Đặc sắc các di tích lịch sử - văn hoá ở Nam Hồng

09:01, 13/01/2017
Xã Nam Hồng Hồng (Nam Trực) là vùng đất có hệ thống di tích lịch sử - văn hoá phong phú với 46 ngôi đình, đền, chùa, miếu, phủ, từ đường. Trong đó có 5 di tích lịch sử - văn hoá được UBND tỉnh xếp hạng là: Chùa Na - Đền Thượng; Đền, Chùa Đồng; Đền Thái Hoà; Từ đường họ Đặng; Từ đường họ Vũ. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai cơ, lập nghiệp, đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm.
 
Tương truyền, vào khoảng năm 1470-1497 dưới triều Vua Lê Thánh Tông, các dòng họ từ nhiều nơi lần lượt về sinh cơ, lập nghiệp tại làng Bách Tính, thiết lập nên các công trình thờ tự tín ngưỡng tại địa phương. Chùa Na - Đền Thượng là cụm di tích được xây dựng vào năm 1835. Chùa thờ Phật và theo trường phái Đại thừa truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đền thờ 4 vị: Cao Sơn đại vương, Linh Lang đại vương, Lục Khê đại vương và An Thần đại vương đều là những vị tướng thời Hùng Vương, có công giúp vua đánh giặc, giữ nước. Di tích Chùa Na - Đền Thượng được xây dựng trên khuôn viên rộng 2.240m 2. Các hạng mục của công trình bao gồm: Hồ nước, phủ Mẫu, nhà thờ tổ, sân, vườn… tạo thành một tổng thể hài hoà. Cả hai công trình thờ tự đền và chùa đều được xây dựng với nghệ thuật kiến trúc độc đáo như: mái được lợp bằng ngói nam theo kiểu chồng diêm; các toà tiền đường, trung đường, hậu cung, bái đường, tam bảo được dựng nối liền nhau, các cấu kiện vì, kèo được làm theo kiểu “thượng đấu trụ, hạ kẻ bẩy”, các đầu đao uốn cong trang trí họa tiết vân án, rồng chầu, tứ quý... Trên các cấu kiện từ xà thượng, xà hạ đều được chạm khắc phong phú các họa tiết tứ quý, tứ linh, chữ Hán theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX; hệ thống cửa, cột trụ, xà đều được làm bằng gỗ lim được chạm trổ cầu kỳ, đẹp mắt… Hiện nay tại di tích vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị tiêu biểu như: 13 đạo sắc phong thời Nguyễn (từ năm 1846 đến năm 1924), 31 pho tượng thời tiền cổ, khám gian, kiệu bát cống, bát bửu, đẳng thờ, tứ bình, chuông đồng… Với giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo, Chùa Na - Đền Thượng đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử, văn hoá năm 2010. 
Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh từ đường họ Vũ, xóm Nam Việt thờ 4 vị thuỷ tổ có công khai sáng làng Bách Tính xưa.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh từ đường họ Vũ, xóm Nam Việt thờ 4 vị thuỷ tổ có công khai sáng làng Bách Tính xưa.
Cách Chùa Na - Đền Thượng chừng hơn 1km là 2 di tích lịch sử - văn hoá Từ đường họ Đặng và Từ đường họ Vũ. Từ đường họ Đặng là nơi thờ Lãng Quận công Đặng Thế Sức thuộc đời thứ 8 của dòng họ Đặng từ vùng Lương Xá (Hà Nội) về sinh cơ lập nghiệp và trở thành vị tổ đầu tiên của làng Bách Tính. Bên cạnh việc thờ đời tổ thứ nhất, tại từ đường còn thờ 13 đời các vị tổ kế thành. Tính đến nay, dòng họ Đặng ở Bách Tính đã phát triển đến đời thứ 19 và trở thành dòng họ lớn, sản sinh ra nhiều người con ưu tú của quê hương, đất nước. Tiêu biểu như các ông: Đặng Hữu Bảng, Đặng Việt Châu, Đặng Việt Lâm, Đặng Văn Minh, Đặng San, Đặng Đình Lâm, Đặng Đình Lan, Đặng Hữu Tiếp, Đặng Hữu Kỷ... Từ đường họ Vũ là di tích thờ 4 vị thuỷ tổ có công khai sáng đất Bách Tính xưa đảm nhiệm công việc đắp đê khai thông sông ngòi, cải tạo đồng cho lúa khoai tươi tốt, đời sống cư dân ngày