Cuối tuần, bạn rủ về quê đụng lợn. Qua chặng đường đê dài dằng dặc, về đến quê bạn, mỗi người đã được chia đều một phần trên lá chuối. Thịt lợn sạch, chỉ nuôi bằng cám gạo và rau nên mỡ nhiều, nạc ít. Bạn bảo rán một ít mỡ cho trẻ con ăn dần. Hì hụi cả buổi trưa lọc bì, thái mỡ. Nghe chảo mỡ sôi xèo xèo trên bếp, thấy như được trở lại những năm tháng tuổi thơ nghèo khó mà vui.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Ngày ấy, thịt lợn còn là một thứ vô cùng xa xỉ, thường thì chỉ vào những dịp giỗ, Tết mới được ăn nên trẻ con đứa nào cũng mong ngóng. Con lợn nuôi dân dã, chăm bẵm cả năm chỉ nặng mấy chục cân, thịt chắc và thơm ngậy. Cuối năm, hàng chục nhà trong xóm mới dám chung nhau đánh đụng một con. Ngày ngả lợn ra vui như thấy Tết đã đến gần, trẻ con chạy lăng xăng chờ được cho cái đuôi mang đi luộc chia nhau. Mỗi nhà đều được chia một phần để chế biến đủ các món cho ngày Tết: thịt nạc bó giò, bì làm nem, xương hầm măng khô, mỡ thì rán lên dành để xào nấu. Tôi nhớ mỗi lần rán mỡ, mùi thơm bay ra tận ngõ. Âm thanh xèo xèo của những miếng mỡ trắng ngần đang tan thành nước, tóp dần lại nghe thật vui tai. Mẹ sợ các con bị bỏng, không cho bén mảng vào trong bếp nên mấy chị em cứ đứng lấp ló bên ngoài, chờ mẹ rán xong để ăn tóp mỡ. Ngày đông giá rét, nước mỡ còn ấm gạn vào âu sành, để một lúc đã đông cứng lại. Mẹ cẩn thận đặt âu mỡ vào một nồi nước to để kiến không bò vào. Mỡ khan hiếm, phải dùng dè sẻn, thỉnh thoảng mới dám quẹt một ít để xào rau. Nhưng đến bữa cơm, các con vòi vĩnh, mẹ cũng xúc cho mỗi đứa một thìa. Cơm nóng trộn với mỡ đông, rưới thêm chút nước mắm ăn ngon không tả xiết. Còn tóp mỡ kho với tép khô, chưng với mắm, xào với dưa chua cũng thật đậm đà. Nhưng chúng tôi thích nhất là được ăn những chiếc tóp mỡ dính chút nạc nóng hổi, giòn rụm, vàng tươi mới được vớt ra khỏi chảo vừa béo vừa bùi.
Sau này, khi cuộc sống ngày càng no ấm, đủ đầy, ở quê cũng chẳng mấy nhà còn ăn tóp mỡ. Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, mẹ lại cười vui: “Của không ngon, nhà đông con cũng hết”. Nhưng đối với chúng tôi, những đứa trẻ từng trải qua những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn, âu tóp mỡ trong chạn bếp mãi là một phần nỗi nhớ. Thỉnh thoảng gặp nhau, chúng tôi thường xuýt xoa nhắc lại cảm giác sung sướng khi đi học về, giữa một chiều tháng Chạp rét tái tê, cầm chiếc tóp mỡ béo ngậy, nóng giòn trên tay vừa thổi phù phù vừa cho vào miệng./.
Lam Hồng