Những năm qua, Phòng GD và ĐT huyện Giao Thuỷ đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa (NSVH); qua đó đã tạo môi trường lành mạnh cho việc giảng dạy và học tập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên, học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Cô và trò Trường Tiểu học Giao Tiến A trong một giờ đọc sách. |
Toàn huyện hiện có 74 trường học, trong đó có 22 trường mầm non, 29 trường tiểu học, 23 trường THCS. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hằng năm, Phòng GD và ĐT huyện chỉ đạo các nhà trường xây dựng quy chế NSVH nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên theo đặc thù của mỗi cấp học. Các nội dung xây dựng NSVH ở trường học được tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, giáo viên, học sinh. Đến nay, toàn huyện có 100% trường học đạt danh hiệu NSVH; 100% cán bộ, giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn; 58 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 79%. Tiêu biểu như các trường THCS Giao Thuỷ, Giao Tân, Giao Tiến, Giao Thanh, Giao Nhân; các trường tiểu học: Giao Tiến A, Giao Phong, Giao Thịnh A, Thị trấn Quất Lâm; các trường mầm non: Giao Thiện, Bình Hoà, Thị trấn Ngô Đồng… Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Trưởng Phòng GD và ĐT huyện cho biết: Thực hiện quy ước NSVH, cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường đều ăn mặc gọn gàng, lịch sự, giao tiếp đúng mực. Học sinh đi học đều, đúng giờ, kính trọng, lễ phép với thầy cô, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè và người có hoàn cảnh khó khăn. Công tác Đoàn, Đội ở các trường học được đẩy mạnh. Nhiều hoạt động, hội thi mang tính tuyên truyền như: viết, vẽ tranh về bảo vệ môi trường, ATGT, làm báo tường, thi văn hoá, văn nghệ, TDTT... được tổ chức thường xuyên, qua đó đã thúc đẩy các hoạt động chuyên môn. BCH Công đoàn các trường học còn xây dựng chương trình hành động xây dựng nhà trường thành tập thể đoàn kết, tương thân tương ái, cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng động viên nhau hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, giáo viên phải là người gương mẫu đi đầu trong việc nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện tốt các chính sách, quy định của địa phương. Bên cạnh đó, các nhà trường kết hợp với chính quyền địa phương và hội cha mẹ học sinh trong việc khuyến học, khuyến tài và quản lý, giáo dục học sinh. Học sinh đến trường được giáo dục về truyền thống cách mạng, về tình yêu quê hương, đất nước, con người; ký cam kết thực hiện các quy định về ATGT, an ninh trật tự nơi công cộng, phòng chống ma túy học đường... Các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong nhà trường được đẩy mạnh qua các đợt vận động ủng hộ người khuyết tật, giúp học sinh nghèo vượt khó…, qua đó góp phần giáo dục, hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Ở cấp học mầm non, các nhà trường đều phát động các nhà trường thi đua xây dựng trường học văn hoá, tấm gương nhà giáo mẫu mực, đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng môi trường học tập thân thiện, học sinh tích cực. Hiện các trường mầm non của huyện đều phấn đấu nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục, làm tốt công tác huy động trẻ đến trường, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng… Ở cấp tiểu học, phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” được triển khai gắn với nhiệm vụ cụ thể của ngành; trong đó tập trung vào việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy của thầy, phương pháp học tập của trò, đồng thời tiếp tục rèn luyện chuẩn mực, phong cách nhà giáo. “Dạy tốt - Học tốt” không chỉ “tốt” về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức mà còn đòi hỏi “tốt” về đạo đức, tác phong, lối sống… Đến nay, cả 29 trường tiểu học trong huyện đã triển khai phong trào với những nội dung hoạt động phong phú, sôi nổi và hiệu quả, đồng thời gắn với điều kiện thực tế ở từng nhà trường. Trường Tiểu học Giao Tiến A là một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục huyện. Toàn trường có 28 cán bộ, giáo viên, nhân viên, với 389 học sinh. Cô Đỗ Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn hóa trong trường học, hằng năm, nhà trường đều sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức giáo dục đạo đức cho học sinh theo chủ điểm hằng tháng; phối hợp với các xóm và các đoàn thể ở cơ sở làm tốt giáo dục đạo đức học sinh; chú trọng đổi mới các hình thức sinh hoạt ngoài giờ, tạo cho các em được tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, tham quan, giáo dục truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hoá ở địa phương… qua đó giúp các em tinh thần thoải mái trong mỗi giờ học, phấn khởi khi đến trường. Năm học vừa qua, nhà trường được UBND tỉnh khen thưởng “Tập thể tiên tiến, xuất sắc”. Với bề dày truyền thống, đến nay, nhà trường đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận như: trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, trường học đạt chuẩn “xanh - sạch - đẹp - an toàn”, vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng 3... Đối với cấp THCS, các trường đều gắn phong trào xây dựng NSVH với thực hiện nhiệm vụ năm học, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng và nhân rộng các gương điển hình, tiêu biểu; thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Trường THCS Giao Tân là đơn vị tiêu biểu thực hiện tốt phong trào xây dựng NSVH trong trường học. Hằng năm, nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động văn nghệ, TDTT, tham quan, du lịch, hội thi, nhằm tạo không khí vui tươi cho các em, đồng thời tổ chức các CLB môn học như: CLB Toán học, Vật lý, Hóa học, Văn học…, các cuộc thi: “Tìm hiểu kỹ năng sống” để học sinh có thêm cơ hội vận dụng tốt kiến thức đã học và kiến thức thực tế. Với 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, 3 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 7 giáo viên giỏi cấp huyện, 8 cán bộ, giáo viên là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Ban giám hiệu nhà trường tập trung đẩy mạnh phong trào xây dựng NSVH trong tập thể sư phạm nhà trường. Kết quả năm học 2015-2016, toàn trường có 110 học sinh đạt học lực giỏi, chiếm gần 33%, học sinh đạt học lực khá chiếm 46%, không có học sinh học lực yếu, kém. Ngoài ra, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được nhà trường chú trọng, trường có 15 đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp huyện, cấp tỉnh, có nhiều đội tuyển đạt giải cao. Việc xây dựng trường học có nếp sống văn hoá ở Giao Thuỷ đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Năm học 2015-2016, ngành GD và ĐT huyện Giao Thuỷ tiếp tục là 1 trong 3 đơn vị dẫn đầu phong trào giáo dục của tỉnh. Đối với bậc mầm non, toàn huyện đã huy động 2.510 trẻ ra nhà trẻ, đạt 41% tỷ lệ độ tuổi; 8.721 trẻ ra lớp mẫu giáo, đạt 98,2% tỷ lệ độ tuổi. Đối với bậc tiểu học, toàn huyện có 100% học sinh đạt yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD và ĐT quy định; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,76%. Với bậc THCS, kết quả xếp loại hạnh kiểm cuối năm đạt trung bình trở lên đạt 99,98%, trong đó loại khá và tốt đạt 97,22%; kết quả xếp loại học lực cuối năm đạt trung bình trở lên đạt 98,2%, trong đó loại khá và giỏi đạt 96,65%. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh khối 9, toàn huyện có 71 học sinh đoạt giải, gồm 4 giải nhất, 22 giải nhì, 24 giải ba và 21 giải khuyến khích.
Phong trào xây dựng nếp sống văn hoá trong trường học ở huyện Giao Thuỷ đã góp phần thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Việc đẩy mạnh phong trào vừa là tiền đề, vừa là động lực để nhà trường nỗ lực vươn lên giành nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp trồng người./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng