Cây nêu ngày Tết

02:01, 23/01/2017

Đối với mỗi người dân Việt Nam, ngày Tết là dịp được trở về bên gia đình, trở về với cội nguồn, trở về với những phong tục, tập quán của cha ông được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi phong tục đều mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ẩn chứa những mong ước về một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc.

Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet
Từ xa xưa, hình ảnh cây nêu là biểu tượng văn hóa thiêng liêng trong ngày Tết Nguyên đán, mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, quỷ dữ, mang lại may mắn, bình an cho mọi nhà. Đến nay, phong tục dựng cây nêu vào mỗi dịp Tết vẫn không hề mất đi mà được nhiều địa phương coi đó là một nét đẹp văn hoá mỗi dịp Tết đến, xuân về. Có dịp về những huyện ven biển trong những ngày cuối năm, chúng tôi đều bắt gặp những người dân ở các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy… đang cùng nhau nô nức làm cây nêu thật đẹp để dựng trước nhà đón Tết. Theo truyền thuyết cây nêu được dựng với mục đích ban đầu nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ Biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ. Tuy nhiên, theo thời gian, từng địa phương, mỗi dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc trồng cây nêu ngày Tết đã được trải rộng hơn. Ông Lương Thành Vương, xã Hải Phương (Hải Hậu) cho biết: Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày táo quân về trời với quan niệm rằng từ ngày 23 cho tới đêm Giao thừa, vắng mặt táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu. Ngày dựng cây nêu gọi là thượng nêu và ngày 7 tháng Giêng làm lễ hạ nêu. Cây nêu thường được làm bằng cây tre cao khoảng 3-5m đã được đẽo sạch và dóc nhẵn. Trước khi dựng cây nêu phải chuẩn bị đủ những thứ cần thiết khác như lùn rơm, lá cờ nhỏ bằng giấy đỏ có cán, cờ phướn dài, chuông gió, vôi bột và một số thứ khác nữa. Trên mỗi cây nêu, tại 3 điểm ở giữa quấn chặt 3 lùn rơm, xung quanh lùn rơm cắm 3 lá cờ bằng giấy màu đỏ ở giữa có ngôi sao vàng. Trên ngọn cao nhất của cây nêu cắm một cành tre nhỏ có đủ lá, một cờ phướn dài màu vàng hoặc đỏ, một chuông gió (theo quan niệm xưa khi chuông phát tiếng kêu, ma quỷ sẽ sợ mà không dám đến quấy nhiễu) và lá bùa trừ tà… Thân cây nêu được quét một lớp vôi trắng và cách một đoạn lại sơn vòng màu đỏ (cao khoảng 7cm) quanh thân cây để tăng vẻ đẹp và thêm phần linh nghiệm… Cây nêu được dựng ngay trước sân nhà sau khi đã được trang trí đầy đủ. Dưới gốc mỗi cây nêu đều được vẽ một vòng tròn bao quanh gốc bằng vôi màu trắng với ý nghĩa để tà ma không xâm phạm vào khu đất của gia đình mình. Tục dựng cây nêu ngày Tết không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng thuần túy mà còn trở thành biểu tượng của sự đấu tranh giữa cái thiện với cái ác nhằm bảo vệ cuộc sống bình an của con người. Ngoài ra, trong những ngày Tết cổ truyền, vào buổi tối trên cây nêu có nơi còn treo một đèn lồng với ý nghĩa chỉ đường cho tổ tiên biết đường về ăn Tết với con cháu... “Trong đêm trừ tịch cũng như ngày mồng một Tết, ngày xưa khi Nhà nước chưa cấm đốt pháo, người dân trong thôn cũng như bản thân gia đình tôi còn treo bánh pháo tại cây nêu đốt đón mừng năm mới, mừng tổ tiên về với con cháu, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành…” ông Vương chia sẻ thêm. 
 
Cùng với phong tục dựng cây nêu ngày Tết, còn rất nhiều tập tục dân gian truyền thống khác được tổ chức và người dân lưu truyền từ đời này sang đời khác. Để bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, các cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm chỉ đạo, có định hướng, tạo điều kiện để mỗi nét văn hóa, phong tục của từng địa phương được lưu giữ và phát triển tích cực góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, làm giàu thêm bản sắc văn hóa đậm đà của dân tộc trong mỗi dịp Tết đến, xuân về./.
 
Văn Huỳnh


Winecellar cung cấp hộp quà tết cho doanh nghiệp toàn quốcDịch vụ In lịch tết giá xưởng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com