Trực Ninh đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

06:10, 08/10/2016
Những năm qua, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, trong đó tập trung thực hiện phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hóa”. Đến nay, phong trào đã có sức lan tỏa sâu rộng, tác động tích cực tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào việc thực hiện nếp sống văn minh nông thôn.
 
Trong quá trình thực hiện phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lấy thôn, xóm, tổ dân phố (TDP) làm địa bàn, gia đình là hạt nhân; xác định gia đình là yếu tố quan trọng, là môi trường hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, tạo nguồn lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp. Các xã, thị trấn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhiều hoạt động thiết thực: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Hội CCB với phong trào “Gia đình hội viên gương mẫu”. Hội Người cao tuổi thực hiện “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”... Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. Đến nay, cả 21 xã, thị trấn trong huyện đều có tỷ lệ gia đình văn hoá luôn đạt từ 80-95%. Đến hết tháng 6-2016, toàn huyện có 46.477/56.677 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” (đạt tỷ lệ 83%); 42.507 gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; 6.435 gương người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến về xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Trong đó có 13 gia đình văn hoá tiêu biểu nhiều năm liền được UBND huyện khen thưởng; tiêu biểu như gia đình các ông, bà: Bùi Ngọc Hiệp, xã Trung Đông; Phạm Văn Thành, xã Phương Định; Trần  Văn Sỹ, xã Việt Hùng; Nguyễn Đức Thái, xã Trực Nội; Lâm Thị Sào, xã Trực Hùng; Trần Thị Trọng Liên, xã Trực Mỹ; Phạm Xuân Hướng, xã Trực Khang… Việc thực hiện các nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình và cộng đồng. Hằng năm, công tác bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” được các TDP, thôn, xóm tổ chức công khai, dân chủ, đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn. Trong tiêu chuẩn đăng ký xây dựng gia đình văn hoá ở các địa phương trong huyện đều có cam kết nội dung về không vi phạm các tệ nạn xã hội. Phong trào sinh đẻ kế hoạch, phấn đấu mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con để nuôi dạy tốt được đông đảo nhân dân hưởng ứng thực hiện và đây là một tiêu chí quan trọng để xét chọn danh hiệu gia đình văn hoá. 
Làng quê xã Trực Thuận trong công cuộc đổi mới.
Làng quê xã Trực Thuận trong công cuộc đổi mới.
Trong việc thực hiện phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá làng quê. Các địa phương trong huyện đều xây dựng quy ước nếp sống văn hoá trên cơ sở kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống trong các bản hương ước cổ, đồng thời bổ sung những quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay. Nhiều xã, thị trấn đã chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện tốt hương ước, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy ước nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Trong việc cưới, nhiều thủ tục rườm rà, lạc hậu được xóa bỏ, một số mô hình tổ chức cưới gọn nhẹ, tiết kiệm được nhân dân ủng hộ. Các lễ tang được tổ chức trang trọng, đảm bảo vệ sinh; việc quy hoạch nghĩa trang, thống nhất quy mô, việc xây cất mộ phần được chú trọng. Các địa phương có lễ hội được tổ chức đúng quy định, bên cạnh phần lễ là phần hội; các hoạt động văn hoá thể thao truyền thống ngày càng được quan tâm. Đến nay, toàn huyện có 46/46 cơ quan, 80/92 trường học, 21/21 trạm y tế được công nhận đơn vị có “Nếp sống văn hóa”; 331/391 thôn, xóm, TDP đạt danh hiệu “Làng, TDP văn hoá”, trong đó, nhiều làng, TDP văn hoá tiêu biểu như: TDP Trần Phú, Thị trấn Cổ Lễ; thôn Đại Thắng 5, xã Phương