Người viết văn trẻ, tài năng và trách nhiệm

04:09, 30/09/2016

Đội ngũ những người viết văn trẻ trên cả nước đã đóng góp như thế nào với văn học nước nhà? Tác phẩm của họ đã thật sự mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng được kỳ vọng của người đọc hay chưa?... Đó là các vấn đề, đồng thời cũng là những câu hỏi được đặt ra khi Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX được tổ chức tại Hà Nội trong các ngày 28 và 29-9-2016.

Trong danh sách hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay, có 20 người dưới 35 tuổi, và tuổi đời trung bình của hội viên là khoảng 60! Điều này khiến công chúng quan tâm tới văn chương không khỏi lo ngại về nguy cơ “già hóa” đội ngũ nhà văn, và đặt câu hỏi rằng, phải chăng ngày nay người trẻ không còn tha thiết với văn chương? Nhìn rộng ra, từ thực trạng kém mặn mà của học sinh đối với các môn khoa học xã hội nói chung và môn văn nói riêng; nhìn vào sự lên ngôi của các loại hình giải trí trong khi văn chương có phần bị “lép vế”; nhìn vào xu hướng chọn nghề nghiệp của giới trẻ…, điều này dường như có cơ sở. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào các tác phẩm văn thơ đăng trên báo chí hằng tuần, những đầu sách văn học được xuất bản hằng tháng, danh sách các giải thưởng văn chương hằng năm, cũng như sự nở rộ nhiều diễn đàn văn học trên mạng,… lại có thể thấy đang hình thành một lực lượng viết trẻ đông đảo khắp vùng, miền. Vì vậy, có thể nói, gần 20 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tuổi dưới 35 chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng trăm người viết văn trẻ cả nước. Có thể kiểm chứng điều này qua các sự kiện văn học cụ thể. Tháng 8-2015, cuộc gặp mặt người viết văn trẻ khu vực Việt Bắc do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức đã có sự hiện diện của 35 tác giả trẻ đến từ các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Cạn, Bắc Giang. Tháng 9-2015, Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 2 của Hội Nhà văn Hà Nội đã quy tụ gần 70 đại biểu đang sống và làm việc tại thủ đô. Trước đó, tháng 5-2011, 55 đại biểu sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được Hội Nhà văn thành phố chọn tham dự Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 3. Cần phải nói thêm, do điều kiện không cho phép, nên tại các cuộc gặp gỡ kể trên, Ban tổ chức phải hạn chế số lượng đại biểu. Vì vậy, để có được 35, 50 hay 70 tác giả, Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh, thành phố đã phải lựa chọn rất khó khăn từ hàng trăm người viết trẻ tại địa phương.

Nhiều người viết văn trẻ đã trở thành các tác giả có nhiều đầu sách được yêu mến. Ảnh: PV
Nhiều người viết văn trẻ đã trở thành các tác giả có nhiều đầu sách được yêu mến.

Là những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, nên Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh luôn thu hút những người trẻ đến lập nghiệp, trong đó có nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Nhưng nhìn rộng ra các tỉnh, thành phố, có thể thấy đội ngũ sáng tác, phê bình, dịch thuật văn học tuổi dưới 35 đang ngày một tăng lên. Các địa phương có lực lượng sáng tác trẻ khá đông đảo hiện nay là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang… Vậy nên, với Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX tổ chức tại Hà Nội, do điều kiện thực tế buộc Ban tổ chức phải chốt số đại biểu ở mức gần 120 người. Trong số đó, khoảng 30 tác giả từng dự hội nghị lần trước, điều này chứng tỏ đội ngũ viết mới tiếp tục hình thành, phát triển theo thời gian.

