Nghệ thuật làm rồng ở xóm Bến

09:12, 30/12/2016
Thôn Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) có 8 xóm, là nơi đông cư dân sinh sống, hiện lưu giữ nhiều bí quyết chế tạo các đạo cụ để phục vụ các trò chơi dân gian, trong đó tiêu biểu nhất là nghệ thuật làm rồng ở xóm Bến. 
 
Những ngày cuối năm 2016, chúng tôi có dịp về xã Thành Lợi để tìm hiểu về nghệ thuật làm rồng ở xóm Bến. Từ đầu ngõ, chúng tôi cảm nhận không khí rộn rã tiếng vỗ tay theo nhịp trống múa rồng bên trong căn nhà của ông Vũ Văn Hiền, đội trưởng đội rồng. Ông Hiền cho biết: Nghệ thuật làm rồng mây đã có ở xóm Bến cách đây trên một trăm năm. Trước đây, cứ vào khoảng mùng 10 tháng Tám âm lịch các nghệ nhân trong xóm lại tập trung làm rồng mây để đội rồng biểu diễn phục vụ nhân dân trong dịp lễ hội vào các ngày 13, 14, 15 tháng Tám. Quy trình làm rồng mây đòi hỏi sự công phu, khéo léo của nghệ nhân từ khâu chọn nguyên liệu đến khi hoàn thành. Nguyên liệu chính để chế tạo rồng là cây mây dại; phải chọn những cây có thân óng ả, lá to, xanh, dễ uốn cong để tạo dáng rồng. Sau khi chọn được những cây mây đạt chất lượng, nghệ nhân khéo léo dóc bỏ gai nhưng phải giữ nguyên lá. Đến khâu tạo hình, các nghệ nhân sẽ làm theo quy trình làm thân và đuôi trước, sau cùng mới làm đầu rồng. Thân rồng được bện chặt bằng dây thừng và cây mây, mỗi cây mây dài từ 60-70cm được nối liền mạch. Để tạo vảy cho thân rồng, nghệ nhân kết lá mây vào nhau tạo thành thân dày từ 10-15cm. Thân rồng sau khi hoàn thiện thường dài từ 9-11 khúc, tương đương với hơn 30m. Sau khi xong phần thân, các nghệ nhân tiếp tục công việc chọn nguyên liệu để làm đuôi rồng. “Cốt” của đuôi rồng được làm từ 1 tàu dừa bánh tẻ để đảm bảo độ dẻo dai, chắc chắn. Các lá của tàu dừa được bện vào nhau theo kiểu đan lóng, càng đan xuống dưới càng nhỏ dần đến khi hết lá. Đầu rồng đòi hỏi độ kỳ công và tinh xảo cao nên rất kén người làm. Ở xóm Bến hiện nay có nhiều người làm được thân và đuôi rồng nhưng chỉ còn lại 5 nghệ nhân làm đầu rồng gồm các ông: Phan Văn Thanh, Phan Văn Năng, Phan Văn Tác, Vũ Duy Vừng, Vũ Văn Hiền. Ông Phan Văn Năng cho biết: Làm đầu rồng đòi hỏi phải có kiến thức về tạo hình, kỹ năng đan lát, trang trí… Công đoạn đầu tiên để làm đầu rồng là chọn tre để làm khung. Tre làm khung phải đảm bảo độ dẻo cần thiết để uốn không bị gãy; phải chặt vào cuối tháng bởi cây tre đầu tháng chứa nhiều nước, sẽ tốn nhiều thời gian phơi, khó tạo hình. Sau khi chọn tre, nghệ nhân sẽ đo thân và đuôi rồng để cân đối khi làm phần đầu. Đầu rồng sau khi tạo khung được ốp 1 tàu dừa to, lá xanh và dày trên đỉnh đầu. Lá dừa được đan vừa khuôn; các chi tiết thể hiện thần thái rồng được làm tỉ mẩn như: mũi dùng tàu dừa nhỏ để tạo hình, sừng rồng bằng thân và lá mây đan, cằm rồng được gắn lò xo để đàn hồi lên xuống, mắt rồng là 2 chiếc đèn pin sáng quắc… Đầu rồng mây xóm Bến sau khi hoàn thiện nặng từ 20-25kg nên đòi hỏi người múa phải có sức khỏe tốt. Theo