Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật múa tứ linh

03:11, 04/11/2016

Trong tín ngưỡng phương Đông, các con vật tứ linh gồm: rồng (long), lân (ly), rùa (quy), phượng (phụng) tượng trưng cho điềm may mắn, thành đạt và sung túc. Hằng năm, tại khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) có hai kỳ lễ hội là Lễ Khai ấn đầu xuân mang ý nghĩa tôn vinh triều đại nhà Trần và lễ hội tháng Tám tưởng nhớ công lao các vị vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Về Thành Nam dự lễ hội, du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu lộc, cầu phúc, cầu may, mà còn được tham gia các nghi lễ tế, lễ rước, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Trong đó, sôi nổi và náo nhiệt nhất là nghệ thuật múa lân - sư - rồng. Vào những ngày này, quanh khu vực tổ chức lễ hội, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên rộn rã, kéo theo từng dòng người từ khắp nơi đổ về hân hoan thưởng thức những tiết mục độc đáo do đội múa lân - sư - rồng phường Lộc Vượng biểu diễn. Từ nhiều năm nay, đội múa lân - sư - rồng phường Lộc Vượng gồm 35 thành viên với trang phục màu vàng, thắt lưng đỏ, đầu chít khăn khéo léo điều khiển từng linh vật với những điệu múa mê hoặc lòng người. Con rồng của đội có thân bằng vải màu vàng, vây đỏ, dài hơn 35m gồm 11 khúc uốn lượn lên xuống, vòng qua lộn lại uyển chuyển, đẹp mắt đi theo quả trùy của người trưởng đoàn. Đám múa lân thường gồm 2 người, một người đội chiếc đầu lân có sừng và 1 người phất đuôi lân được làm bằng vải màu đỏ dài chừng 5m. Ngoài ra còn có trống thanh la, não bạt, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân và quan trọng nhất không thể thiếu đó là ông Địa. Múa sư tử thì khác múa lân, người múa núp kín thân mình trong bụng sư tử. Tiết mục múa sư tử gồm 6 người: 4 người múa 2 con sư tử và 2 người cầm quả cầu, múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống, chiêng. Năm nào cũng vậy, lễ hội Đền Trần với sự tham gia của đội múa lân - sư - rồng phường Lộc Vượng khiến không khí nơi đây càng rộn ràng, náo nức. Ngoài việc biểu diễn phục vụ các lễ hội lớn, đội múa lân - sư - rồng phường Lộc Vượng còn được mời đi biểu diễn tại các sự kiện văn hóa - thể thao và một số lễ hội lớn ở các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam…

Múa rồng truyền thống tại Lễ hội Trần 2016.
Múa rồng truyền thống tại Lễ hội Trần 2016.

Huyện Mỹ Lộc là vùng đất cổ. Hiện nay, nhiều địa phương trong huyện đã quan tâm, khôi phục loại hình nghệ thuật múa tứ linh truyền thống. Tiêu biểu như: Xã Mỹ Hưng có 2 đội múa rồng; xã Mỹ Thắng có 3 đội múa lân - sư - rồng; xã Mỹ Phúc có 1 đội múa rồng; xã Mỹ Hà có 1 đội múa sư tử… Các cụ cao niên cho biết: Nghệ thuật múa tứ linh truyền thống nơi đây có từ hơn 100 năm trước, xuất phát từ các hội làng với nhiều “nghệ sĩ” điêu luyện, có tiếng và được nhiều người mến phục. Trải qua một thời gian dài trầm lắng bởi chiến tranh, ngày nay, nghệ thuật múa tứ linh đang dần được khôi phục. Các đội múa lân - sư - rồng ở các xã thường có từ 15-25 người dày dặn kinh nghiệm thường xuyên tự “làm mới” mình với nhiều tiết mục phong phú. Đối với múa rồng, các thành viên biểu diễn được nhiều điệu múa khó như: “Rồng phun lửa”, “Rồng chầu”, “Rồng vờn mây” “Rồng múa dưới nước”… Đối với múa lân, các thành viên đã kết hợp hài hòa giữa võ thuật, sức khỏe cùng sự khéo léo, cẩn trọng trong mỗi bước nhảy thể hiện những bài múa độc đáo như: “Lân chầu”, “Lân sư giao đấu”, “Lân sư kiệu”… Hiện nay, vào ngày đầu năm mới, lễ Phật đản, lễ hội Đền Trần và các lễ hội ở các di tích lịch sử - văn hóa như: Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc; Đình Cao Đài, xã Mỹ Thành; Đình Cả, Đình Phương Bông, xã Mỹ Trung… đều có sự “góp mặt” của các đội múa tứ linh.