Đông đảo về lực lượng, sung sức về khả năng sáng tạo, vậy các tác giả trẻ có đóng góp như thế nào với văn học nước nhà? Câu hỏi này không chỉ là mối quan tâm của người làm công tác văn học, nghệ thuật, mà còn là nỗi niềm của người yêu văn chương. Vì chưa bao giờ tác giả trẻ có điều kiện để phát huy khả năng văn chương như bây giờ. Cơ chế xuất bản mở rộng tạo ra cơ hội cho người viết trẻ dù đang “chạm ngõ” văn chương cũng có thể khẳng định mình. Một số nhà xuất bản còn lập riêng tủ sách để in ấn tác phẩm của người viết trẻ. Báo chí, truyền thông cũng dành nhiều ưu ái cho họ. Vì vậy, có tác giả mới viết vài ba truyện ngắn, mới xuất bản một cuốn sách đã được gọi bằng danh xưng “nhà văn”… Thực tế hiện nay không ít cây bút trẻ đã sớm khẳng định mình trong đời sống văn học. Mà bằng chứng là tại các cuộc thi truyện ngắn và thơ trên hai địa chỉ lớn là Báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ quân đội đã có nhiều tác giả trẻ giành giải cao một cách xứng đáng. Năm 2013, cuộc thi truyện ngắn trên Báo Văn nghệ chứng kiến sự bứt phá của các tác giả trẻ với tỷ lệ 8 trong số 18 giải thưởng cuộc thi thuộc về người viết trẻ, như: Vũ Thị Thanh Huyền, Chu Thị Minh Huệ, Chu Thùy Anh, Phạm Thanh Thúy,... Năm 2014, cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội đã tôn vinh người viết trẻ, khi có tới 11 trong số 12 tác giả thuộc thế hệ 7X trở lại đây đoạt giải. Và cần nhắc tới Cuộc thi văn học tuổi 20 do NXB Trẻ, Báo Tuổi trẻ, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Năm cuộc thi trước đây và cuộc thi lần thứ 6 (2015 - 2018) đang triển khai thật sự đã thu hút nhiều tác giả trẻ, mà các giải thưởng dành cho họ và tác phẩm của họ được phát hành là minh chứng sống động nhất.

