Tân Thành bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống

09:10, 14/10/2016

Xã Tân Thành (Vụ Bản) là vùng đất cổ - nơi lưu đậm dấu ấn văn hóa của đất “Thiên Bản lục kỳ” xưa. Dấu ấn văn hoá truyền thống nơi đây được thể hiện thông qua các biểu trưng từ cây đa, giếng nước, mái đình, bến sông đến những phong tục, lối sống, lễ hội… Trong quá trình đô thị hóa nông thôn, xã Tân Thành vẫn gìn giữ và phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống.

Không gian cổ kính làng Bách Cốc, xã Tân Thành.
Không gian cổ kính làng Bách Cốc, xã Tân Thành.

Trên địa bàn xã hiện có Đình làng Tân Cốc được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đình làng Tân Cốc thờ Hoàng tử Linh Lang (Linh Lang Đại vương) - vị thần được thờ theo tín ngưỡng thờ Thủy thần gắn với văn hóa trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp. Ngoài ra, đình còn phối thờ “Thập lục gia tiên” là các vị tổ của 16 dòng họ có công mở đất, dựng làng. Theo hồ sơ di tích, Đình làng Tân Cốc được xây dựng từ thời Lê Sơ (1428-1527). Đến thời Nguyễn, đình được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Về kiến trúc, Đình làng Tân Cốc tọa lạc trên khuôn viên rộng gần 6.000m2, gồm các hạng mục: cổng, nghi môn, bình phong và hệ thống các hạng mục như tiền đường, trung đường, cung cấm được lắp dựng bằng gỗ lim với hơn 20 gian. Hiện tại Đình làng Tân Cốc còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật như: bia đá niên hiệu Chính Hòa 18 (năm 1697), hệ thống ngai và bài vị thờ Đức Thánh Linh Lang Đại vương, kiệu bát cống mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Hằng năm, tại Đình làng Tân Cốc diễn ra nhiều lễ hội với các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian truyền thống như: “Lễ tống cựu, nghinh tân”, “Lễ thượng điền”, “Lễ hạ điền”, “Lễ thường tân” (cơm mới). Vào ngày 10-3 âm lịch, nhân dân mở hội làng với phần lễ và phần hội trang nghiêm, nhằm tri ân công đức Đức Thánh Linh Lang Đại vương và “Thập lục gia tiên” đã có công khai lập và bảo vệ làng, xã với các nghi thức trang trọng như: Rước kiệu, cúng thánh, thả đèn hoa đăng, lễ cầu siêu, lễ cầu an... Trải dài lịch sử hình thành và phát triển, từ xưa, vùng đất Tân Thành đã mang trong mình vẻ trang nghiêm, cổ kính với những tên làng cổ như: Tân Cốc, Bách Cốc… Mỗi làng cổ mang một dấu ấn riêng cùng những giá trị văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc. Theo lịch sử họ Bùi ở làng Bách Cốc, cách đây 600 năm, 12 gia đình có nguồn gốc từ Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Phú cùng lánh nạn ngoại xâm phương Bắc, đã dừng chân tụ tập tại đây, khai phá đất hoang lấy việc cấy cày và chài lưới làm kế sinh nhai. Với ước vọng có nhiều chủng loại lương thực cung cấp cho con cháu no đủ, nên đặt tên cho mảnh đất này là Bách Cốc. Theo các nhà khoa học, hiện nay, làng Bách Cốc có 35 bản văn bia; nhiều văn bia có từ 1.000-2.000 chữ. Trong đó, văn bia sớm nhất là Hương Cái am bi, lập vào năm Sùng Khang thứ 8 thời Mạc Mậu Hợp (1573); văn bia có niên đại muộn nhất là Hậu Kỵ điều lệ bi văn ở nhà thờ họ Nguyễn Như, lập vào năm Bảo Đại thứ 16 (1941). Các văn bia ở Bách Cốc rất đa dạng gồm: Văn bia chùa, văn bia từ đường, bia lăng mộ, bia chân dung... Ở Bách Cốc có hai quan Thái giám thời Lê Mạt là Phương Quận công Nguyễn Công Triều và Bái Quận công Nguyễn Công Thiệu. Lăng mộ Nguyễn Công Triều gọi là Lăng Đá được tạo dựng năm Canh Thìn (1700) còn Lăng mộ Nguyễn Công Thiệu gọi là Lăng Gạch có một hệ thống văn bia phong phú với văn bia của hai giáp Đông, Đoài và bốn giáp của xã Bách Cốc xưa thuộc tổng Trình Xuyên, huyện Thiên Bản…

Cùng với các giá trị văn hóa được lưu giữ qua di sản văn hoá, các làng, xóm ở Tân Thành còn bảo lưu, gìn giữ các giá trị văn hóa thông qua việc duy trì nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, dòng họ. Người dân trong làng phải tuân theo các quy định về giữ gìn thuần phong mỹ tục qua việc thực hiện hương ước. Tại các làng Tân Cốc, Bách Cốc…, nhiều thuần phong mỹ tục truyền thống vẫn được duy trì qua việc thực hiện hương ước; những giá trị luân thường đạo lý, phẩm hạnh con người theo quan niệm đạo đức truyền thống trong gia đình và xã hội được đề cao. Những tục lệ đầu năm như: Lễ động thổ, tục lệ trong đêm Trừ tịch, lễ Khai hạ, lễ Thần nông, lễ Tịch điền, lễ Thượng Nguyên hay cúng Rằm tháng Giêng, cúng Thổ công cũng được nhân dân ở các địa phương lưu giữ, bảo tồn. Từ lâu, thờ cúng tổ tiên là ý thức của các con cháu trong dòng họ và đã trở thành đạo lý của người dân Tân Thành. Trên địa bàn xã có 12 từ đường, nhà thờ tổ. Tiêu biểu là từ đường các dòng họ: Nguyễn Công, Nguyễn Tài, Nguyễn Như, Vũ, Bùi, Phạm, Đình... Các di tích từ đường đều lưu giữ được khối kiến trúc cổ và các lễ nghi truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh và niềm tự hào truyền thống của con cháu trong dòng họ. Hằng năm tại từ đường diễn ra các nghi lễ tế, rước, các hình thức sinh hoạt văn hoá. Qua đó, nhiều nét đẹp văn hoá, trò chơi dân gian được con cháu trong dòng họ gìn giữ và phát huy. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo, lòng hiếu học, lòng yêu nước của người dân Tân Thành từ xưa đến nay. Là địa phương có truyền thống hiếu học, hoạt động khuyến học trong các dòng họ ở Tân Thành đang ngày càng được phát huy. Các ban khuyến học các dòng họ có nhiều hình thức hoạt động phong phú, hiệu quả.

Đến nay, 90% gia đình trong các dòng họ tham gia công tác khuyến học. Toàn xã có 5 dòng họ đã được công nhận “Dòng họ văn hoá - Dòng họ hiếu học”. Các dòng họ được công nhận đều không có con em bỏ học, mắc các tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật; tích cực tham gia và thực hiện tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Trong năm học 2015-2016, Hội Khuyến học xã đã tặng thưởng 90 phần quà cho các cháu học sinh có thành tích tốt trong học tập với số tiền trên 50 triệu đồng.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tân Thành đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, xã có 8/9 xóm đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, 80% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao được đẩy mạnh góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com