Giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ ở Giao Thủy

04:12, 23/12/2016

Thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ được triển khai sâu rộng trong các trường học ở huyện Giao Thủy. Nhiều trường học ở các cấp học đã tổ chức các hoạt động: tham quan, nhận chăm sóc di tích lịch sử - văn hóa; nói chuyện chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương; lồng ghép các nội dung lịch sử địa phương vào các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân..., giúp học sinh hiểu thêm về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước.

Trường THCS Giao Tiến tổ chức giáo dục lịch sử cho học sinh tại di tích lịch sử - văn hoá Đền, Chùa thôn Thượng.
Trường THCS Giao Tiến tổ chức giáo dục lịch sử cho học sinh tại di tích lịch sử - văn hoá Đền, Chùa thôn Thượng.

Huyện Giao Thủy có 27 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, Phòng GD và ĐT và Phòng VH-TT huyện tổ chức ký kết chương trình phối hợp thực hiện nếp sống văn minh trong trường học; trong đó có nội dung các trường đảm nhận việc chăm sóc và giáo dục truyền thống cho học sinh qua các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương. Trong số 29 trường tiểu học, 23 trường THCS trên địa bàn huyện, nhiều trường đã tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh, tiêu biểu như các trường THCS: Ngô Đồng, Giao Tiến; các trường tiểu học: Giao Phong, Giao Tiến A, Quất Lâm, Giao Thịnh A... Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thử, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Ngô Đồng cho biết: Những năm qua, cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã làm tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh. Mỗi năm học trường đều tổ chức các hoạt động tham quan di tích, giao lưu giữa các thế hệ CCB, cán bộ lão thành cách mạng với học sinh vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), trường tổ chức hoạt động chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách ở địa phương, phối hợp với Đoàn Thanh niên thị trấn tổ chức chương trình thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ...; tổ chức giao lưu trò chuyện cùng các CCB, thân nhân gia đình liệt sĩ... Cô giáo Nguyễn Thị Mến, giáo viên dạy môn Lịch sử của nhà trường cho biết: “Qua những câu chuyện thực tế đã giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của quê hương, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, góp phần hình thành nhân cách sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng ý thức tự giác và trách nhiệm trong mỗi hành động của các em”. Nhiều năm qua, trong lễ hội Đền Hoành Đông, đoàn học sinh của trường đều tham gia lễ rước và dâng hương tưởng nhớ công lao các vị tiền nhân có công với quê hương, đất nước. Hằng năm, nhà trường tổ chức cho học sinh tìm hiểu di tích, thân thế sự nghiệp nhân vật được phụng thờ ở Đền Hoành Đông, sau đó học sinh viết thu hoạch để thuyết minh về truyền thống lịch sử địa phương. Xã Giao Tiến có 3 trường tiểu học và 1 trường THCS. Đã thành lệ, chiều mùng 4 hằng tháng giáo viên và hơn 200 học sinh các khối lớp 3, 4, 5 Trường Tiểu học Giao Tiến A lại tham gia quét dọn vệ sinh trong khuôn viên, khu vực nội tự di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đền, Chùa An Hưng. Sau đó các em tập trung tại khu vực nội tự, nghe giáo viên phân tích giá trị lịch sử, nghệ thuật của di tích, các nhân vật được thờ tại đền, chùa, giới thiệu về lịch sử quê hương… Trường THCS Giao Tiến có 21 lớp học với tổng số 805 học sinh. Từ nhiều năm nay, nhà trường đã thực hiện lồng ghép việc giảng dạy lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy chính khóa với các môn học lịch sử, giáo dục công dân, địa lý. Cô giáo Cao Thị Thu Hương dạy môn Lịch sử của trường cho biết: “Dạy lịch sử địa phương không chỉ bó hẹp theo phân phối chương trình mà phải lồng ghép trong chương trình giảng dạy. Từng giai đoạn lịch sử dân tộc, giáo viên sẽ có chủ đề gắn với lịch sử địa phương. Cụ thể như các bài giảng lịch sử về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giáo viên cho học sinh tìm hiểu về những di tích lịch sử, những nhà hoạt động cách mạng của địa phương gắn với phong trào đấu tranh của nhân dân huyện Giao Thủy trong thời kỳ đó. Để học sinh hiểu sâu các kiến thức lịch sử, nhà trường đã tổ chức cho các em tham quan thực tế các điểm di tích. Kết thúc mỗi chuyến đi, học sinh sẽ nộp bài thu hoạch”. Các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh ở Trường THCS Giao Tiến đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đến Chùa Bảo Hoa, xã Giao Phong, chúng tôi được chứng kiến buổi giáo dục truyền thống cho học sinh khối lớp 5, Trường Tiểu học Giao Phong. Nhà sư trụ trì chùa trực tiếp thuyết minh và giải thích từng chữ khắc ở tấm bia đá triều Nguyễn niên hiệu Gia Long năm thứ 11 (1812), kể cho các em về vai trò của di tích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 1945, Chùa Bảo Hoa là địa điểm tổ chức các lớp “bình dân học vụ” cho nhân dân. Trong thời gian từ năm 1953-1954, Chùa Bảo Hoa là địa điểm để quân du kích họp bàn tập trung tiêu diệt bốt Thức Hóa. Từ sau hòa bình lập lại cho đến những năm kháng chiến chống Mỹ, Chùa Bảo Hoa là nơi cất giấu lương thực, vũ khí đạn dược; tổ chức lớp học bổ túc văn hóa, đưa tiễn các thế hệ thanh niên lên đường tòng quân đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Trưởng Phòng GD và ĐT huyện Giao Thủy cho biết: Xác định giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức học sinh, giúp các em có ý thức và trách nhiệm hơn đối với quê hương, đất nước, Phòng GD và ĐT huyện luôn khuyến khích các nhà trường đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy lịch sử địa phương. Trong dạy học, giáo viên có thể linh hoạt dạy học trên lớp, tại thực địa và tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Trong thời gian tới, Phòng GD và ĐT huyện sẽ tiếp tục định hướng để các nhà trường bậc tiểu học, THCS tổ chức các hoạt động sáng tạo trải nghiệm gắn liền với việc dạy lịch sử địa phương như kể chuyện về địa danh hay nhân vật lịch sử của địa phương thông qua hình ảnh, tiểu phẩm trong học tập, tổ chức các hoạt động học tập tại thực địa... Qua mỗi bài học, mỗi dịp tham quan, chăm sóc di tích sẽ giúp học sinh hiểu hơn về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước, tạo động lực để các em quyết tâm học tập, rèn luyện trở thành những công dân có ích góp phần xây dựng quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com