Với ưu thế trẻ tuổi, được đào tạo bài bản, có điều kiện thụ hưởng thành tựu của văn minh nhân loại, có cơ hội tiếp cận nhiều nền văn hóa trên thế giới, đặc biệt là sự nhạy bén với công nghệ thông tin,… người viết trẻ hiện nay rất biết tận dụng các cơ hội để học hỏi cũng như quảng bá tác phẩm. Còn nhớ từ khi mạng xã hội chưa thật sự phát triển, các ứng dụng trên internet còn nhiều hạn chế, thì từ năm 2004, cây bút thế hệ 8X Trương Trọng Nghĩa (Tiền Giang) đã lập trang web thotre.com để kết nối người viết trẻ cả nước trong một “không gian thơ trên net”, truyền được cảm hứng cho nhiều người. Nhiều tác giả có tên tuổi cũng tìm đến thotre.com để thêm diễn đàn giới thiệu tác phẩm của mình đến bạn đọc. Mạng xã hội giờ đây đã và đang phát triển vượt bậc. Riêng với văn học, nghệ thuật, bên cạnh những trang web văn học chính thống, mỗi tác giả có thể tự lập cho mình các trang web hoặc blog cá nhân để quảng bá và giới thiệu sáng tác mới. Khoảng cách giữa người viết và người đọc chưa bao giờ thu hẹp đến thế. Điều này có tác dụng kích cầu rất lớn: Độc giả từ tò mò rồi quan tâm tìm hiểu về tác giả và tác phẩm. Thực tế có một số tác giả lúc đầu chỉ viết để đăng tải trên mạng, sau đó do được độc giả yêu thích, tác phẩm được in thành sách, xuất bản với lượng in tới hàng vạn bản. Rõ ràng, sự nhanh nhạy của người trẻ cùng những hiệu ứng của mạng xã hội đã giúp họ tạo nên một lớp công chúng mới, gắn bó với mình. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho người viết trẻ những sự lựa chọn: Viết để đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng, hay viết nhằm thực hiện khát vọng trong sáng tạo văn chương? Viết để trở thành một “nhân vật của công chúng”, để được nổi tiếng hay viết để bày tỏ, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, nỗi trăn trở trước cuộc sống? Câu hỏi được đặt ra vì trên thực tế, sự nổi tiếng quá nhanh của một số tác giả trẻ dễ khiến có người trở nên ảo tưởng, ngộ nhận. Một số tác giả, sau khi nhận giải thưởng nảy sinh tâm lý bằng lòng, thỏa mãn. Thay vì không ngừng tìm tòi, học hỏi tự đổi mới, họ viết theo kiểu nối dài các tác phẩm thành công trước đó. Cạn kiệt về ý tưởng, xơ cứng về ngôn từ, nên thường thì các tác phẩm này không đủ sức giữ độc giả. Có người, sau một cuốn sách bán chạy, thường xuyên xuất hiện trên báo chí chỉ để kể lể về một “kế hoạch văn chương hoành tráng” nhưng người đọc chờ đợi mãi vẫn không thấy tác phẩm ra mắt. Có tác giả sau khi nhận được lời ngợi khen từ giới chuyên môn, thì tự tin tuyên ngôn “tôi không cần đọc ai”, nhiệt tình “dạy” người khác viết văn bằng vốn kiến thức “hổ lốn”. Có người lại “nhiệt tình” thâu nạp trường phái sáng tác nước ngoài, rồi cho ra tác phẩm như đánh đố người đọc. Khi bị giới chuyên môn phê phán và người đọc từ chối, tác giả này vẫn tự tin cho rằng sáng tạo của mình mới thật là “nghệ thuật đỉnh cao”, mang “tầm nhân loại”. “Đỉnh cao” nào chưa biết, nhưng nếu tác phẩm không có người đọc thì khác nào cái cây không tìm được đất sinh sôi?... Rõ ràng, nếu không giữ được niềm đam mê văn chương, không xác định một thái độ làm việc chuyên nghiệp, không khiêm tốn lắng nghe, học hỏi, thì người viết trẻ khó có thể đi xa. Đánh giá về thực trạng nhà viết văn trẻ hiện nay, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra ba hạn chế, đó là: sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng, vì vậy dù nhiều tác giả, tác phẩm xuất hiện, được quảng bá rầm rộ, nhưng sự xuất sắc lại vô cùng khan hiếm; do sống giữa thời đại công nghệ thông tin với một thế giới phẳng, tương tác trực tiếp, cho nên nhiều nhà văn mất dần đi khả năng ẩn nhẫn, khuất lấp để suy tư; một bộ phận người viết văn trẻ đang lúng túng tìm kiếm lối đi cho riêng mình, dẫn tới sự chệch choạc mất phương hướng,...

Văn chương là hành trình dài, nhiều thách thức, chỉ có lao động nghiêm túc mới đem lại cho người viết những giá trị bền vững. “Nếu hôm qua bạn chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì trên chặng đường mới này, năng khiếu phải trở thành tài năng. Nếu hôm qua bạn chỉ cần đam mê thôi là đủ, thì hôm nay đam mê phải trở thành bản lĩnh. Nếu hôm qua bạn chỉ cần bản năng thôi là đủ thì hôm nay bạn sẽ cảm thấy viết văn là vô cùng khó... Xem thế đủ biết để đi được dài, được lâu bền trên con đường văn chương đầy chông gai và thử thách, các cây bút trẻ cần chăm chút cho tài năng của mình thật nhiều” - đó là chia sẻ của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Một sự chia sẻ bổ ích với những người viết trẻ đang còn đắn đo trước con đường văn chương. Bởi, mùa quả ngọt nào cũng phải trả giá bằng nhiều mồ hôi và cả những nỗi gian truân./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com