Nhiều năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở Hải Hậu đã phát triển rộng khắp. Đến nay, toàn huyện có hàng chục tổ, đội, CLB văn nghệ; trong đó nhiều tốp, đội văn nghệ có hình thức hoạt động sáng tạo, hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Thị trấn Thịnh Long là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào văn nghệ của huyện. Với lợi thế hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng kiên cố, đồng bộ và có nhiều hạt nhân văn nghệ tiềm năng nên các CLB văn nghệ của thị trấn duy trì hoạt động ổn định. Thị trấn hiện có 2 CLB văn hóa, văn nghệ lớn gồm: CLB văn nghệ Thịnh Long và Hội truyền thống văn hóa Thịnh Long gồm những người làm văn hóa, các nhạc công, diễn viên của thị trấn qua các thời kỳ. CLB văn nghệ Thịnh Long là nơi tập hợp những hạt nhân văn nghệ ở các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố. Chị Mỹ Quyên ở tổ dân phố 19 có niềm đam mê ca múa từ nhỏ, mặc dù quanh năm vất vả làm nghề phụ xây nhưng mỗi khi CLB văn nghệ thị trấn huy động, chị lại gác mọi công việc để tham gia luyện tập, biểu diễn. Bệnh binh Trần Văn An ở tổ dân phố số 12 mặc dù sức khỏe yếu nhưng vẫn nhiệt tình tham gia dàn dựng các tiết mục văn nghệ của CLB. Ở xã Hải Xuân có hội trống nữ với số lượng 60 thành viên. Hội trống ngoài phục vụ các nghi lễ ở nhà thờ còn phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương và các sự kiện chính trị của huyện. Chứng kiến một buổi luyện tập của hội trống nữ Hải Xuân mới thấy hết niềm đam mê nghệ thuật của các thành viên. Trên sân khấu, những thành viên trong hội là những nghệ sĩ vừa đánh trống hay vừa múa giỏi, về với đời thường họ lại tiếp tục công việc chính của những thợ may, người nông dân. Chị Nguyễn Thị Hoài, Chủ nhiệm hội trống nữ xã Hải Xuân cho biết: Khác với đánh trống thông thường, trong trống hội nữ, tiếng trống được hòa quyện cùng những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng của người biểu diễn. Các bài múa trống là sự kết hợp của tổng thể từ trang phục đẹp, động tác đồng đều, khéo léo, âm thanh sôi động. Bởi vậy, việc đầu tư cho trang phục và nhạc cụ biểu diễn là rất quan trọng. Những năm qua, hội trống Hải Xuân đã làm tốt công tác xã hội hóa, hiện nay hội có nguồn quỹ ổn định để hoạt động, bổ sung mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn phục vụ nhân dân. Ở xã Hải Thanh, ngoài đội văn nghệ và CLB thơ, ca NCT, cả 13 xóm của xã đều thành lập đội văn nghệ hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Các đơn vị có phong trào văn nghệ mạnh là: Trường Mầm non Hải Thanh, xóm Nguyễn Hoằng, xóm Thức Tới, xóm Xướng Cau, xóm Vĩnh Hiệp, xóm Nguyễn My, xóm Xướng Chử. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các CLB văn nghệ ở xã Hải Thanh luôn duy trì hoạt động tốt bởi luôn có sự quan tâm đến lớp hạt nhân văn nghệ kế cận. Trong không gian tràn ngập tiếng đàn, sáo, ông Nguyễn Văn Tơn (64 tuổi), xóm Nguyễn Chẩm, xã Hải Thanh say sưa hướng dẫn các học viên sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Từ năm 2000, ông đã đứng ra mở lớp với mong muốn thế hệ trẻ có thêm hiểu biết, đam mê và gìn giữ những làn điệu dân ca truyền thống. Buổi đầu mở lớp, do ít người biết đến nên các học viên chủ yếu là người trung tuổi ở địa phương. Đến nay, mỗi lớp học của ông thu hút hàng chục người ở đủ lứa tuổi, ngành nghề. Còn ở xóm Nguyễn Hoằng, xã Hải Thanh, lớp học nhạc cụ dân tộc, hát chầu văn do ông Phạm Thanh Hoài (64 tuổi) “đứng lớp” cũng thu hút hàng chục người. Từng là nhạc công Đoàn văn công 351 cùng các đồng đội vượt qua “mưa bom, bão đạn” đem lời ca, tiếng hát để cổ vũ, động viên bộ đội chiến đấu chống kẻ thù, năm 1976, trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 46%, ông đã mở lớp dạy đàn, hát dân ca cho những người có niềm đam mê. Đến nay, hàng chục lứa học trò của ông đã trở thành hạt nhân văn nghệ ở các địa phương trong và ngoài huyện. Xã Hải Minh có 1 CLB hát chèo, 