Hải Hậu là vùng quê có nhiều giá trị văn hoá đặc sắc. Cùng với những di sản văn hoá cổ như: đình chùa, miếu mạo, phủ quán..., hệ thống cổng làng trên địa bàn huyện là sự ngưng kết của lối sống, phong tục tập quán và từ biểu tượng văn hoá truyền thống ở các địa phương vẫn đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống hôm nay.
Cổng làng xóm 9, xã Hải Phúc được xây dựng năm 2012 với kinh phí 150 triệu đồng từ nguồn xã hội hoá. |
Trên địa bàn huyện hiện có trên 61 cổng làng. Ngoài phần lớn cổng làng được xây dựng trong khoảng 5-7 năm trở lại đây với quy mô lớn và nghệ thuật kiến trúc độc đáo, có một số cổng được xây dựng từ lâu với kiểu dáng cổ kính truyền thống. Để cổng làng phát huy giá trị trong công tác giáo dục văn hóa, niềm tự hào truyền thống của quê hương, các cổng làng ở Hải Hậu phục chế lại hay xây dựng mới theo kiểu truyền thống, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa công tác xây dựng và tôn tạo hệ thống cổng làng. Từ nhiều năm nay, nhiều xã trong huyện đã tôn tạo, xây dựng được cổng làng như: xã Hải Sơn có 8 cổng làng, xã Hải Phúc có 6 cổng làng, xã Hải Đường có 5 cổng làng, xã Hải Lý có 4 cổng làng… Thực tế cổng làng to hay nhỏ, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và sự tài trợ từ các cá nhân, tập thể, các tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương. Tại xã Hải Phúc, trong quá trình xây dựng NTM, phong trào xây dựng cổng làng được nhân dân các xóm đồng tình hưởng ứng. Trên con đường trục xã, đi đến đâu cũng dễ bắt gặp hình ảnh cổng làng. Đến nay, xã có 6/15 xóm đã xây dựng được cổng làng là các xóm: 7, 8, 9, 13, 14, 15. Hệ thống cổng làng ở xã được xây dựng bê tông hóa kiên cố với dáng vẻ bề thế nhưng vẫn không mất đi nét cổ kính. Kinh phí xây dựng cổng làng phù hợp với điều kiện kinh tế mỗi xóm, chủ yếu là do nhân dân đóng góp với số tiền 1,5 triệu đồng/hộ, 200 nghìn đồng/khẩu. Một số xóm có nguồn lực kinh tế mạnh, cổng làng được xây dựng hoành tráng với kinh phí từ 150-250 triệu đồng… Tại xã Hải Trung, việc xây dựng cổng làng ở mỗi xóm được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm. Đồng chí Nguyễn Ngọc Toản, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngoài việc góp công, góp của xây dựng, mỗi chi bộ xóm đều tổ chức họp bàn về việc xây dựng công trình cổng làng. Các bản vẽ thiết kế xây dựng đều được bàn bạc dân chủ lấy ý kiến đóng góp từ nhân dân. Việc xây dựng cổng làng được quy hoạch tuỳ theo địa thế, điều kiện của mỗi nơi mà các công trình cổng làng có quy mô khác nhau, nhưng tất cả đều hài hòa, đảm bảo đi lại thuận tiện cho người dân. Đến nay, toàn xã có 4 cổng làng được xây dựng kiên cố, đẹp đẽ. Xã Hải Sơn có 8/11 xóm xây dựng được cổng làng là các xóm 1, 4, 6, 7, 8, 9, 10, 11. Trong đó, một số xóm có 2 cổng làng như: xóm 4, xóm 7, xóm 9. Hệ thống cổng làng ở xã được xây dựng với tiêu chuẩn phải bảo đảm điều kiện về chiều cao, chiều rộng của đường quy hoạch, không được quá nhỏ, quá thấp gây cản trở giao thông... Các cổng làng được xây dựng với kinh phí từ 80-120 triệu đồng. Cổng làng xóm 9 được xây dựng năm 2004, với kinh phí 90 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, huy động sự đóng góp của người dân địa phương. Cổng được thiết kế 2 tầng với 2 mái trên cong cong như đình, chùa, 1 cổng chính rộng rãi và 2 cổng phụ, cùng những dòng chữ viết được mạ vàng khá đẹp mắt. Ông Đỗ Kim Đính, 95 tuổi - Cán bộ nghỉ hưu lâu năm ở xóm 8 chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại quê hương, tôi được chứng kiến giá trị nghệ thuật kiến trúc của 2 cổng làng cũ và mới. Cổng làng xưa và nay đều rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu đã thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã nên cần được bảo tồn và lưu giữ. Trong thời chiến, cùng với lũy tre xanh, thì cổng làng xưa trở thành những chiến lũy. Khi thanh bình, cổng làng ngày nay mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền địa giới của địa phương, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá riêng như gương mặt của làng.
Thực tế cho thấy, hệ thống cổng làng ở Hải Hậu về tổng thể là những công trình được tôn tạo, xây mới theo kiến trúc cổ mặc dù bị chi phối bởi bản sắc văn hóa địa phương song đều có điểm chung gồm các mảng kiến trúc liên kết với nhau, tạo nên sự bền vững, hài hòa. Vòm cổng được thiết kế tuỳ thuộc vào diện tích rộng của trục đường, địa lý, vị trí của xóm. Ở phần trụ cổng, mặt trước thường có câu đối bằng chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ với nội dung nói về phong tục, tập quán, về thành tích hoặc định hướng, triết lý phát triển của làng. Phần mặt cổng thường trang trí bằng đại tự là tên của thôn, xóm. Ngoài ra, phong cách kiến trúc, họa tiết trên cổng làng còn phụ thuộc vào địa hình, một số công trình văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của làng như đình, đền, chùa để bảo đảm sự hài hòa cảnh quan kiến trúc cũng như phong thủy. Bởi vậy có nơi đắp hình “tứ linh”, có nơi sử dụng các họa tiết đơn giản hơn như đào, mai, lựu, tùng, hạc, trúc, mai..., tượng trưng cho ước vọng cuộc sống ấm no, đầy đủ, an lành. Trải qua thời gian, nhiều cổng làng cổ ở Hải Hậu đến nay đã không còn, một số ít còn sót lại đều đã được phục dựng nhưng chủ yếu vẫn là xây mới. Nhưng mỗi cổng làng nơi đây từ xưa đến nay đều có một nét văn hóa truyền thống riêng tuỳ theo đặc điểm của làng, hoặc gắn liền với sự hình thành và phát triển của 35 làng nghề trong huyện như: Mộc mỹ nghệ tại các xã Hải Minh, Hải Đường, Hải Trung, Hải Vân; nuôi trồng thủy sản tại các xã: Hải Chính, Hải Châu; kéo sợi ở Thị trấn Thịnh Long; chế biến lương thực, thực phẩm ở Thị trấn Yên Định…
Nhằm phát huy nét đẹp văn hoá cổng làng trong đời sống hiện đại, thời gian tới, huyện tiếp tục thống kê những thôn, xóm có cổng làng, lập kế hoạch bảo vệ và quản lý, đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng cho các xã, thị trấn có dự án xây dựng cổng làng. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ những cổng làng đã xuống cấp, đầu tư xây mới và hoàn thiện hệ thống cổng làng ở những thôn, xóm chưa có, để cổng làng phát huy giá trị trong công tác giáo dục văn hóa, niềm tự hào truyền thống của quê hương Hải Hậu cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng