Hải Hậu phát huy vai trò nhà truyền thống, nhà lưu niệm trong giáo dục thế hệ trẻ

08:11, 11/11/2016

Những năm qua, hệ thống nhà truyền thống, nhà lưu niệm ở Hải Hậu luôn được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm xây dựng đã phát huy vai trò trong đời sống xã hội, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nhà truyền thống xã Hải Minh được xây dựng năm 2008 có diện tích trên 200m2, gồm 3 phòng với 5 gian trưng bày. Gian 1 là nơi thờ tứ tổ khai sáng nên vùng đất Quần Anh xưa và các vị tổ làng khai cơ, lập nghiệp. Gian 2 trưng bày hiện vật trong giai đoạn Cách mạng Tháng 8-1945 của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Đê (nay là xã Hải Minh). Gian 3 trưng bày những tư liệu, hiện vật trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thời kỳ 1952-1955. Gian 4 trưng bày hình ảnh, tài liệu và hiện vật trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ quê hương phát triển sản xuất chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Gian 5 trưng bày hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm xã Hải Minh; các tài liệu, hình ảnh, hiện vật thể hiện sự phát triển kinh tế của huyện; các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá của nhân dân Hải Minh. Các gian trưng bày đều thể hiện tính khoa học, tính thẩm mỹ, làm nổi bật truyền thống và những nét bản sắc của mảnh đất, con người nơi đây. Người đến tham quan, học tập, nghiên cứu tại Nhà truyền thống đều cảm nhận được dòng chảy xuyên suốt của lịch sử từ quá khứ đến hiện tại, được bồi đắp, khơi dậy niềm tự hào, trân trọng những thành quả của cha ông để lại. Có thể thấy rõ điều này qua nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật cụ thể được trưng bày tại nhà truyền thống. Tiêu biểu như: Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Đảng bộ và nhân dân xã Hải Minh, danh sách 168 Anh hùng liệt sĩ và 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Bằng phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược… Qua thời gian hoạt động, Nhà truyền thống xã Hải Minh không ngừng hoàn thiện hệ thống trưng bày; sưu tầm, bổ sung thêm tài liệu, hiện vật, làm cho các phần trưng bày ngày càng phong phú. Đến nay, Nhà truyền thống xã Hải Minh đã có trên 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh. Số người tham quan, nghiên cứu, học tập tại Nhà truyền thống ngày càng tăng. Hằng năm các trường: THCS Hải Minh A, THCS Hải Minh B, Tiểu học Hải Minh A, Tiểu học Hải Minh B đều tổ chức cho học sinh tham quan, sinh hoạt ngoại khoá, tổ chức các trò chơi dân gian tại Nhà truyền thống... UBND xã đã thành lập Ban quản lý Nhà truyền thống, đầu tư phương tiện, trang thiết bị mi-crô, loa, đài, màn chiếu, phương tiện phục vụ các đoàn học sinh các trường học trên địa bàn xã đến tham quan, tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng của quê hương.

Nhà truyền thống xã Hải Minh trưng bày trên 200 tư liệu, hiện vật và hình ảnh có giá trị lịch sử - văn hóa, truyền thống cách mạng quê hương.
Nhà truyền thống xã Hải Minh trưng bày trên 200 tư liệu, hiện vật và hình ảnh có giá trị lịch sử - văn hóa, truyền thống cách mạng quê hương.