Huyện Vụ Bản là vùng quê còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán đặc sắc về tín ngưỡng dân gian. Trong lễ hội hằng năm tại Khu di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy, xã Kim Thái, phần lễ thường diễn ra các hoạt động tế, rước thỉnh kinh, rước đuốc; phần hội có thi hát chầu văn, hoa trượng hội, thả rồng bay, thi đấu các môn thể thao truyền thống như vật, cờ người, múa rối nước… Đặc biệt, trong ngày hội lớn nhất ở Vụ Bản này có sự tham gia của các đội múa tứ linh ở các xã: Vĩnh Hào, Thành Lợi, Đại Thắng, Quang Trung, Hợp Hưng, Đại An, Tân Thành… góp phần tạo nên không khí sôi nổi, náo nhiệt trong ngày hội quê hương. Xã Đại Thắng là địa phương có nhiều đội múa tứ linh nhất huyện. Loại hình nghệ thuật múa tứ linh ở xã có từ rất lâu, bắt nguồn từ làng Thi Liệu (gồm các xóm Thanh Ý, Đồng Hòa, Thái Hưng và xóm Tiên), nơi có đình, đền, chùa thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ - một võ tướng nổi tiếng có nhiều công trạng dưới triều Ngô, Đinh. Vào ngày 16-11 âm lịch hằng năm, làng Thi Liệu tổ chức hội làng với nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống, trong đó có múa tứ linh… Từ làng Thi Liệu, đến nay múa linh vật đang được gìn giữ và phát huy. Toàn xã có 12/17 xóm thành lập đội múa tứ linh với đầy đủ các con linh vật trong tín ngưỡng dân gian: long, ly, quy, phụng. Ngoài ra, trong các ngày hội làng Thi Liệu, Thiện An, Thượng Linh, Đông Linh…, hình ảnh “rồng bay, phượng múa” đi trước kiệu thờ Thành hoàng làng đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm với người dân nơi đây. Tại các làng: Vĩnh Lại, Cựu Hào, Đại Lại, Tiên Hào, Hồ Sen (xã Vĩnh Hào) nghệ thuật múa lân - sư - rồng cũng đang được duy trì và phát triển. Thành viên trong các đội có từ 15-20 người, bao gồm các thành phần như: thanh, thiếu niên trong làng, công chức nghỉ hưu đến những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Trong mỗi đội, ngoài người múa chính còn nhiều vai hoạt náo như: thằng hề, thằng ngô, người múa sinh tiền, ông Địa… Các đội đã thể hiện được nhiều điệu múa kết hợp với những thế võ độc đáo như: Ngũ Phúc Lâm môn, Tứ Quý Hưng Long…

Hằng năm, vào dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, lễ mừng thọ đầu xuân, lễ hội truyền thống tại các làng… diễn ra nhiều trò chơi dân gian, trong đó không thể thiếu tiết mục múa lân - sư - rồng. Ở huyện Ý Yên, múa tứ linh khá phổ biến, đặc biệt là tại các vùng quê Yên Hồng, Yên Đồng, Yên Tiến, Yên Ninh… Nhiều làng ở đây khi tết đến, xuân về còn tổ chức thi múa rồng với các điệu rồng chầu, rồng lượn, rồng bay, rồng uốn khúc… Tất cả những uốn lượn tạo hình vô cùng sinh động của điệu múa rồng đã tạo cho không khí ngày xuân thêm vui tươi, gửi gắm ước mong cho mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp lúa nước. Đặc biệt, trong dịp Tết Trung thu, các đội múa tứ linh ở từng xã dẫn từng đoàn đại biểu, thanh niên, học sinh đến nghĩa trang liệt sĩ của xã dâng hương tưởng nhớ công lao các liệt sĩ của quê hương… Cùng với những vùng đất nhiều trầm tích văn hoá như Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên, ngày nay, người dân ở các xã: Hải Đông, Hải Hưng, Hải Anh (Hải Hậu); Xuân Hồng, Xuân Phong, Xuân Kiên (Xuân Trường); Giao Thanh, Bình Hoà (Giao Thuỷ); Hoàng Nam (Nghĩa Hưng); Nam Cường, Nam Thanh (Nam Trực); Trực Thái, Trực Cường (Trực Ninh)… các đội, CLB múa tứ linh đang ngày càng được khôi phục và phát huy trong nhiều lễ hội, sự kiện.

Để phát huy hiệu quả hoạt động của các đội, CLB múa tứ linh truyền thống, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đội, CLB hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, các đội múa tứ linh cần năng động, sáng tạo, tìm ra các phương thức hoạt động theo phương châm xã hội hóa để duy trì hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tâm linh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com