐKXDĐSVH” đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tiêu biểu trong thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” là các huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Vụ Bản, Nghĩa Hưng… Hải Hậu là huyện tiêu biểu của tỉnh về thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” và là một trong 5 địa phương đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM (năm 2015). Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo. Các địa phương trong huyện đã phát huy quyền làm chủ của người dân trong việc đóng góp ý kiến vào đề án, kế hoạch xây dựng NVH, khu vui chơi, sinh hoạt TDTT của địa phương, tham gia lựa chọn những công việc cần làm trước và mức đóng góp phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của địa phương. Bằng cơ chế cấp uỷ chỉ đạo, chính quyền quy hoạch, cấp đất, nhân dân trong xóm đóng góp xây dựng và con em xa quê ủng hộ kinh phí, đến nay, toàn huyện đã có 540/546 xóm, tổ dân phố có NVH. Phần lớn các NVH xóm đều đảm bảo diện tích trên 500m2, có sân thể thao, trang thiết bị, bàn ghế, thiết bị âm thanh, vi tính nối mạng internet, tủ sách… Nhiều năm qua, huyện Giao Thủy đã có cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH”; tiêu biểu là việc gắn phong trào “TDĐKXDĐSVH” với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM với các tiêu chí cụ thể. UBND huyện đã xây dựng quy định chi tiết về tiêu chí, tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa - NTM”, “Xóm, tổ dân phố văn hóa - NTM”, “Xã, thị trấn văn hóa - NTM”. Trong đó chỉ đạo trong quá trình thực hiện phong trào các địa phương lấy xóm, tổ dân phố làm địa bàn, gia đình là hạt nhân. Các nội dung, tiêu chí của phong trào được bổ sung vào hương ước, quy ước nếp sống văn hóa để cộng đồng dân cư cùng thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 231/332 khu dân cư đạt danh hiệu “Xóm, tổ dân phố văn hóa - NTM” (đạt tỷ lệ 69,6%); 15/22 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn “Xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa - NTM” (đạt tỷ lệ 68,1%); trên 83% số gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa - NTM” (tăng 1,5% so với năm 2015). Huyện Xuân Trường có 221/312 thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 70,8%, trên 87% số cơ quan đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa, 43.616/54.520 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 80%). Kinh nghiệm trong thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” của huyện Xuân Trường là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp giữa MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở về phong trào “TDĐKXDĐSVH”; coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, tôn giáo về mục tiêu, ý nghĩa của phong trào. Nêu cao sự gương mẫu thực hiện của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nội dung của phong trào. Biểu dương khen thưởng kịp thời những đơn vị và cá nhân có thành tích, công nhận những đơn vị đạt tiêu chuẩn để động viên khích lệ phong trào. Huyện Vụ Bản trong quá trình thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” đã phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ở các xã, thị trấn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp đều tích cực “vào cuộc”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên gương mẫu chấp hành và vận động gia đình tổ chức cưới theo quy ước NSVH. Đến nay, toàn huyện có trên 85% số đám cưới đạt yêu cầu NSVH, trong đó gia đình cán bộ, đảng viên tổ chức đám cưới có NSVH, đạt  tỷ lệ 89%. Các đám tang trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng hương ước thôn, xóm. Đến nay, toàn huyện có 95% số đám tang được tổ chức theo NSVH, trong đó gia đình cán bộ, đảng viên tổ chức theo NSVH đạt 99%. Là vùng đất cổ, với mật độ di tích dầy đặc gồm 6 di tích cấp quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh, các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức tuân thủ quy chế mở hội; chương trình lễ hội đề ra sát thực, cụ thể, gắn với giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của địa phương, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường…

Để nâng cao chất lượng phong trào “TDĐKXDĐSVH”, thời gian tới cần nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác xây dựng đời sống văn hoá. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” từ tỉnh đến cơ sở. Gắn thực hiện phong trào với việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Làm tốt công tác vận động nhân dân đóng góp xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở với sự hỗ trợ của Nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tổ chức biểu dương, tôn vinh kịp thời các điển hình tiên tiến, có nhiều đóng góp xuất sắc trong phong trào “TDĐKXDĐSVH”./.

Bài và ảnh: Viết Dư



Bếp từ Lorca nhập khẩuKhoá Đào tạo ISO 22000 giá ưu đãi

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com