Xa quê đã mấy chục năm, vậy mà mỗi độ tháng Mười, những hình ảnh quen thân lại hiện về trong rưng rưng nỗi nhớ. Ấy là khi những câu thơ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn ngân rung lên biết bao xúc cảm trong lòng:
“Lúa đồng đang gặt rộ/ Cau chín ngang mái nhà/ Gió heo may gọi rét/ Cây rơm vàng như hoa”.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Thời điểm này, ngoài cánh đồng, lúa đã gặt xong, chỉ còn trơ gốc rạ. Gió lạnh đầu mùa thổi hun hút và cái nắng hanh hao làm nền ruộng nứt nẻ chân chim. Khắp sân kho, đường làng, đâu đâu cũng vàng rực màu vàng no ấm và hương thơm ngào ngạt của rơm, lúa mới. Rơm bện vào bánh xe, quyện níu chân người thân thiết. Trẻ con nhảy nhót, nô đùa trên sân rơm êm ái, mặc cho quần áo, đầu tóc dính đầy rơm. Sau những tất bật gặt hái, phơi phóng, lúa đã khô săn, nằm im trong bồ. Nhà nào ở quê cũng dựng một cây rơm vàng óng ả nơi góc sân, góc vườn, dùng làm cái đun suốt cả mấy tháng cho đến mùa vụ mới. Trên nóc cây rơm, nhiều nhà còn phủ lá chuối khô hoặc chụp lên cái nón để phòng mưa gió ngấm vào làm thối lõi. Bên cây rơm tròn xoe hình chiếc nấm, mẹ con chị mái mơ lục tục tìm những hạt thóc còn sót lại. Thỉnh thoảng, có chú gà trống bay vút lên tận đỉnh cây rơm, gáy vang rộn rã. Sáng sớm tinh mơ, các bà, các mẹ đã vội vã trở dậy, rút rơm về chuẩn bị cơm nước. Lửa rơm bập bùng, nhảy nhót trong căn bếp nhỏ, làm ửng hồng đôi má. Quanh cây rơm vàng thân thuộc ấy, bọn trẻ chúng tôi có biết bao trò nghịch ngợm. Lúc tuốt rơm tết thành cào cào, châu chấu; lúc nấp sau cây rơm chơi trốn tìm, đánh trận giả; lúc giấu mẹ ủ vào chân đống rơm mấy thứ quả xanh hái trong vườn, nhờ hơi nóng của rơm làm chín. Nhiều hôm ra ngoài bãi mót được củ khoai, củ sắn, bắp ngô, cả bọn lại về đốt rơm, vùi nướng trong đống tro hồng rực. Hương thơm, vị ngọt của khoai, sắn lùi rơm ai đã một lần được nếm thì không thể nào quên. Trước mỗi mùa đông, bà tôi ngồi tỉ mẩn bện một chiếc ổ rơm ấm áp. Gió mùa đông bắc tràn về, bọn trẻ ngồi cuộn tròn trong ổ rơm mềm mại, ăn ngô bung, đánh tam cúc rồi ngủ thiếp đi trong hương thơm của đồng ruộng bao bọc, chở che. Mẹ tôi tất bật mang rơm cho trâu bò thêm nguồn thức ăn tránh rét và trải lại chiếc ổ mới cho chị gà mái mơ đang ấp trứng. Chúng tôi đi học chẳng lo giá buốt bởi luôn có chiếc bùi nhùi rơm mang theo trên suốt chặng đường.
Dù bây giờ cuộc sống đã đổi thay, ít nhà ở nông thôn còn dùng rơm để đun nấu, những cây rơm vàng bên chái nhà cũng thưa vắng dần đi nhưng mỗi lúc nhớ về quê hương, hình ảnh cây rơm vàng vẫn hiện lên thật thân thương, gần gũi./.
Lam Hồng