Gìn giữ cầu gỗ mái bổi làng Kênh

03:11, 04/11/2016

Được xây dựng từ thời Lý, cây cầu gỗ theo phong cách kiến trúc độc đáo “Thượng gia hạ kiều” tại làng Kênh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích do phong hóa theo thời gian và thiếu quan tâm sát sao của ngành văn hóa địa phương.

“Trơ gan cùng tuế nguyệt”

Ông Đặng Hữu Khiên, thành viên ban văn hóa làng Kênh kể lại: cây cầu gỗ có hơn nghìn năm tuổi này đến nay vẫn giữ nguyên được kết cấu kiến trúc cổ. Cầu có 5 nhịp, mỗi nhịp từ 1,45m đến 1,65m tạo nên một công trình dài 10m, rộng 4m, cao 3m tính từ mặt sàn lên, nối hai bờ sông Hải Ninh - con sông nhỏ vốn là kênh dẫn nước từ sông Hồng vào trong đồng, được đào từ thời nhà Lý. Tương truyền, việc đào kênh khiến con đường độc đạo dẫn vào chùa Cổ Lễ bị cắt ngang. Cây cầu đã được dựng để phục vụ người dân đi lại, lễ chùa. Phải chăng đó là lý do cầu được thiết kế với kiến trúc độc đáo “thượng gia hạ kiều”. Theo mặt cắt ngang, mỗi nhịp được thiết kế như một ngôi nhà nhỏ trong ngôi nhà lớn. Khung cầu được làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Với kiến trúc cổng “tam quan” cửa đình, chùa quen thuộc. Cầu được chia làm 3 gian, với gian chính giữa phục vụ cho đi lại và 2 gian mỗi bên dùng cho nghỉ chân, hóng mát. Hệ thống khung đỡ mái của cầu gồm hai hàng cột cái, mỗi hàng 6 cột đặt sát hai bên lòng xà cầu liên kết bằng mộng. Các cột được làm bằng trụ tròn đường kính 0,17m, cao 1,65m đặt trên các đòn ngang hai bên hông cầu. Mái cầu ban đầu được lợp bổi (cây cói) được neo giữ bởi tre luồng (nay đã được người dân thay thế lợp bằng lá cọ) khá dày 70-80cm trở lên, buộc bằng sợi mây. Hệ thống cột cũ đan xen với cột mới cùng những dây níu mái bằng mây đan hình đồng tiền rất đẹp mắt. Dầm cầu được thiết kế gồm hai hàng cột giữa, bốn cột bằng gỗ lim, hai bên mố cầu bố trí bốn hàng cột trụ gỗ gắn liền với trụ đá xanh nguyên khối, nay đã thay bằng gạch; mặt cầu được lát bằng những phiến gỗ lim để người và xe ngựa qua lại; hai bên thành cầu đều có bục ngồi để khách bộ hành qua lại ngồi nghỉ ngơi trú mưa, trú nắng. Trên các lan can cầu đều có các nét chạm trổ tinh tế theo các loài hoa như hoa lục bình, hoa đào… Mái che của cầu được thiết kế tuân thủ theo hệ thống rường, cột giống như mái nhà thôn quê với các vì, kèo được gia cố buộc lại bằng sợi mây. Trên nóc vẫn giữ lối kiến trúc trùng lương, thượng và hạ lương xếp theo quy cách 3/2 gọi là “thượng tam hạ nhị”. Toàn bộ các bộ phận kiến trúc bằng gỗ chỉ chú trọng theo 2 loại tiết diện tròn và vuông. Theo cụ Lương Thế Hoạt, 85 tuổi, một bậc cao niên trong làng kể thêm, cầu đã được tu bổ nhiều lần với quy mô lớn vào các năm 1884, 1905 và 2014. Kết thúc tu bổ, thợ đều khắc ghi bằng chữ Hán trên hệ thống vì cột. Đó là vào năm “Kiến Phúc nguyên niên” (1884) và “Thành Thái thập niên” (1905). Mới đây, năm 2014, trước sự xuống cấp, nguy cơ hư hỏng của cầu, người dân quanh vùng đã vận động quyên góp mỗi nhà 100 nghìn đồng để sửa chữa, tu bổ lại mố cầu, bậc tam cấp lên xuống cũng như thay thế các cột đã mối mọt hư hỏng nặng để cây cầu có thể “cầm cự” thêm.

Cây cầu gỗ mái lợp bổi ở làng Kênh tại Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) gắn bó mật thiết với đời sống người dân nơi đây.
Cây cầu gỗ mái lợp bổi ở làng Kênh tại Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) gắn bó mật thiết với đời sống người dân nơi đây.

