Liên Bảo gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống

08:11, 19/11/2016
Xã Liên Bảo (Vụ Bản) là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa. Trên địa bàn xã có hệ thống di tích lịch sử phong phú, bao gồm: 10 ngôi chùa, 2 ngôi đình, 1 ngôi đền… Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân văn hoá của quê hương.
Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh.
Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh.
Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh làng Cao Hương (nay là thôn Cao Phương) là di tích lịch sử - văn hóa được Bộ VH, TT và DL xếp hạng. Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-1496) là một danh nhân văn hóa nổi tiếng nửa cuối thế kỷ XV. Ông đỗ Trạng nguyên khi mới 23 tuổi và làm quan đến chức Thị Thư trưởng Hàn lâm Viện sự. Ông là người tài hoa, uyên bác về nhiều lĩnh vực như: âm nhạc, giáo dục, toán học, văn học... Ông đã biên soạn cuốn “Toán pháp đại thành” là cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên ở nước ta. Cuối đời ông về ẩn dật tại quê nhà, nghiên cứu đạo Phật, đạo Lão. Với những đóng góp to lớn, sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông trên nền nhà cũ của gia đình để ghi nhớ công ơn. Đồ thờ tự và đồ tế khí tại đền thờ ngày nay vẫn được bảo quản chu đáo. Tại đây các nhang án, bát biểu, ngai thờ, kiệu bằng gỗ, các bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng, những đôi song bình, độc bình, bát hương, nậm rượu bằng gốm sứ còn rất nhiều. Đặc biệt, tại cung đệ nhất đặt bức vẽ chân dung Trạng nguyên trên gỗ đặt trong khám kính. Tương truyền bức vẽ này là của một họa sĩ người Trung Hoa vẽ tặng Trạng nguyên nhân dịp ông đi sứ sang Trung Quốc. Trên hương án trước khám thờ có một lư đồng khá độc đáo là vành miệng đúc nổi lên 28 vì sao, tượng trưng cho “Tao Đàn nhị thập bát tú” (Hội thơ do Vua Lê Thánh Tông làm Chủ soái, trong đó Lương Thế Vinh giữ chức Sái phu, chuẩn phê bình sửa chữa thơ văn). Trải qua hơn 500 năm, di tích đã được sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được những phong cách kiến trúc truyền thống. Ngôi đền này đã được nhiều nhà khoa bảng đến thăm viếng, đề thơ ca ngợi, làm câu đối cúng. Hằng năm, không chỉ trong dịp lễ hội mà thường ngày cũng có nhiều đoàn khách tới tham quan; trong đó có nhiều giáo viên và học sinh giỏi tiêu biểu khắp mọi miền đất nước đã đến thăm quê hương Trạng nguyên, để tìm hiểu, viếng đền và tỏ lòng tôn vinh, noi gương ông. Một số đơn vị giáo dục còn tài trợ kinh phí để tôn tạo lăng mộ, xây dựng phòng truyền thống tại đền thờ. Ngoài đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh trên địa bàn xã còn có 2 ngôi đình, gồm: đình làng Trình Xuyên và đình làng Bảo Xuyên. Cả 2 ngôi đình làng đều là địa điểm quan trọng gắn với lịch sử quê hương từ những ngày đầu cách mạng đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Năm 1930, sau khi thành lập Đảng, 2 ngôi đình trở thành địa điểm thuận lợi để tổ chức Đảng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng. Đây còn là nơi tổ chức các lớp “Bình dân học vụ” và là địa điểm để thành lập, hội họp của các tổ chức đoàn thể của xã như: Đoàn Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc... Hiện nay, 2 ngôi đình vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ và là nơi sinh hoạt, hội họp, tổ chức các lễ hội của làng như lễ hội tưởng nhớ công lao của các vị tổ làng, tổ dòng họ, thổ địa… Cùng với những di sản văn hoá: đình chùa, miếu mạo..., hệ thống cổng làng trên địa bàn xã là sự ngưng kết của lối sống, phong tục tập quán và từ biểu tượng văn hoá truyền thống làng xã vẫn đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống hôm nay. Trên con đường trục xã, đi đến đâu cũng dễ bắt gặp hình ảnh cổng làng cổ. Toàn xã có 3 cổng làng, gồm: cổng làng thôn Tổ Cầu; cổng làng xóm 6, xóm 7 thôn Cao Phương. Cổng làng được xây dựng với quy mô và nghệ thuật kiến trúc độc đáo mang dáng vẻ cổ kính truyền thống đã thể hiện được hồn quê, cốt cách của làng quê. Một “nét xưa” khi về vùng quê Liên Bảo là hình ảnh giếng làng. Ngày xưa, giếng làng là nguồn nước sinh hoạt chính của nhân dân và được sử dụng vào những ngày lễ trọng của làng. Giếng làng là nguồn tụ thủy, tụ phúc của cả làng nên ở nhiều thôn, xóm trong xã khi xây dựng hương ước đều có quy định phải coi trọng, giữ gìn giếng làng như: Nghiêm cấm thả gia súc, gia cầm quanh giếng; giếng làng được cho thả sen hoặc bèo ong cho sạch nước; nghiêm cấm giết mổ súc vật quanh giếng làng... Ngày nay, dù không còn là nguồn cấp nước dùng cho dân làng, nhưng giếng làng đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn người dân và làm nên nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương. Cùng với giếng làng là hình ảnh cây đa, gốc gạo cổ thụ sừng sững tỏa bóng mát che chở, bao bọc cho làng. Trên nền tảng truyền thống của một vùng “đất học” gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Trạng nguyên Lương Thế Vinh, đến nay, truyền thống hiếu học ở Liên Bảo vẫn đang được phát huy đã tạo động lực, kết nối các thành viên trong mỗi gia đình, thúc đẩy khát vọng học hành, vươn lên trong mỗi dòng họ. Mỗi gia đình hiếu học sẽ góp phần làm nên một dòng họ hiếu học. Hiện nay, hoạt động khuyến học - khuyến tài trong các gia đình, dòng họ ở Liên Bảo được đẩy mạnh tạo điều kiện để các con cháu thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ học tập của mình. Đến nay, toàn xã có 2.400 gia đình được công nhận “Gia đình hiếu học” (tỷ lệ 83%), 9/16 dòng họ được công nhận “Dòng họ hiếu học”. Các gia đình, dòng họ còn tích cực tham gia và thực hiện tốt 5 nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng… Các ban khuyến học - khuyến tài có nhiều hình thức hoạt động phong phú, hiệu quả. Đến nay quỹ khuyến học của xã đã có trên 210 triệu đồng chủ yếu từ công tác xã hội hoá. Trong năm học 2015-2016, Hội Khuyến học xã đã trao 38 suất học bổng khen thưởng cho các em học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi với số tiền trên 4 triệu đồng. Nhiều dòng họ tiêu biểu được vinh danh như các dòng họ Phạm, thôn Thục Cầu; dòng họ Bùi, Lương, thôn Cao Phương; dòng họ Đỗ, Nguyễn, Dương, thôn Liên Phương; dòng họ Trần, Đặng, thôn Bảo Xuyên… 
 
Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Liên Bảo đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, cả 18 xóm trong xã đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; hằng năm số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” luôn đạt trên 90%. Cuộc sống của người dân trong xã ngày càng được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn 3%. Nền tảng văn hóa truyền thống của quê hương đã là nguồn nội lực để người dân xã Liên Bảo nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com