1 CLB hát quan họ, 1 đội kèn Giáo xứ và 26 tốp văn nghệ, hội kèn đồng ở các xóm… Bà Nguyễn Thị Duân, Chủ nhiệm CLB chèo Hải Minh cho biết: Nghệ thuật chèo đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Năm 2002, CLB chèo Hải Minh được thành lập với nòng cốt là các thành viên của đội chèo xóm Bắc Hải. Hiện nay, CLB có 15 thành viên, gồm 10 diễn viên và 5 nhạc công. Được nghe những làn điệu chèo “mộc” nhưng uyển chuyển, chân tình và tha thiết của các thành viên, chúng tôi cảm nhận được CLB thực sự là nhịp cầu nối niềm đam mê âm nhạc truyền thống. Các thành viên trong CLB tự hòa âm, phối khí, sáng tác và kiêm cả đạo diễn, diễn viên... Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, thiếu đạo cụ và hạn chế về khả năng diễn xuất nhưng bằng tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật, các thành viên trong CLB đã dày công tập luyện và nhanh chóng nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật hát chèo. Ngoài việc biểu diễn thành thục các làn điệu chèo, CLB còn sáng tác, dàn dựng những hoạt cảnh chèo tuyên truyền về công tác Dân số - KHHGĐ... Hằng năm, CLB hát chèo của xã tham gia các cuộc thi, hội diễn của huyện đều đạt kết quả cao.
|
Hội Trống nữ xã Hải Xuân (Hải Hậu) biểu diễn tại Ngày hội VH-TT huyện 2016. |
Nhiều năm qua, ở huyện Hải Hậu đã hình thành các tổ, đội văn nghệ trong các đoàn thể như chi Đoàn Thanh niên, chi Hội Phụ nữ, chi Hội CCB, chi Hội NCT... Mỗi trường học, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp ở Hải Hậu đều có đội văn nghệ với đa dạng các thể loại như: ca múa nhạc, kịch, chèo, hát dân ca. Tiêu biểu như các trường: THCS Hải Phương, Yên Định; các trường tiểu học: A Hải Trung, A Thịnh Long; các trường mầm non: Hải Châu, Yên Định... Trường THCS Hải Phương hiện có 1 CLB văn nghệ xung kích, 12 đội văn nghệ ở các lớp học. Trong các giờ sinh hoạt, nhà trường tổ chức đan xen các tiết mục văn nghệ, ứng xử câu hỏi tình huống hằng tuần. Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Đoàn (26-3), lễ khai giảng, lễ tổng kết năm học, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)… Trường Mầm non Hải Châu với đội ngũ giáo viên giàu tâm huyết với nghề và yêu văn nghệ là những hạt nhân thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ của xã, của huyện. Để khơi dậy tình yêu nghệ thuật cho các cháu, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: “Ngày hội đến trường của bé”, “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tết Trung thu” hay các hội thi “Bé khỏe, bé ngoan”, “Bé khéo tay”, “Hội thi thời trang cho bé”… Đồng chí Đinh Văn Nam, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Hải Hậu cho biết: Để các CLB văn nghệ hoạt động hiệu quả, Trung tâm VH-TT huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện tổ chức các hoạt động văn nghệ theo từng chủ đề; đồng thời cử cán bộ xuống các tổ, đội, CLB văn nghệ ở các địa phương bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về nhạc lý, hướng dẫn cách thể hiện, biểu diễn… Mặc dù các loại hình văn nghệ quần chúng hoạt động theo phương thức xã hội hóa, do các thành viên tự đóng góp kinh phí, nhưng được Trung tâm VH-TT huyện quan tâm hướng dẫn chuyên môn và tổ chức các cuộc thi, hội diễn, đã tạo động lực để các CLB duy trì tập luyện, biểu diễn.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động các CLB văn nghệ, thời gian tới, các địa phương trong huyện cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí, đầu tư trang thiết bị cho các tổ, đội, CLB luyện tập, biểu diễn. Trung tâm VH-TT huyện cần phối hợp cùng Phòng GD và ĐT nhân rộng việc đưa mô hình các môn nghệ thuật truyền thống của địa phương gắn với các giờ sinh hoạt ngoại khóa vào các trường học. Các địa phương cần động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian hăng say giữ nghề, truyền nghề cho các thế hệ trẻ tiếp nối duy trì các loại hình nghệ thuật truyền thống ở địa phương./.
Bài và ảnh:
Viết Dư