Những năm gần đây, Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) luôn trong “tốp” đầu về tỷ lệ học sinh giỏi môn Ngữ văn và hội thi văn nghệ cấp tỉnh. Góp phần vào kết quả trên, thời gian qua các thầy, cô giáo tổ Ngữ văn của trường đã đổi mới phương pháp dạy học, trong đó mô hình sân khấu hóa tác phẩm văn học đã giúp các em học sinh rèn kỹ năng cảm thụ tác phẩm, kỹ năng “hóa thân” vào hình tượng nhân vật văn học, qua đó tạo sự say mê, chủ động cho học sinh trong cách tiếp cận môn học.
Vở diễn “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” của lớp 11A5 đạt giải Khuyến khích trong đêm Chung khảo Hội thi “Sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ nhất, Trường THPT Trần Hưng Đạo”. |
Cô giáo Vũ Thị Quỳnh Anh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn của trường cho biết: Sân khấu hóa tác phẩm văn học là một trong những phương pháp dạy và học Văn học - “Trả tác phẩm về cho học sinh”. Phương pháp này do Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung (Đại học Quốc gia Hà Nội) sáng tạo và được áp dụng ở nhiều trường học trên cả nước. Với mô hình sân khấu hóa tác phẩm văn học, thay vì những giờ giảng “thầy đọc, trò chép”, những tiết mục sân khấu hóa sinh động, giúp học sinh dễ học, dễ nhớ, nhập tâm hơn với những tác phẩm văn học. Từ năm 2013, Ban giám hiệu Trường THPT Trần Hưng Đạo đã chỉ đạo tổ Ngữ văn thí điểm phương pháp dạy văn theo hình thức Sân khấu hóa tác phẩm văn học với quy mô ở một vài lớp học. Năm 2015, để nhân rộng phương pháp này ở nhiều lớp học, trường đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức giảng dạy cho giáo viên bộ môn Ngữ văn và mời Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung trực tiếp đứng lớp. Qua đó, năm học 2015-2016 nhiều lớp ở các khối Trường THPT Trần Hưng Đạo tiếp tục được áp dụng mô hình sân khấu hóa các tác phẩm văn học… Trong quá trình học tác phẩm “Chí Phèo” học sinh lớp 11B1 và 11B4 được nhà trường tổ chức tham quan thực tế quê hương nhà văn Nam Cao ở làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, (Hà Nam), sau đó tại sân đình làng Đại Hoàng từng nhóm sẽ thể hiện các phân đoạn trong tác phẩm “Chí Phèo” bằng hình thức kịch ngắn. Buổi “biểu diễn” của các em thu hút nhiều người dân bản địa đến xem và ai cũng ấn tượng với các diễn viên thủ vai các nhân vật trong truyện. Năm 2015, lớp 12D1 khi học về truyện ngắn “Vợ nhặt”, được sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn và chủ nhiệm, học sinh đã tổ chức chuyển thể thành kịch bản và dựng thành phim ngắn. Vừa qua, hội thi “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học lần thứ nhất, Trường THPT Trần Hưng Đạo” đã thu hút sự tham gia của trên 600 học sinh ở cả 3 khối 10, 11, 12. Cô giáo Vũ Thị Quỳnh Anh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn của trường cho biết: Đêm Chung khảo Hội thi “Sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ nhất, Trường THPT Trần Hưng Đạo” được tổ chức cuối tháng 10 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Để tổ chức hội thi, các thầy, cô giáo phụ trách chuyên môn đã chuẩn bị kỹ việc lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ từng thành viên, vận động kinh phí từ nguồn xã hội hóa… Các lớp cử đại diện để bốc thăm tác phẩm văn học trong chương trình học của từng khối, sau đó sẽ chuyển thể tác phẩm văn học thành một trong các hình thức sân khấu như: Tiểu phẩm, kịch; múa dân gian, múa đương đại, múa bóng, ngâm thơ, kể chuyện; nhạc kịch... Được sự giúp đỡ về kỹ thuật biểu diễn của Đoàn Kịch nói Nam Định, trong 2 vòng sơ khảo và chung khảo, các em học sinh trở thành những nghệ sĩ tài hoa hóa thân trong những vai diễn. Đó là hình tượng cao đẹp về Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trong “Huyền sử Đức Thánh Trần”; là nàng Mỵ Châu vừa đáng giận vừa đáng thương trong tích “Mỵ Châu - Trọng Thủy”; là nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng; là Chí Phèo khật khưỡng giữa đôi bờ thiện - ác; là Thị Nở với bát cháo hành đậm đà tình nghĩa con người; là tiếng cười bi hài mang bao phẫn uất, bao nỗi niềm qua “Hạnh phúc của một tang gia”. Đó là những người lính Tây Tiến hào hùng và hào hoa: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”; là âm vang sử thi của núi rừng Tây Nguyên vùng lên đánh giặc. Đó là giai điệu tình yêu trong sáng, cao thượng của đại thi hào nước Nga Puskin… Những tiết mục gây ấn tượng với khán giả trong đêm Chung khảo như: Kịch “Tây Tiến”, lớp 12B1 đạt giải nhất; “Người cầm quyền khôi phục uy quyền”, lớp 11B1 đạt giải nhì; các giải 3 gồm: “Huyền sử Đức Thánh Trần”, lớp 10A6; “Vợ nhặt”, lớp 12A7; “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” lớp 12B3. Ở tiết mục kịch “Tây Tiến”, học sinh lớp 12B1 đã sáng tạo từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Quang Dũng thành kịch bản với 6 phân cảnh gồm: Quang Dũng ngồi ở làng Phù Lưu Chanh nhớ lại những năm tháng ở đơn vị Tây Tiến cũ. Hình ảnh đoàn quân chia tay gia đình rời quê hương để lên chiến khu Tây Bắc hoạt động. Cảnh đoàn quân leo núi vượt rừng, những lần nghỉ chân, khó khăn bệnh tật của người lính. Đêm liên hoan lửa trại của quân dân. Cảnh ra trận. Mồ viễn xứ. Lời thoại và cách hóa thân của các nhân vật trong vở diễn cùng cách bố cục, sắp xếp bối cảnh sân khấu uyển chuyển kết hợp với âm nhạc lúc hùng tráng, lúc trầm buồn đã làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Một số học sinh tham gia đêm chung khảo được Ban giám khảo đánh giá cao như các em: Nguyễn Việt Linh, lớp 10A6 giải diễn viên nam xuất sắc vai Trần Hưng Đạo trong vở “Huyền sử Đức Thánh Trần”; Trần Thảo Hiền, lớp 10B1 diễn xuất sắc vai thầy Đồ trong vở kịch “Tam đại con gà”. Em Nguyễn Việt Linh chia sẻ: “Mô hình “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” đã giúp em có thêm nhiều kỹ năng trong cuộc sống. Cách học văn này đã tạo thói quen cho mỗi học sinh luôn chủ động tìm hiểu, nhập tâm vào tác phẩm, cảm nhận rõ nét về nội dung, tư tưởng, chủ đề của mỗi tác phẩm văn học, hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống…”.
Sân khấu hóa tác phẩm văn học nếu được nhân rộng sẽ là một trong những phương pháp học hiệu quả giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Văn. Đồng thời góp phần phát hiện những nhân tố có năng khiếu nghệ thuật để phát triển phong trào văn nghệ trong các nhà trường, các địa phương./.
Bài và ảnh: Viết Dư