Niềm tự hào của nhân dân Nam Định

03:12, 16/12/2016

Vừa qua, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của người dân Nam Định. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ mối quan hệ giữa hầu đồng và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như thế nào? Phóng viên Báo Nam Định trao đổi với GS, TS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN), Trưởng Ban Xây dựng hồ sơ quốc gia Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt xung quanh vấn đề này:

PV: Vì sao Nam Định lại nhận trách nhiệm làm hồ sơ quốc gia Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và diễn biến của việc dẫn đến quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước về lựa chọn cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng hồ sơ quốc gia này?

GS, TS Nguyễn Chí Bền: Giữa năm 2006, bà Trần Thị Hà, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định mời tôi và một vài cán bộ của Viện Văn hóa Thông tin nay là Viện VHNTQGVN về làm việc với UBND huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định dự kiến sẽ làm hồ sơ về tín ngưỡng thờ Mẫu trình UNESCO. Bởi vì khi ấy, Viện chúng tôi vừa làm xong hồ sơ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO chấp nhận, vinh danh là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Rồi cả khách quan lẫn chủ quan công việc chưa được tiến hành.

Năm 2012, Bộ VH, TT và DL đưa Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản rồi sau đó là Nghi lễ Chầu văn của người Việt vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 11-2012, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho phép xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO vinh danh Nghi lễ Chầu văn của người Việt vào danh sách đại diện.

Sau đó, Bộ VH, TT và DL có công văn trao đổi đề nghị tỉnh Nam Định là cơ quan thực hiện công việc này. Lý do: Nam Định là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Tỉnh Nam Định đồng ý tìm đối tác thực hiện. Ngày 18-11-2013, UBND tỉnh Nam Định đề nghị giao công việc này cho Viện VHNTQGVN. Ngày 14-1-2014, Bộ VH, TT và DL có Quyết định số 123/QĐ-BVHTTDL cho Viện VHNTQGVN thực hiện công việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO với di sản văn hóa phi vật thể này.

PV: Xây dựng hồ sơ quốc gia do cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, hồ sơ quốc gia gồm những loại sản phẩm nào? Các nhà khoa học chịu trách nhiệm ra sao?

GS, TS Nguyễn Chí Bền: Viện VHNTQGVN là cơ quan chịu trách nhiệm theo Quyết định 123 ngày 14-1-2014 của Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL. Hồ sơ nộp cho UNESCO gồm: Báo cáo khoa học, phim 10 phút, 10 ảnh, Báo cáo kiểm kê khoa học, Biên bản lấy ý kiến đồng thuận của người dân, của các cơ quan quản lý Nhà nước. Phân công tôi với tư cách  trưởng ban xây dựng hồ sơ quốc gia là: Báo cáo khoa học, phim video 10 phút, 10 ảnh do PGS, TS Nguyễn Thị Hiền và Trung tâm Dữ liệu di sản của Viện VHNTQGVN chịu trách nhiệm khởi thảo và chuẩn bị; Báo cáo về Kiểm kê khoa học do PGS, TS Bùi Quang Thanh chịu trách nhiệm cùng một tập thể cán bộ khoa học của Viện VHNTQGVN. Quá trình kiểm kê khoa học, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã hỗ trợ chúng tôi khá nhiều về tư liệu theo hồ sơ di tích.

Điều mà chúng tôi khẳng định là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định đã cung cấp nguồn tài chính cho chúng tôi thực hiện công tác xây dựng hồ sơ quốc gia này. Các mặt công tác của Viện VHNTQGVN đều được các cấp quản lý huyện, xã của tỉnh Nam Định hỗ trợ nhiệt tình, chu đáo.

Khi bắt đầu xây dựng hồ sơ quốc gia, Viện VHNTQGVN đã mời các nhà khoa học làm tư vấn như GS, TSKH Lưu Trần Tiêu, GS, TS Ngô Đức Thịnh… Hồ sơ quốc gia đã được các nhà khoa học trong Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia góp ý rất nhiều về nội dung, về phim, về ảnh.

Nhưng tôi vẫn nghĩ công lao lớn nhất thuộc về người dân Nam Định các thế hệ mấy trăm năm qua đã giữ gìn, trao truyền di sản này cho thế hệ hôm nay.