càng sung túc. Ngoài ra, di tích còn thờ liệt sĩ Vũ Khả Nguyên - người có công với cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ông là người trực tiếp tham gia hoạt động trong phong trào Đông Du (1904-1905) và vận động nhân dân địa phương gia nhập nghĩa quân Yên Thế, tổ chức bạo động lật đổ chính quyền thực dân. Từ đường họ Vũ là một trong những công trình có quy mô lớn với diện tích trên 650m 2. Điều đặc biệt ở di tích là công trình còn bảo tồn nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ, nhất là những mảng chạm khắc rất tinh xảo đã góp phần làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc. Tại từ đường hiện còn lưu giữ được một số tư liệu như: ngai khám, di chúc, nhang án, khay đài... Các di tích từ đường ở Nam Hồng không chỉ là công trình mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân công đức với các bậc tiền nhân đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ mà còn gắn liền với phong trào cách mạng của địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, con cháu trong các dòng họ đã cùng nhân dân địa phương dũng cảm chiến đấu giữ làng, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, tích cực tham gia lực lượng dân quân tự vệ và hăng hái tòng quân giết giặc. Từ đường họ Vũ là căn cứ trao đổi tin tức cách mạng Việt Minh lâm thời, nơi hoạt động của trung đội du kích xã Minh Phú (nay là xã Nam Hồng). Trong những năm 1946-1947 khi phong trào bình dân học vụ phát triển mạnh mẽ, Chùa Na - Đền Thượng là địa điểm mở các lớp dạy chữ quốc ngữ cho con em địa phương. Đây còn là địa điểm hội họp, huấn luyện, luyện tập của dân quân du kích, là nơi cất giấu vũ khí, lương thực, tài liệu bí mật phục vụ kháng chiến. Những di tích lịch sử - văn hoá ở Nam Hồng có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tại di tích Chùa Na - Đền Thượng, hằng năm thường diễn ra các kỳ lễ tiết chính để nhân dân bày tỏ lòng thành kính như: lễ Trừ tịch, lễ Thượng nguyên, Lễ kỵ Đức Linh Lang, lễ kỵ Thánh Mẫu, lễ Phật đản, lễ Kỳ yên nhập Hạ… Trong lễ hội có nghi thức rước kiệu, tế thánh cùng các trò chơi dân gian như: múa sư tử, thi làm cỗ, múa sanh tiền, kéo co, chọi gà… Lễ hội Đền Thái Hoà được tổ chức 3 năm một lần với 3 kỳ lễ: lễ kỵ, lễ chính hội và lập Hạ. Lễ hội chính được tổ chức vào ngày mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng với nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống như: hát chèo, chơi cờ tướng, bơi lội… Tại từ đường họ Đặng, hằng năm, vào mồng 6 tháng Chạp con cháu dòng họ tập trung làm lễ dâng hương, tế tổ. Vào ngày này, dòng họ tiến hành phát thưởng khuyến học, khuyến tài động viên con cháu học tập tiến bộ. Tại từ đường họ Vũ, hằng năm, tổ chức 2 kỳ huý nhật tiên tổ, con cháu trong các chi, ngành sinh sống ở mọi miền của Tổ quốc về đoàn tụ, dâng hương báo công tiên tổ…
 
Những năm qua, thực hiện Luật Di sản văn hoá, xã Nam Hồng đã làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn di sản văn hoá. Các xóm có di tích đã thành lập Ban quản lý di tích, tổ chức phiên âm, dịch nghĩa các văn tự Hán - Nôm và tổ chức phổ biến công khai, giúp cho người dân và du khách tham quan có thêm hiểu biết về các giá trị của di tích. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội được thực hiện theo nếp sống văn minh, đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân./.
 
Bài và ảnh:  Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com