Những cây di sản ở Hải Hậu

04:12, 23/12/2016

Huyện Hải Hậu có hệ thống di sản văn hoá phong phú; trong đó có những cây di sản hàng trăm năm tuổi. Toàn huyện hiện có 9 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Trung ương Hội Sinh vật cảnh vinh danh công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.

Xã Hải Phúc có 2 cây di sản là cây Đa và cây Sanh có tuổi đời mỗi cây khoảng 450 năm. Cây Đa đại thụ tọa lạc trong khuôn viên của di tích Đình Phượng Đông nên được nhân dân trong vùng gọi là cây Đa Phượng Đông. Đình Phượng Đông là nơi thờ Thánh liệt Thần vũ Triệu Việt Vương. Theo bút tích để lại, vào thời Hồng Đức (1460-1497) nhân dân đắp đê ngăn lũ từ phía biển, lúc bấy giờ chân đê được đặt ra một khoảng xa để bảo vệ cây Đa và Đình Phượng Đông mà đến nay dấu tích đê Hồng Đức vẫn còn. Cây Đa cổ Phượng Đông có thân cây cách mặt đất 1,3m, chu vi 17,2m, đường kính 7,5m, cao trên 40m, tán rộng trên 35m. Cây có dáng đứng, 7 thân, cành lá xum xuê, xanh tốt, nhiều rễ đan xen buông thả trông như một hang động. Cách Đình Phượng Đông không xa, men theo con đường đê, đi qua cây cầu nhỏ là Chùa Đào Am - một trong những di tích gắn liền với những hoạt động lễ hội đặc sắc của làng Phượng Đông. Trước chùa là sân hẹp có bao lan, bình phong ngăn cách khu đất rộng và nhiều cây cổ thụ có niên đại lâu đời. Đặc biệt, bên cạnh giếng ngọc bốn mùa nước trong xanh soi bóng cỏ cây hoa lá là hình ảnh cây Sanh đại thụ được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”. Cây có hình dáng bề thế, đường kính của cây ở độ cao 1m là 2,5m, chiều cao tới ngọn là 18,5m, đường kính của tán trên 20m. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chùa Đào Am và những cây cổ thụ có liên quan là nơi du kích xã làm chòi gác trinh sát, hầm công sự để nhân dân trú ẩn để quân và dân trực chiến chống quân thù. Cây Sanh di sản gắn liền với di tích Chùa Đào Am mang đậm yếu tố tâm linh và giá trị văn hoá truyền thống. Tất cả tạo nên một quần thể di tích lịch sử, văn hoá đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương và khách thập phương. Hiện nay, 2 cây di sản ở Hải Phúc được các cán bộ, nhân dân các xóm 5, 6, 7 của xã chăm sóc.

Cây Đa đình Phượng Đông, xã Hải Phúc được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Trung ương Hội Sinh vật cảnh công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.
Cây Đa đình Phượng Đông, xã Hải Phúc được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Trung ương Hội Sinh vật cảnh công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.

Xã Hải Thanh có 2 cây cổ thụ là cây Gạo gần 450 năm tuổi, cao 30m, chu vi thân cây 6m; cây Thị hơn 240 năm tuổi, cao 18m, chu vi thân cây 2m vừa được chính quyền và cộng đồng địa phương tổ chức lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vào tháng 4-2016. Cả 2 cây di sản đều nằm trong khuôn viên di tích lịch sử - văn hoá Đền, Chùa Thiên Biên. Đây cũng là những cây cổ thụ hiếm hoi còn sót lại của vùng ven biển Hải Hậu và gắn liền với ngôi đền ở Cồn Quay, Thiên Biên trại, ấp Hà Lạn xưa kia. Thiên Biên cổ tự, đền thờ Triệu Việt Vương là quần thể công trình kiến trúc cổ lịch sử văn hóa và tâm linh lâu đời bao gồm chùa Thiên Biên và đền thờ Đức Quốc Vương Triệu Quang Phục (tức Triệu Việt Vương). Toàn bộ công trình kiến trúc cổ và những di sản có liên quan được các bậc tiền nhân khởi dựng từ đầu thế kỷ XVII đã gắn liền với cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tại quần thể di tích lịch sử - văn hóa này, còn lưu giữ pho tượng Phật bằng đồng, những bia ký truyền thuyết rất kỳ bí và nhiều cây cổ thụ trên dưới 100 năm tuổi.

Xã Hải Bắc có 5 cây cổ thụ được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” gồm: 2 cây Bồ đề, 1 cây Đa lông, 1 cây Đa tía ở di tích đền thờ Trần Hưng Đạo; 1 cây nhãn ở di tích đền, chùa Xã Hạ. Từ khi được công nhận năm 2015, cả 5 cây di sản đều được gắn bia công nhận và có quy định chi tiết về việc bảo vệ theo quy định của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Giá trị lịch sử của 2 di tích lịch sử - văn hoá được Nhà nước xếp hạng và 5 cây di sản tại đình là những di tích gắn với các phong trào cách mạng của địa phương. Những cây di sản ở Hải Bắc là những báu vật của tiền nhân để lại, là minh chứng khởi điểm mảnh đất và con người của nhân dân Quần Anh Hạ - Cái nôi của công cuộc khai hoang lấn biển, từ hơn 5 thế kỷ trước. Hằng năm, mỗi khi địa phương có việc trọng như hội làng để tưởng nhớ, tri ân công đức của các vị thành hoàng làng thì hình ảnh ngôi đình, đền, chùa và những cây di sản luôn là biểu tượng linh thiêng mang màu sắc văn hóa quê hương và tinh thần thượng võ của dân tộc.

Việc lựa chọn và vinh danh những cây di sản ở Hải Hậu đã góp phần giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên môi trường, bảo tồn nguồn gen tiêu biểu, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, quảng bá, xây dựng hình ảnh phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật, tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để những cây di sản hàng trăm năm tuổi, trường tồn với thời gian và lịch sử của dân tộc, cần có sự chung tay bảo vệ của cộng đồng trước sự xâm hại của các loại nấm, mọt, sâu bệnh... UBND huyện, các ban, ngành liên quan cần phối hợp với Sở KH và CN và các viện chuyên ngành của Trung ương cùng với các chuyên gia trong lĩnh vực sinh học, môi trường tham gia nghiên cứu tìm giải pháp bảo tồn cho các cây di sản; khuyến khích các địa phương đưa nội dung bảo vệ cây di sản vào hương ước, quy ước xóm; xây dựng, ban hành quy chế bảo vệ cây di sản và coi trách nhiệm bảo vệ cây là trách nhiệm của từng xóm, của từng gia đình, mỗi người, hình thành ý thức quý trọng cây cho các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa việc bảo tồn và quản lý cây di sản; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ tốt các cây cổ thụ để cây có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra cần đề ra các giải pháp để nâng cao ý thức của người dân góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, gìn giữ màu xanh cho quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com