Các di tích từ đường dòng họ ở Mỹ Lộc

04:01, 14/01/2017

Huyện Mỹ Lộc có 26 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 3 từ đường được xếp hạng di tích cấp tỉnh là: Từ đường họ Trần Văn, từ đường họ Trần Đào Bùi tộc, xã Mỹ Trung; từ đường họ Lê Đặng, xã Mỹ Thành. Cả 3 di tích hiện còn lưu giữ được khối kiến trúc cổ độc đáo và các lễ nghi truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh và niềm tự hào của con cháu trong dòng họ.

Từ đường họ Lê Đặng, xã Mỹ Thành.
Từ đường họ Lê Đặng, xã Mỹ Thành.

Theo thư tịch cổ, gần 500 năm trước, nhiều gia đình, dòng họ đã tìm đến vùng đất Mỹ Trung sinh sống. Trong số đó có tổng Đệ Nhất (nay là thôn Đệ Nhất). Vào thời Hậu Lê, cụ thủy tổ Trần Văn Trinh đã đến định cư và mở đầu cho dòng họ Trần Văn, một trong những dòng họ lớn của làng. Căn cứ vào cuốn gia phả, bài văn tế còn lưu giữ tại từ đường Trần Văn cùng truyền ngôn của các bậc cao niên trong dòng họ, cụ thủy tổ là người học rộng tài cao, được triều đình Hậu Lê trọng dụng, mời vào dạy học trong triều và phong chức “Lê triều công thần văn chúng Sinh đồ”. Sau khi cụ thủy tổ qua đời, để ghi nhớ công ơn, con cháu trong dòng họ Trần Văn đã an táng và xây miếu, từ đường thờ thủy tổ tại làng Đệ Nhất. Ngôi từ đường còn phối thờ mẫu tổ Hoa Thị Thái và các vị tổ kế tiếp trong dòng họ. Ngoài những giá trị về lịch sử, từ đường họ Trần Văn còn có nhiều giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc và còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: bát hương, bộ bát, đĩa thờ có họa tiết hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê; ngai thờ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn… Toạ lạc tại thôn Đệ Nhị, từ đường họ Trần Đào Bùi tộc thờ Thuỷ tổ dòng họ có công sinh cơ, lập nghiệp là Đệ tam giáp Tiến sĩ Đào Đăng Quỹ và Xã trưởng Liên nghĩa Trần Danh Liên (vị tổ đời thứ 14). Theo gia phả dòng họ, vào năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), hai ông Trần Tất Điền và Trần Tất Giáp (đời thứ 17) đã đứng ra quyên góp tiền của, công sức xây dựng nên công trình từ đường. Các đại tự tại di tích có ghi lại thời điểm trùng tu, tôn tạo lại từ đường là vào các năm 1927, 1952. Đến năm 2004, các con cháu trong dòng họ đã xây dựng, mở rộng công trình với diện tích và kiến trúc di tích như ngày nay. Từ đường họ Trần Đào Bùi tộc được xây dựng trên khuôn viên rộng 228m2, mặt quay về hướng bắc. Từ đường bao gồm các công trình: Nghi môn, sân vườn, gian thờ chính. Hệ thống nghi môn được xây dựng đơn giản gồm 1 cổng thiết kế theo kiểu hai lớp mái, lợp ngói mũi hài với các đao góc uốn cong mềm mại. Chính giữa nghi môn có đắp 3 chữ Hán “Đào Trần môn”. Công trình kiến trúc chính của từ đường được xây theo kiểu “Tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh” gồm 3 toà: Tiền đường, trung đường và hậu cung. Trên nóc từ đường đắp hoạ tiết rồng chầu mặt trời, phía dưới hiên tạo 3 khoang cửa cuốn được ngăn cách bởi cột trụ vuông dấp câu đối chữ Hán. Cung cấm là nơi thờ Thuỷ tổ Đào Đăng Quỹ và phu nhân là bà Nguyễn Thị Nhàn. Tại từ đường hiện còn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị như: 2 quyển gia phả dòng họ Trần Đào Bùi tộc bằng chữ Hán niên hiệu Tự Đức 8 (1855) và Khải Định 2 (1917); 2 đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng 39 (1778) và Khải Định 2 (1924) cùng một số đại tự, câu đối bằng gỗ… Tại từ đường dòng họ Lê Đặng, thôn Dị Sử, xã Mỹ Thành, ngoài những giá trị về lịch sử, thì từ đường còn lưu giữ được nhiều nét đẹp kiến trúc và những hiện vật quý như: Đại tự “Nam quốc phúc thần” niên hiệu Bảo Đại 14 (1939), ngai thờ và thần vị thờ quận công Lê Châu - vị tổ đầu tiên của dòng họ, sắc phong, bia đá, chuông đồng… Từ công trình ban đầu rất đơn giản là miếu nhỏ xây bằng gạch, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, đến nay, từ đường được xây dựng ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của con cháu trong dòng họ. Với thiết kế mang phong cách cổ truyền, kiến trúc bao gồm tiền đường 3 gian 2 chái, hậu cung 2 gian, nên mặc dù được xây hầu hết bằng bê tông cốt thép song công trình vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng nông thôn Bắc Bộ. Những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại các di tích từ đường dòng họ ở Mỹ Lộc tuy chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp nhưng đã thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với các vị tổ có công sinh thành, gây dựng nên cuộc sống tốt đẹp hôm nay. Hằng năm, các con cháu trong dòng họ Trần Đào Bùi tộc tổ chức nhiều ngày lễ, ngày giỗ có liên quan đến các vị tổ thờ tự tại di tích. Ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) là ngày lễ chính trong năm. Vào ngày này các chi xa, chi gần đã về đây tề tự dâng hương, tế tổ. Tại từ đường dòng họ Trần Văn, hằng năm, ngoài 2 kỳ lễ hội chính diễn ra vào ngày 21-3 và 20-5 (âm lịch), vào các ngày sóc, vọng, Tết Nguyên đán hoặc khi các gia đình có sự kiện quan trọng, từ đường đều mở cửa để con cháu khắp nơi về tế lễ, tổ chức tặng quà cho các cụ già mẫu mực, phát phần thưởng cho con cháu đạt thành tích xuất sắc trong học tập… Các di tích lịch sử - văn hoá từ đường ở Mỹ Lộc không chỉ là công trình mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân công đức với các bậc tiền nhân đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ mà còn gắn liền với phong trào cách mạng của địa phương. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ đường họ Trần Văn là địa điểm huấn luyện của dân quân du kích, nơi các tổ chức cách mạng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng đến với người dân. Trong kháng chiến chống Mỹ, từ đường họ Trần Văn là nơi làm việc của Ty Công an. Tại từ đường Trần Đào Bùi tộc, trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), nhân dân địa phương cùng các con cháu trong dòng họ đã đào hầm bí mật để các cán bộ của tỉnh, huyện về làm việc. Từ năm 1965-1972, từ đường là nơi sơ tán của trường cấp 2 Trần Đăng Ninh, các cơ quan, hộ gia đình trên địa bàn Thành phố Nam Định. Đây cũng là địa điểm đưa tiễn những người con quê hương lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Các di tích từ đường dòng họ được bảo tồn là minh chứng tiêu biểu cho lịch sử hình thành, phát triển vùng đất và con người Mỹ Lộc. Việc duy trì sinh hoạt dòng họ đều đặn có nề nếp, kỷ luật đã nêu cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, ý thức gìn giữ di sản văn hóa, thúc đẩy con cháu càng ngày xây dựng vun đắp truyền thống dòng họ, đó là nếp sống đẹp trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com