Đặc sắc giá trị kiến trúc các di tích lăng, miếu

09:10, 21/10/2016

Trên địa bàn tỉnh hiện còn bảo tồn được hàng chục di tích lăng, miếu để nhân dân tưởng nhớ, thờ phụng các vị thánh thần, những nhân vật lịch sử có công với đất nước; trong đó một số lăng, miếu tiêu biểu được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa như: Lăng Mẫu Liễu Hạnh, xã Kim Thái (Vụ Bản); Miếu Trúc và mộ các nhân vật lịch sử liên quan, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc); Lăng mộ Quận công Vũ Công Chấn, xã Đại An (Vụ Bản); Miếu Quận công, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường).

Lăng Mẫu Liễu Hạnh được xây dựng năm 1938 ở xã Kim Thái (Vụ Bản) nằm trong quần thể di tích Phủ Dầy. Lăng làm hoàn toàn bằng đá theo kiểu hình vuông, từ phía ngoài vào tới mộ có 5 vòng tường. Hướng chính của lăng là hướng tây quay về núi Tiên Hương, các phía còn lại đều có cửa; các cửa được bổ trụ trên đặt các nụ sen bằng đá đỏ và đều có bậc tam cấp để lên xuống. Lăng được xây cao dần. Lớp tường thứ nhất và thứ 2 bằng nhau; từ lớp tường thứ 3 mặt nền được nâng dần và đỉnh là phần mộ Mẫu Liễu Hạnh. Ngôi mộ đặt chính giữa trung tâm ở địa thế cao nhất đã tạo nên sự trang trọng cho tổng thể kiến trúc. Tại 4 cửa ở bậc đá cuối cùng đều có bức bình phong bằng đá án ngữ. Các bức bình phong làm theo kiểu cuốn thư, 2 đầu cuộn lại ở phía trên, ở dưới trang trí chữ “thọ” với hoa lá. Hoa văn ở mỗi lớp tường mang những phong cách khác nhau như: chữ “thọ” khắc nổi, chữ “vạn” trong những khối lục lăng… Nằm về phía hai góc đối diện với cửa ra vào là 2 bia với 4 cột vươn lên đỡ bộ mái uốn cong. Nhìn tổng thể, kiến trúc lăng gần gũi với một đàn tế trời đất. Năm 1975 Lăng Mẫu được xếp hạng Di tích Lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Nhiều năm qua, Lăng Mẫu đã thu hút hàng triệu lượt khách dâng hương, tham quan du lịch.

Lăng Mẫu Liễu Hạnh, xã Kim Thái (Vụ Bản).
Lăng Mẫu Liễu Hạnh, xã Kim Thái (Vụ Bản).