Định; xóm 21, xã Trung Đông; xóm Trung Thành 2, xã Việt Hùng; thôn Thái Lãng, xã Trực Nội; xóm Nam Cường, xã Trực Tuấn, xóm Tây Đường 2, xã Trực Phú; làng Cự Phú, xã Trực Hưng; thôn 17, xã Trực Đạo… Hằng năm, lễ đón bằng công nhận danh hiệu “Làng, TDP văn hoá” ở các địa phương trong huyện đã trở thành ngày hội văn hoá, là niềm vinh dự tự hào nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng cộng đồng của nhân dân. Qua việc triển khai phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, cơ sở vật chất và các thiết chế sinh hoạt văn hoá ở các địa phương trong huyện được đầu tư xây dựng, cảnh quan môi trường được vệ sinh sạch đẹp; các chỉ tiêu về y tế, giáo dục được thực hiện tốt; an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; người dân sống có kỷ cương, nền nếp, tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân. Công tác khuyến học, khuyến tài được nhân rộng. Toàn huyện có 141 dòng họ được trao tặng bức trướng khuyến học, khuyến tài; tiêu biểu như các xã: Trực Đại, Trực Hùng, Trực Thanh, Trực Chính, Trực Nội, Trực Hưng, Thị trấn Cổ Lễ, Trực Mỹ, Phương Định… Trong 5 năm xây dựng NTM, cùng với nguồn vốn của Nhà nước, huyện đã huy động được 47 tỷ 250 triệu đồng từ nguồn ngân sách xã hội hoá để xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao gắn với các tiêu chí NTM, khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hoá, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhiều địa phương làm tốt công tác xã hội hoá trong việc xây dựng NVH thôn, xóm, TDP như các xã: Trực Chính, Trực Mỹ, Trung Đông, Việt Hùng, Trực Hưng, Thị trấn Cổ Lễ, Trực Phú… Trong số 15 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM, các NVH được xây dựng với diện tích đảm bảo theo quy định từ 500m 2 trở lên đối với NVH xã, 350m 2 trở lên đối với NVH thôn, xóm. Hiện tại, 100% các xã, thị trấn trong huyện đều quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng NVH thôn, xóm. Toàn huyện hiện có 20 NVH xã, thị trấn, trên 200 NVH thôn, xóm, TDP, trong đó có khoảng 60% số NVH được xây mới đạt chuẩn NTM. Việc huy động sức người, sức của hoàn thiện hệ thống NVH được nhân dân hưởng ứng tích cực. Ở thôn Sa Nhì, xã Trực Nội có một cá nhân ủng hộ 200 triệu đồng để xây dựng NVH. Thôn Nam Ngoại, xã Trực Mỹ, nhân dân đã góp sức đóng gạch ngói xây dựng NVH. Xóm Cường Phú, Nam Cường, Cường Hải (xã Trực Đại) huy động nhân dân đóng góp trên 400 triệu đồng xây dựng NVH và các thiết chế văn hoá… Hệ thống NVH, đặc biệt là NVH cơ sở đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, làm cho cảnh quan các làng quê trong huyện ngày thêm khởi sắc. Từ khi xây dựng NVH, chất lượng hoạt động của các đoàn thể của các xã trong huyện chuyển biến về nhiều mặt, nếp sống sinh hoạt thường ngày của người dân có nhiều tiến bộ. Nhiều tổ, đội CLB được thành lập và hoạt động hiệu quả như: CLB văn nghệ quần chúng Thị trấn Cổ Lễ và các xã Liêm Hải, Phương Định, Trực Thuận; CLB thơ ở các xã Trực Đạo, Trực Tuấn; CLB chèo, CLB múa sơn quân xã Trực Cường; CLB dưỡng sinh Thức vũ kinh xã Trực Mỹ, Trực Khang và các đội kèn đồng, trống, trắc ở các xã Trực Hùng, Trực Đại…
 
Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; trong đó trọng tâm là xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá. Huy động các nguồn lực xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở; nâng cao chất lượng đăng ký, kiểm tra, phúc tra các danh hiệu thi đua của các đơn vị theo quy định. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với MTTQ các cấp để tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng đời sống văn hoá; khuyến khích các hoạt động văn hóa, thể thao, thành lập các CLB quần chúng, góp phần đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, hướng con người tới lối sống tốt đẹp và văn minh./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com