PV: Là Trưởng ban xây dựng hồ sơ quốc gia Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt để trình UNESCO thông qua, xin ông cho biết, tên chính thức của di sản văn hoá này được ghi trong hồ sơ như thế nào? Tên gọi này đã được thay đổi ra sao từ lúc lập hồ sơ đến khi trình UNESCO?

GS, TS Nguyễn Chí Bền: Theo Công văn số 8868/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ ngày 5-11-2012 về việc danh sách di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn 2012-2016, tên di sản là Nghi lễ Chầu văn của người Việt (danh sách đại diện). Khi nhận nhiệm vụ, thảo luận với các chuyên gia như GS, TSKH Lưu Trần Tiêu, GS, TS Ngô Đức Thịnh, PGS, TS Nguyễn Văn Huy, PGS, TS Đặng Văn Bài, TS Lê Thị Minh Lý…, Viện VHNTQGVN làm báo cáo xin đổi tên di sản để làm hồ sơ trình UNESCO. Từ tên Nghệ thuật Chầu văn của người Việt trong công văn ngày 5-11-2012 của Văn phòng Chính phủ, Viện VHNTQGVN làm tờ trình qua Cục Di sản văn hóa, lên Bộ xin đổi tên hồ sơ là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Địa bàn kiểm kê khoa học và lấy ý kiến đồng thuận là tỉnh Nam Định. (Trước đó, tỉnh Hà Nam đã có văn bản đồng thuận để tỉnh Nam Định làm công việc này). Hồ sơ nộp đi vào ngày 29-3-2014, kèm Công hàm số 170/BTK/14 ngày 28-3-2014 của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, để xét trong kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ tại Na-mi-bi-a cuối năm 2015. Do quy định mỗi năm UNESCO chỉ nhận 50 hồ sơ của các quốc gia thành viên, nên hồ sơ quốc gia Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt  của Việt Nam được chuyển sang xét vào năm 2016. Sau cuộc họp của Hội đồng thẩm định của Ủy ban liên Chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO, chúng ta lại nhận được thư của Vụ Văn hóa phi vật thể của UNESCO đề nghị chúng ta xem xét đổi tên hồ sơ thành Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Bộ VH, TT và DL giao cho TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa viết thư đồng ý. Nhưng tất cả các mục của báo cáo khoa học, phim 10 phút, 10 ảnh mà chúng ta nộp cho UNESCO vào ngày 18-3-2015 cùng Công hàm số 23/BTK/2015 của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam thì không hề thay đổi, dù chỉ là một chữ!

PV: Hiện nhiều người vẫn chưa phân biệt và thường nhầm lẫn mối quan hệ giữa hầu đồng và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận. Xin ông phân tích mối quan hệ này để dư luận được hiểu rõ?

GS, TS Nguyễn Chí Bền: Như tôi đã nói: tên hồ sơ có thay đổi, nhưng toàn bộ nội dung không thay đổi và đánh giá của Ủy ban liên Chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO vẫn là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, hầu đồng/ lên đồng chỉ là một thành tố trong một tín ngưỡng thờ Mẫu mà thôi. Nói đến Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, người ta hay nghĩ đến lên đồng/ hầu đồng, chứ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt còn nhiều thành tố khác.

PV: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt còn những hình thức diễn xướng nào khác? Đâu là hình thức diễn xướng chính được ghi trong hồ sơ?

GS, TS Nguyễn Chí Bền: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một di sản văn hóa, bao gồm cả hai loại, theo cách phân loại của UNESCO: vật thể và phi vật thể. Các đền, phủ thờ Mẫu Tam phủ có ở nhiều nơi trên đất nước ta. Nhưng chúng tôi giới hạn ở hai huyện Vụ Bản và Ý Yên của tỉnh Nam Định để thực hiện công việc của mình. Nói cách khác, quan niệm của chúng tôi, hai huyện Vụ Bản và Ý Yên nói riêng, tỉnh Nam Định nói chung là vùng trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Khi trình hồ sơ quốc gia Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tới UNESCO, chúng tôi đề cập đến nhiều thành tố của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt: lễ hội, các tác phẩm của các nhà nho ghi chép huyền thoại trong dân gian, lên đồng/ hầu đồng, sự thờ cúng của người dân… Không có hình thức diễn xướng nào là chính, là chủ yếu cả. Vai trò các thành tố như nhau.

PV: Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com