Những năm gần đây, phong trào văn nghệ ở Nam Trực phát triển rộng khắp ở các địa phương trong huyện. Đến nay, toàn huyện có trên 40 tốp, đội, CLB văn nghệ quần chúng; trong đó nhiều tốp, đội, CLB văn nghệ có hình thức hoạt động sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật của nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư.
Các tốp, đội, CLB văn nghệ quần chúng ở Nam Trực hoạt động ở 3 loại hình chủ yếu: ca múa nhạc, chèo, ca trù, hát văn và một số loại hình khác như: cải lương, múa rối nước, kèn đồng, thơ ca… Tiêu biểu là ở các xã: Nam Dương, Nam Thái, Nam Tiến, Nam Hoa, Nam Thanh, Nghĩa An, Hồng Quang… Phong trào văn nghệ ở Nam Trực xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất của nhân dân, do nhân dân lao động sáng tạo, biểu diễn. Thông qua văn nghệ quần chúng, nhiều giá trị văn hoá dân gian được bảo tồn. Xã Nam Dương có 10 CLB, tổ, đội văn nghệ; trong đó có nhiều CLB hoạt động sôi nổi, tiêu biểu như: CLB chèo, CLB thơ NCT thôn Bái Dương, đội văn nghệ và đội kèn đồng thôn Chiền… Thôn Bái Dương có nhiều người đam mê nghệ thuật chèo truyền thống. Năm 2004, chi bộ Đảng thôn đã chỉ đạo các đoàn thể vận động các hội viên có năng khiếu thành lập CLB chèo. Đến nay, CLB có 37 thành viên thường xuyên sinh hoạt, luyện tập, tự biên tự diễn nhiều tiết mục chèo đặc sắc, tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả các trích đoạn chèo cổ… Với bề dày truyền thống, thôn Bái Dương nhiều năm liền đạt giải A tại các hội diễn văn nghệ của huyện. Đội văn nghệ xã Nghĩa An gồm 20-30 thành viên thường xuyên tập luyện, biểu diễn các chương trình nghệ thuật tổng hợp như: chèo, hát mới, hát văn, độc tấu đàn bầu, ngâm thơ, kịch... Phong trào văn nghệ của xã phát triển mạnh trong các tổ chức xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội NCT, Hội CCB... Đoàn Thanh niên xã hằng năm có nhiều chương trình văn nghệ phục vụ ngày thành lập Đoàn (26-3), tổ chức giao lưu văn nghệ, tạo khí thế sôi nổi trong đoàn viên, thanh niên. Chi Hội Phụ nữ ở khắp các thôn, xóm thành lập tổ văn nghệ, hằng năm đều tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các chi hội… Ở xã Nam Hồng, cả 21 xóm đều thành lập đội văn nghệ hoạt động theo phương thức xã hội hóa; biểu diễn phục vụ nhân dân vào các ngày lễ, tết. Nhiều xóm có phong trào văn nghệ phát triển mạnh như: Đông Thành, Hồng Tiến, Phú Bình, An Thái… Ngoài ra, trên địa bàn xã còn các CLB thơ ca của Hội NCT. Cùng với sự ra đời của các đội văn nghệ ở các xóm, Đảng uỷ, UBND xã đã thành lập CLB tuyên truyền ca khúc cách mạng của xã. CLB hiện có 15 thành viên chủ yếu là cán bộ công chức xã, các đoàn viên, thanh niên thường xuyên sinh hoạt, luyện tập nhiều tiết mục đặc sắc với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, biển, đảo quê hương, ca ngợi các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất. Hằng năm, vào dịp lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hóa ở các địa phương trong huyện như: Đền Xám, xã Hồng Quang, đền Giao Cù, xã Đồng Sơn, đền Trần thôn Bái Dương, xã Nam Dương... đều tổ chức hội thi hát ca trù, hát văn. Các bài hát văn, ca trù được soạn lời mới có giai điệu vui tươi, trong sáng, được chắt lọc từ nghệ thuật ca trù, hát văn truyền thống mang hơi thở và nhịp sống đương đại, cổ vũ toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều bài hát văn với những giá đồng mang âm hưởng dân ca được CLB dàn dựng và biểu diễn có sức lan tỏa trong đời sống, làm rộn ràng cả một vùng quê, xua tan mệt mỏi của người dân sau những giờ lao động vất vả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân. Ở xã Nam Thanh, hát chèo, cải lương đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của người dân gắn với lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hoá như: Đền Thượng Lao, đền Xối Thượng, đền chùa Nội. Hằng năm, khách thập phương về lễ hội rất đông để thực hiện đời sống tâm linh trong tín ngưỡng thờ nhân thần, được thưởng thức các làn điệu chèo đặc sắc. Với thế mạnh có nhiều thành viên biết hát dân ca nên các CLB văn nghệ đã dàn dựng được các chương trình biểu diễn đa dạng phục vụ nhân dân. Ở Nam Trực loại hình nghệ thuật múa rối nước từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hoá dân gian không thể thiếu của người dân nơi đây. Huyện có 2 đội rối nước của Thị trấn Nam Giang và xã Hồng Quang, mỗi đội có trên 30 diễn viên, nhạc công duy trì hoạt động thường xuyên tại các lễ hội trong và ngoài tỉnh. Gắn liền với nền văn minh lúa nước, những người nông dân nơi đây đã sáng tạo ra những con trò ngộ nghĩnh mang đầy tính sáng tạo và tâm hồn đồng quê. Hằng năm, vào dịp lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hóa đền Xám, xã Hồng Quang, đền Giáp Ba, chùa Bi, Thị trấn Nam Giang..., các đội múa rối nước biểu diễn hơn 40 tích trò cổ, nội dung phản ánh sinh động cuộc sống của người nông dân chân lấm tay bùn, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ truyền thống tương thân, tương ái mang ý nghĩa nhân văn…
Phong trào văn nghệ ở Nam Trực phát triển sâu rộng là do có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong việc tổ chức, quản lý và định hướng hoạt động để các tốp, đội, CLB văn nghệ dàn dựng được các chương trình nghệ thuật có nội dung phong phú, đạt chất lượng cao. Bên cạnh đó, Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT huyện đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì hoạt động của các CLB, tổ, đội văn nghệ như: Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn nghệ, khuyến khích nhân dân cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của địa phương. Cùng với đó là sự tham gia tích cực từ những người có niềm say mê, yêu thích ca hát từ các CLB, tốp, đội, CLB văn nghệ. Vì thế, mỗi tiết mục văn nghệ quần chúng luôn đậm đà bản sắc quê hương. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện cần có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đội văn nghệ hoạt động. Ngoài ra, các tổ, đội CLB văn nghệ cần năng động, sáng tạo, tìm ra các phương thức hoạt động hiệu quả theo phương châm xã hội hóa để duy trì hoạt động, phát huy tối đa vai trò của văn nghệ quần chúng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở./.
Khánh Dũng