Cây cầu “kêu cứu”

Tỉnh ta là địa phương còn lưu giữ được 3 cây cầu mái với kiểu kiến trúc “thượng gia hạ kiều” độc đáo là cầu Ngói chợ Lương ở xã Hải Anh (Hải Hậu) và cầu Thượng Nông ở xã Bình Minh (Nam Trực) và cầu làng Kênh có tuổi đời lâu nhất và duy nhất với kiến trúc mái lợp cọ. Cầu Ngói chợ Lương và cầu Thượng Nông đã được công nhận là Di tích quốc gia nên được ngành Văn hóa và địa phương quan tâm bảo vệ. Riêng cầu làng Kênh do chưa được công nhận là di tích nên mới chỉ được người dân quan tâm, trăn trở về sự xuống cấp của cầu. Hiện tại, cây cầu gỗ vẫn là nơi nghỉ ngơi, trò chuyện của dân làng hằng ngày. Giữa cái nắng trưa gay gắt, khá nhiều người dân vẫn chọn cây cầu là nơi hóng mát. Ở giữa nhịp cầu, một nhóm các cụ già ngồi đánh cờ tướng với bàn cờ được khắc trên mặt cầu. Một số người thoải mái đánh giấc ngủ say nồng trên gian ngồi thành cầu. Theo lời các cụ cao niên ở đây, đặc biệt hơn, mặc dù nhiều người còn ngủ qua đêm hóng gió trên cầu vào những ngày hè oi bức nhưng tuyệt nhiên, trên con sông này chưa có ai từng ngã từ trên cầu hay đuối nước nơi đây. Trải qua cả 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, cây cầu vẫn dẻo dai vắt mình qua sông Hải Ninh giữ vai trò là trạm gác viễn tiêu của du kích làng Kênh, là mạch nối giao thông của các huyện phía nam tỉnh ta sang Thái Bình đi chiến khu. Dẫu vậy, sau bao năm dãi dầu mưa gió và phục vụ con người, cây cầu dù mới được tu bổ nhưng chưa thấm vào đâu so với sức tàn phá của thời gian và đang “chết dần” từng ngày. Gỗ mặt sàn cầu bị cong vênh, nhiều chỗ bị thủng dễ dàng nhìn thấy mặt sông ở dưới, mặt ván gỗ hành lang ở giữa đã mòn vẹt. Đặc biệt là 4 cột trụ gỗ đỡ thân cầu do ngâm nước lâu năm đã bị bào mòn, phần mớn nước đã thắt lại còn rất nhỏ, giảm sức chịu tải trong khi không có một biển cảnh báo. Cảnh quan nơi đây cũng không còn khoáng đạt như xưa do các nhà dân xây dựng mới xung quanh làm khuất tầm nhìn và mất đi địa thế đẹp của cây cầu. Ông Khiên cho biết: “Với chúng tôi cây cầu là một phần giá trị văn hóa của làng. Người dân rất sẵn sàng đóng góp để tu sửa cầu, nhưng do công trình chưa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, cũng chưa thấy có cơ quan quản lý nào đứng ra chỉ đạo, hướng dẫn phương án bảo tồn, bảo dưỡng duy tu nên chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi chứng kiến cây cầu ngày càng xuống cấp nghiêm trọng”! Cực chẳng đã, nhằm hạn chế các sự cố có thể xảy ra, địa phương hiện phải ngăn cấm không cho phép xe cơ giới qua lại, chỉ dành cho người đi xe đạp nhưng cũng phải dắt qua cầu và khách bộ hành, người dân ngồi nghỉ dừng chân trú mưa nắng trên cầu. Bên cạnh đó, do các bậc cao niên trong làng đều đã lớn tuổi, hàng chữ Hán trên vì kèo của cầu vẫn còn đó nhưng nhiều chữ cổ không có ai dịch nổi nên người dân quanh đây rất mong được chính quyền quan tâm, có kế hoạch khảo sát, giải nghĩa các dấu tích một cách bài bản, có hệ thống để lưu giữ toàn vẹn nhất giá trị của cây cầu.

Lưu giữ trong mình cả giá trị lịch sử lẫn tinh hoa văn hóa của cha ông nhưng đến nay, cây cầu lợp mái bổi ở làng Kênh vẫn chỉ đang “sống” trong lòng người dân nơi đây. Vì thế, rất cần địa phương, ngành chức năng quan tâm hơn nữa để đánh giá và phát huy đầy đủ các giá trị của cây cầu./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com