Đang chuẩn bị đến trường thì con gái phụng phịu đưa ra chiếc áo bị tuột cúc, nhờ mẹ khâu hộ. Lục tung các xó tủ tìm hộp kim chỉ mà không thấy. Đành an ủi con mặc tạm rồi chiều về khâu sau mà lòng áy náy không yên.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Lâu lắm rồi, những phụ nữ thời hiện đại như chúng tôi chẳng mấy ai còn dùng đến cây kim, sợi chỉ. Áo quần sẵn có, mặc chưa kịp cũ đã bỏ đi, có phải sửa sang gì lại mang ra ngoài hàng. Chẳng như các bà các mẹ nông thôn ngày trước, ai cũng không thể thiếu hộp kim chỉ trong nhà. Ngày ấy, cái ăn cái mặc còn thiếu thốn lắm. Mùa đông giá rét, trẻ con làng tôi chỉ phong phanh mấy manh áo mỏng đến trường. Người già thì thêm chiếc áo bông chần, ngồi co ro trong ổ rơm cho đỡ lạnh. Áo cũ, áo rách của các anh chị lớn đều được tận dụng sửa sang, khâu vá lại cho các em nhỏ nên nhiều cái chằng đụp những mụn vá. Bà ngoại tôi có một chiếc giỏ đựng kim chỉ làm bằng cói vùng Kim Sơn (Ninh Bình), lâu ngày đến nỗi những sợi cói đã ngả màu, vậy mà bà vẫn nâng niu, gìn giữ. Trong cái giỏ cói, bà đựng mấy cuộn chỉ đen, trắng, một vỉ kim do mẹ tôi được phân phối, những miếng vải đủ sắc màu và những chiếc cúc to nhỏ đủ loại. Mỗi lúc rỗi rãi hoặc ngày mưa gió, bà lại mang giỏ kim chỉ, đống quần áo cũ của cả nhà ra cặm cụi ngồi khâu vá. Bà lựa miếng vải đồng màu với chỗ rách, đôi tay khéo léo vừa giữ miếng vá, vừa luồn kim thoăn thoắt. Các mũi chỉ đều tăm tắp, nhỏ mịn và thẳng như máy may. Trẻ con chúng tôi nghịch ngợm, hiếu động, suốt ngày leo trèo cây, ngồi lê la đất cát nên quần áo thường xuyên bị rách, thủng. Mỗi khi bà ngồi khâu vá, các cháu lại xúm xít xung quanh, chờ bà khâu hết chỉ là tranh nhau nhận phần xâu kim. Vừa khâu, bà vừa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cổ tích, dạy chúng tôi những bài học giản dị mà thấm thía về cuộc sống bằng cả một kho tàng những câu ca dao, tục ngữ. Có lần, thấy tôi ngại ngùng, xấu hổ khi mặc chiếc áo vá, gặp mấy đứa bạn phải lấy nón che đi, bà ngoại ân cần bảo, “đói cho sạch, rách cho thơm”. Khi chúng tôi lớn lên, mấy đứa cháu gái đều được bà tỉ mỉ dạy cho từ cách đơm cúc, thùa khuy, khâu mụn vá đến cách mạng lỗ thủng nhỏ để tấm áo luôn lành lặn, đẹp đẽ.
Trong cuộc sống hiện đại với bao bộn bề, gấp gáp, những cây kim, sợi chỉ dù không còn quá cần thiết với mỗi người phụ nữ, nhưng mỗi khi cầm đến nó, lòng lại rưng rưng nhớ về những người mẹ, người bà tảo tần của một thời khó khăn, lam lũ./.
Lam Hồng