Lăng mộ Quận công Vũ Công Chấn, xã Đại An (Vụ Bản) được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Quận công Vũ Công Chấn (1618-1699) xuất thân trong gia đình có truyền thống hiếu học, ông từng giữ chức Đô đốc Tả hữu Đô đốc. Trong suốt 61 năm làm quan (1638-1699) phụng sự 2 đời chúa Trịnh Tạc và Trịnh Căn, ông đã tham gia hoạt động trên 2 lĩnh vực chính là quản lý vương phủ và võ quan. Ngoài ra, ông còn có công trong việc đốc công xây dựng, trùng tu các công trình kiến trúc quan trọng, góp phần vào sự phát triển văn hóa, kinh tế của nước Đại Việt thế kỷ XVII. Tiêu biểu như: Phục dựng Đàn tế Nam Giao, xây dựng quán Trấn Vũ - một trong “Thăng Long tứ trấn”, xây dựng cầu Yên Quyết bắc qua sông Tô Lịch (sau này là cầu Giấy)… Sau khi ông mất thi hài được đưa về mai táng tại thôn An Cự. Ngôi mộ ban đầu được xây bằng hợp chất vôi trộn cát mật, hình chữ nhật, chiều dài 3m, rộng 2m. Năm 1985 ngôi mộ được xây dựng lại bằng gạch vữa theo hình tròn. Lăng mộ hiện nay nằm trong khuôn viên rộng 421,5m2 bao gồm các hạng mục: mộ Quận công Vũ Công Chấn, nghi môn, bình phong, hồ nước, nhang án, nhà bia. Phần mộ Quận công Vũ Công Chấn được xây trong hệ thống tường bao bằng đá, phía trước ngôi mộ tạo một cửa lên xuống được xây theo kiểu giật cấp gồm 9 bậc. Hai bên thành lên xuống đắp nổi họa tiết hình rồng. Ngôi mộ chia thành 3 phần: Phần đế xây theo kiểu tam cấp thu nhỏ dần về phía trên, diềm của các bậc tam cấp chạm họa tiết hình lá đề. Phần thân mộ được xây theo kiểu hình hộp chữ nhật chạm khắc họa tiết tứ linh, tứ quý. Phần đỉnh mộ tạo ngai thờ, hai tay ngai đắp họa tiết hình rồng, hậu ngai chạm họa tiết lưỡng long chầu nguyệt. Mặc dù toàn bộ phần mộ của Quận công Vũ Công Chấn được xây dựng bằng đá nhưng với bố cục hợp lý, đường nét tinh xảo nên không tạo cảm giác nặng nề. Với những giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử, năm 2014 lăng mộ Quận công Vũ Công Chấn và từ đường họ Vũ xã Đại An (Vụ Bản) được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Miếu Quận công, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) thờ tướng công Trần Quý Uân thời Hậu Lê. Ông đã có nhiều công lao giúp nước, an dân, khai hoang lấn biển lập nên xã Thọ Nghiệp ngày nay. Sau khi ông tạ thế, triều đình nhà Lê đã cấp quan tài bằng đồng và 5 sào ruộng để an táng ông, khu vực này gọi là “Lăng tẩm Khánh Sơn”, sau đó con cháu và nhân dân trong làng đã xây miếu, tạc tượng để thờ phụng. Miếu được xây dựng cách đây trên 500 năm theo kiểu “tiền nhất hậu đinh”. Khu nhà tiền đường có hai đầu hồi xây bít đốc, đằng trước là hệ thống cửa gỗ gồm 3 bộ. Chính giữa tiền đường phía trên là bức đại tự sơn son thếp vàng đề ba chữ “Quận công miếu”, bức bên trái đề 4 chữ “Viễn nhi di quang”, bên phải đề 4 chữ “Trân trân công tộc”. Hậu cung có hương án chạm khắc mặt hổ phù, tứ linh, tứ quý sơn thếp hài hòa. Thượng điện có tượng Trần tướng công tạc bằng gỗ mít, đội mũ mặc áo long phù, tiền bối chạm hình long mã. Cạnh miếu là khu lăng tẩm Khánh Sơn - nơi an táng thi hài Quận công. Lăng được đắp nổi hình chiếc khánh, giữa lăng xây đài tưởng niệm… Tổng thể kiến trúc khu miếu Quận công cân đối hài hòa, mặc dù qua nhiều lần trùng tu vẫn mang nét kế thừa kiến trúc truyền thống, thể hiện sự trân trọng với các bậc tiền nhân có công giữ nước. Năm 1995, miếu Quận công được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Miếu Trúc và mộ các nhân vật lịch sử liên quan, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (năm 2015). Khuôn viên Miếu Trúc thờ tướng quân Phùng Gia có diện tích 200m2. Miếu có kiến trúc chữ “nhất”, dài 6,3m rộng 4,3m gồm 3 gian quay dọc. Nền, móng tường kết cấu bê tông, gạch vữa. Bộ mái dốc phẳng, lợp ngói nam, kèo cầu quá giang gỗ. Miếu được tôn tạo dưới đời Vua Bảo Đại (1930) và gần đây nhất là năm 2013. Cách Miếu Trúc không xa là lăng mộ Đàm Hoàng Thái hậu được xây dựng trên khuôn viên rộng 350m2. Giữa lăng là mộ hình chữ nhật xây giật cấp bằng chất liệu gạch vữa. Trước mộ có khám thờ xây theo kiểu 2 tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Mặt trước khám có nhấn câu đối chữ Hán ca ngợi công đức của Thái hậu. Lăng mộ tướng quân Cao Mộc được xây trên diện tích rộng 168m. Khám thờ quay ra mộ xây kiểu 2 tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Trên cổ đẳng khám có nhấn đại tự chữ Hán: “Truy niệm tiền ân” (Tưởng nhớ ân đức xưa). Miếu Trúc và mộ các nhân vật lịch sử liên quan cùng với Đình Bườn, xã Mỹ Thắng đã tạo thành quần thể kiến trúc hài hòa, cảnh quan thiên nhiên đẹp.

Thời gian qua, từ sự đóng góp của nhân dân và kinh phí tiến cúng của du khách thập phương, các nhà hảo tâm, các tổ chức, đơn vị trong tỉnh và con em quê hương, các di tích lịch sử - văn hóa lăng miếu trên địa bàn tỉnh được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Tại các di tích lăng, miếu được xếp hạng, hằng năm nhân dân đều tổ chức các lễ hội truyền thống. Tại quần thể di tích Đình Bườn, Miếu Trúc và mộ các nhân vật lịch sử liên quan, xã Mỹ Thắng, hằng năm nhân dân địa phương ba lần mở hội vào các ngày kỵ của Đàm Hoàng Thái hậu, Tướng quân Phùng Gia và Tướng quân Cao Mộc với các nghi thức rước nước, lễ cầu mát, rước kiệu và các trò chơi dân gian độc đáo như “Cờ lau trận giả”, “Thi xôi, thi lợn”...

Các di tích lăng, miếu trên địa bàn tỉnh không chỉ có giá trị về lịch sử - văn hóa mà còn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc cổ độc đáo, thể hiện năng lực sáng tạo liên tục của các thế hệ cha ông ta qua các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước. Các hoạt động văn hóa tâm linh ở các di tích lăng miếu góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người có công với làng, nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân; đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa độc đáo của quê hương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



Thiết kế biệt thự 3 tầng Thiết kế phòng ngủ master noithatahome.vnCách Duy trì sự tập trung chọn lựaĐịa chỉ shop Đồ decor để bàn đẹpNội thất https://giuongmanhtung.com TPHCM Bàn học sinh Đầu tư mua nệm foam thuần việtDịch vụ làm sa bàn kiến trúc uy tín nhà biệt thự mini 1 tầng Trúc Chỉ Hà Nội

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com