ông Hiền, để hoàn thiện một con rồng mây, phải cần 2 người làm chính và 10 người phụ trong vòng 2 ngày. Tổng thể 1 con rồng mây rất nặng nên đội hình múa rồng phải có 75 người... Ông Hiền cho rằng, rồng mây có những đặc trưng mà các con rồng làm bằng chất liệu khác không có được là độ óng ả, mượt mà màu xanh của lá, nhìn có “hồn” và rất thật. Đội rồng xóm Bến đã được mời đi biểu diễn ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Năm 2005, đội đã làm 1 con rồng mây dài gần 40m để biểu diễn trong dịp kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đội múa rồng xóm Bến, xã Thành Lợi (Vụ Bản) tham gia Lễ hội Phủ Dầy 2016.
Đội múa rồng xóm Bến, xã Thành Lợi (Vụ Bản) tham gia Lễ hội Phủ Dầy 2016.
Những năm gần đây, do cây mây dại đang dần khan hiếm, những thành viên trong đội rồng phải thay thế rồng mây bằng đôi rồng bằng vải. Đôi rồng vải cũng do các nghệ nhân trong đội tự làm, trong đó rồng màu vàng dài 100m, rồng màu xanh dài gần 40m. Để làm rồng vàng dài 100m, theo ước tính phải mất 700m vải xa-tanh để chấp vải, làm vẩy, riềm bụng… Đầu rồng ở nhiều địa phương thường nặng trên 30kg (đầu, hàm, mang và sừng được làm bằng sắt) nên người múa phải rất vất vả mới có thể thực hiện các động tác kỹ thuật. Vì vậy các nghệ nhân xóm Bến đã nghĩ cách làm cho đầu rồng nhẹ hơn bằng việc thay thế vật liệu ở đầu, hàm, mang và sừng... bằng tre. Nhờ sự sáng tạo của các nghệ nhân nên đầu rồng của xóm Bến nhẹ, khi múa rất thanh thoát và uyển chuyển. Đặc biệt, đầu rồng ở xóm Bến được bọc bằng vải tráng ni lông, vảy được trang trí bằng sơn nhiều màu sắc và chống thấm nên không gặp phải “sự cố” khi biểu diễn dưới trời mưa. Ông Phan Văn Năng tâm sự: Người làm rồng phải biết tạo hình thật khéo léo, biết tạo ra các điểm nhấn rõ nét. Vẽ tạo vảy trên thân rồng sao cho thật đều, đẹp, vẽ họa tiết trên vải sau khi cắt may, tô xanh, đỏ, vàng… vào mang. Hàm rồng có 8 răng nanh trông dữ tợn được vẽ sơn màu đỏ và trắng hài hòa mới thể hiện hết vẻ uy nghi, phi phàm của rồng. Điều đáng mừng là ở xóm Bến hiện nay vẫn có lớp trẻ kế cận đam mê và lưu giữ bí quyết nghệ thuật làm rồng như các anh: Phan Văn Lý, Phan Văn Khiêm… Anh Phan Văn Khiêm (35 tuổi) cho biết, từ nhỏ, mỗi lần nhìn các bậc cha chú làm rồng anh vô cùng thích thú, thán phục. Những năm gần đây, lo sợ bị thất truyền anh đã cùng anh Lý đi tìm mua mây dại và đến tận nhà các nghệ nhân Phan Văn Năng, Vũ Văn Hiền để học. Giờ đây, 2 anh có thể làm được cách đan thân rồng, đuôi rồng và khung đầu rồng.
 
Sau những tháng ngày chăm chỉ lao động vất vả, người dân nơi đây lại háo hức chờ đợi đến dịp lễ hội để được thưởng ngoạn những màn múa rồng đặc sắc. Các nghệ nhân làm rồng ở xóm Bến đã phát huy nét tài hoa, độc đáo của cha ông, tạo ra những con rồng độc đáo, có giá trị nghệ thuật. Họ không chỉ lưu giữ tinh hoa văn hoá quê hương mà còn là người “giữ lửa” và truyền nghề cho thế hệ trẻ./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com