Ngoài Nhà truyền thống xã Hải Minh, một số xã, thị trấn đã xây dựng nhà truyền thống từ rất sớm. Hầu hết hệ thống nhà truyền thống ở Hải Hậu trước kia đều là những ngôi đình cổ, được cải tạo, nâng cấp và xây dựng lại với quy mô bề thế như ngày nay. Nhà truyền thống xã Hải Trung qua nhiều lần cải tạo vẫn giữ được kiến trúc ngôi đình cổ xây dựng từ năm 1812. Đây là nhà truyền thống cấp xã đầu tiên của huyện và của tỉnh, trưng bày về truyền thống lịch sử cách mạng, những sự kiện tiêu biểu, những nét văn hoá đặc sắc của địa phương thông qua 142 hiện vật, tư liệu, hình ảnh. Trong đó có một số hình ảnh, hiện vật tiêu biểu như: Văn bản, sách lịch sử của mảnh đất Hải Trung, công trình Di tích lịch sử - văn hoá Chùa Phúc Sơn, Từ đường thuỷ tổ Trần Vu, Từ đường thuỷ tổ Hoàng Gia, Từ đường thuỷ tổ Lại Xuân Không, xóm 15; một số dụng cụ thường dùng trong gia đình của người dân Hải Trung trước đây; hình ảnh về sự phát triển kinh tế của địa phương với đa dạng sản phẩm trong nông nghiệp, nghề thủ công truyền thống, ngư nghiệp, diêm nghiệp, du lịch…, đã phản ánh rõ nét đặc trưng địa phương. Nhà truyền thống xã Hải Anh có 3 gian tiền đường của đền thờ thuỷ tổ, bên trong là cung thờ, bên ngoài là nơi trưng bày trên 400 hiện vật, hình ảnh phục vụ cho việc giáo dục truyền thống quê hương cho học sinh. Ngoài nhà truyền thống, xã đã xây dựng Nhà lưu niệm liệt sĩ Vũ Văn Hiếu. Hằng năm, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn xã đều tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về thân thế sự nghiệp, tổ chức dâng hương nhân ngày mất của chiến sĩ cách mạng Vũ Văn Hiếu; phân công cho từng khối lớp làm cỏ trong vườn, tưới nước, chăm sóc cây xanh, quét dọn vệ sinh khuôn viên… Với Trường Tiểu học Hải Anh B, cứ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, nhà trường lại tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh tại Nhà truyền thống, Nhà lưu niệm liệt sĩ Vũ Văn Hiếu của xã. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết: Việc giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh có vai trò quan trọng nhằm phát triển toàn diện nhân cách cho các em. Vì vậy, nhiều năm nay nhà trường đã thường xuyên tổ chức cho học sinh các khối tham quan, học tập tại Nhà truyền thống xã, Nhà lưu niệm liệt sĩ Vũ Văn Hiếu. Các hiện vật trưng bày tại nhà truyền thống có giá trị sâu sắc về lịch sử cách mạng của quê hương qua các thời kỳ lịch sử như: Tài liệu lịch sử của mảnh đất Quần Anh xưa, công trình cầu Ngói, chùa Lương, đền Tứ tổ; tài liệu, hiện vật về các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược… Thông qua đó, đã bồi đắp cho các em học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức, rèn luyện vươn lên trong học tập. Tại các xã Hải Phú, Hải Quang, Thị trấn Thịnh Long, hệ thống nhà truyền thống, nhà lưu niệm cũng là những “trang sử” sinh động bằng hiện vật, phản ánh quá trình đấu tranh cách mạng ở địa phương. Từ nhiều năm nay, các trường học trên địa bàn huyện đều phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội CCB, Ban văn hoá địa phương tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, tham quan, nghiên cứu, học tập tại các nhà lưu niệm, nhà truyền thống các xã, thị trấn. Ban giám hiệu các nhà trường xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên quản lý, hướng dẫn học sinh tham quan… Bên cạnh đó, hằng năm vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm truyền thống của đất nước, Ban quản lý các nhà truyền thống, nhà lưu niệm thường tổ chức các hoạt động như: kể chuyện truyền thống, nói chuyện chuyên đề về lịch sử Đảng bộ xã cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và học sinh do cán bộ lão thành cách mạng, CCB, giáo viên hoặc những người am hiểu về lịch sử, văn hoá của xã đảm nhiệm.

Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống nhà truyền thống, nhà lưu niệm ở Hải Hậu vẫn còn một số những hạn chế như: Phương thức tuyên truyền chưa khoa học, thiếu tính sáng tạo; các hoạt động ít đổi mới, chủ yếu là vào các dịp lễ kỷ niệm; đa phần chưa có cán bộ chuyên trách hướng dẫn tham quan nên chưa thu hút người xem… Để nâng cao hiệu quả hoạt động, hệ thống nhà truyền thống, nhà lưu niệm ở các địa phương cần đổi mới nội dung, hình thức trưng bày. Các cơ quan chức năng của huyện cần tìm tòi, sáng tạo những biện pháp nhằm tăng tính hấp dẫn hoạt động giáo dục truyền thống như: kết hợp nghiên cứu, tìm hiểu, học tập tại các nhà truyền thống, nhà lưu niệm với việc tham quan các di tích lịch sử - văn hoá, di tích cách mạng, đài chiến thắng, bia căm thù; tăng cường phối hợp với các trường học, xây dựng chương trình giáo dục lịch sử, văn hoá truyền thống để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ biết trân trọng và gìn giữ những giá trị lịch sử của quê hương./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



Quà tặng trống đồng Việt Nam Học phí ielts The IELTS Workshop

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com