Những năm qua các đơn vị trực thuộc Sở VH, TT và DL, Phòng VH, TT các huyện, thành phố cùng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như: xem phim lịch sử, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa…, góp phần phát huy giá trị các di sản, thiết chế văn hóa, tăng cường giáo dục lịch sử dân tộc, truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương cho học sinh.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định) tìm hiểu nghệ thuật viết thư pháp tại Bảo tàng tỉnh. |
Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh đã phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố tổ chức các buổi chiếu phim về chủ đề lịch sử cách mạng; qua đó giúp học sinh tiếp thu các sự kiện lịch sử một cách trực quan, sinh động, dễ nhớ. Với bậc tiểu học, các em được tiếp cận lịch sử qua những thước phim hoạt hình lịch sử như: “Trần Quốc Toản”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Kim Đồng”, “Hào khí ngàn năm”, “Cậu bé cờ lau”… Đối với bậc THCS và THPT, các em được xem những bộ phim tài liệu, phim lịch sử có nội dung sâu sắc như: “Nhà tiên tri”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Người con gái đất đỏ”, “Những giây phút cuối của Bác Hồ”, “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”, “Thầu Chín ở Xiêm”… Buổi chiếu phim tại Trung tâm Điện ảnh Sinh viên (TP Nam Định) đã đọng lại trong lòng thầy, trò Trường THPT Ngô Quyền những ấn tượng sâu sắc. Bộ phim tài liệu “Những giây phút cuối của Bác Hồ” kể về những giây phút cuối cùng về cuộc đời Bác kính yêu với âm nhạc, giọng đọc truyền cảm đã gây xúc động mạnh trong tâm hồn các em. Còn bộ phim “Sống cùng lịch sử” là câu chuyện của nhóm bạn trẻ trong một chuyến du lịch về Điện Biên tình cờ “bước” vào giấc mơ trở thành những dân công kéo pháo, đào hầm trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Thầy giáo Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực hiện văn bản phối hợp liên ngành giữa Sở VH, TT và DL và Sở GD và ĐT, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Nam Định tổ chức cho học sinh xem các bộ phim về đề tài lịch sử. Đây là phương pháp giáo dục tạo sự hứng khởi cho học sinh, góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ”. Cùng với xem phim, một số trường đã tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa tại Bảo tàng tỉnh, Cột Cờ Nam Định... Vừa qua, Hội trại “Trung thu xưa và nay” tổ chức tại Bảo tàng tỉnh có sự tham gia của các trường THCS: Lý Tự Trọng, Tống Văn Trân, Lộc Vượng, Hàn Thuyên (TP Nam Định) với nhiều hoạt động như: Triển lãm ảnh “Trung thu xưa và nay”; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động tìm hiểu sự tích Tết Trung thu, trải nghiệm làm bánh Trung thu, làm đèn ông sao, làm trống bỏi, nặn tò he cùng các nghệ nhân… Hội trại đã giúp học sinh hiểu hơn về Tết Trung thu truyền thống, góp phần tôn vinh và bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc. Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Thực hiện đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, NVH, CLB”, đã có nhiều trường ở các cấp học đăng ký các chương trình hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh như tổ chức các trò chơi dân gian; hướng dẫn các em tham quan, học tập các nội dung trưng bày về lịch sử xã hội tỉnh Nam Định với các chủ đề: “Nam Định - Mảnh đất ghi đậm dấu ấn người Việt cổ”, “Văn hóa thời Lý trên đất Nam Định”, “Hành cung Thiên Trường qua hệ thống di sản văn hóa thời Trần”, “Sưu tập hiện vật thời Lê, Nguyễn”, “Dấu ấn Thành Nam xưa”, “Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định”, “Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”. Những trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng tỉnh đã góp phần giúp các em học sinh rèn luyện kỹ năng sống, bổ sung kiến thức lịch sử hỗ trợ các bài học trên sách vở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Công tác giáo dục lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ qua các hoạt động văn hóa còn thể hiện rõ nét ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tại huyện Nghĩa Hưng, Phòng GD và ĐT, Phòng VH-TT huyện đã ký chương trình phối hợp thực hiện nếp sống văn minh trong trường học. Trong đó có nội dung các trường đảm nhận việc chăm sóc và giáo dục truyền thống cho học sinh qua các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương. Tại Trường THCS Nghĩa Phú, mỗi tháng học sinh đều thực hiện tổng vệ sinh trong khuôn viên di tích lịch sử - văn hóa đền Bình Hải. Bên cạnh đó, nhà trường phân công giáo viên tổ chức giới thiệu cho học sinh hiểu về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích. Tại khu di tích lịch sử - văn hóa Đền, chùa Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam hằng năm trường THCS xã đều tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú; tổ chức dâng hương cùng địa phương nhân ngày mở hội; phân công cho từng khối lớp làm cỏ trong vườn, tưới nước, chăm sóc cây xanh, quét dọn vệ sinh trong khu nội tự đền, chùa… Ở huyện Xuân Trường, Phòng VH-TT huyện tích cực phối hợp với Phòng GD và ĐT triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích. Các trường tiểu học và THCS tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của quê hương. Trường THCS xã Xuân Thủy xây dựng mô hình “Di tích lịch sử em chăm”, thường xuyên tổ chức cho học sinh chăm sóc khuôn viên di tích Đền Xuân Hy... Ở các địa phương có di tích liên quan đến cách mạng, trước ngày tổ chức lễ hội, các trường đều tổ chức giáo dục truyền thống cho học sinh ngay tại các điểm di tích. Qua mỗi lần tham quan, một số trường học còn cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Tại huyện Hải Hậu, từ nhiều năm nay các trường học trên địa bàn huyện đều phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội CCB địa phương tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho học sinh. Vào các ngày lễ lớn của dân tộc, của địa phương, các trường tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, thăm hỏi tân binh nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, giúp gia đình chính sách bằng những việc làm mang tính giáo dục sâu sắc... Đặc biệt, tại xã Hải Anh, hằng năm vào các dịp lễ, các ngày kỷ niệm truyền thống của đất nước, địa phương, tại nhà truyền thống xã thường tổ chức các hoạt động như: Kể chuyện truyền thống, nói chuyện chuyên đề về lịch sử Đảng bộ xã cho học sinh.
Công tác giáo dục lịch sử, truyền thống qua các hoạt động văn hóa đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ở các trường học trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Viết Dư