Nếp sống văn hoá trong các trường học ở Trực Ninh

06:09, 10/09/2016
Huyện Trực Ninh có 82 trường học, trong đó có 28 trường mầm non, 28 trường tiểu học, 26 trường THCS. Nhận thức việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến việc dạy và học, những năm qua, Phòng GD và ĐT huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hoá trong các trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
 
Hằng năm Phòng GD và ĐT huyện Trực Ninh đều chỉ đạo các nhà trường xây dựng quy chế nếp sống văn hóa nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, giáo viên theo đặc thù của mỗi cấp học. Bên cạnh đó việc quy hoạch xây dựng trường học trong toàn huyện phù hợp với địa bàn dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông và được đưa vào tiêu chí để bình xét thi đua. Trước khi bước vào năm học mới Phòng GD và ĐT huyện đều mở lớp tập huấn về chuyên môn, học tập chính trị cho cán bộ, giáo viên trong toàn ngành. Công tác Đoàn, Đội ở các trường học được đẩy mạnh. Nhiều hoạt động, hội thi mang tính tuyên truyền như: viết, vẽ tranh về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, làm báo tường, thi văn nghệ, TDTT... được tổ chức thường xuyên, qua đó đã thúc đẩy các hoạt động chuyên môn, văn hóa văn nghệ, thể thao trong các trường học. Tại các địa phương có di tích lịch sử - văn hoá, các nhà trường đều nhận tham gia gìn giữ, bảo tồn; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, tìm hiểu di tích, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của học sinh. Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đều gắn với công tác dạy và học; thực hiện tốt nhiệm vụ năm học theo mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến; thực hiện chuẩn mực đạo đức cán bộ, giáo viên, nhân viên theo tấm gương đạo đức của Bác... Từ năm 2011, Phòng GD và ĐT huyện đã phát động sâu rộng phong trào xây dựng nếp sống văn hóa trong các trường học gắn với việc thực hiện đề án “Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tập trung các nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015” của huyện. Qua 5 năm thực hiện, phong trào đã đạt kết quả tích cực: Toàn huyện có 95% trường học đạt danh hiệu Nếp sống văn hoá; 100% cán bộ, giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn; 61 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 70,9%.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của thiếu nhi Trường Mầm non xã Trực Tuấn.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của thiếu nhi Trường Mầm non xã Trực Tuấn.
Tiêu biểu như các trường THCS Trực Nội, Trực Chính, Trực Thành; các trường tiểu học: Trực Phú, Trực Đại, Trực Thanh; các trường mầm non: Trực Tuấn, Trực Hưng, Việt Hùng... Đặc biệt, ở bậc THCS, để cụ thể hóa phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, Phòng GD và ĐT huyện đã phát động phong trào “Tuổi trẻ học đường học tập, làm theo lời Bác”. Các trường THCS của huyện đã triển khai với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo gắn với các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Xung kích, tình nguyện”, “Hai tốt”, “Học sinh làm nghìn việc tốt”. Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết của đoàn viên, thanh, thiếu niên về cuộc đời, sự nghiệp của Bác; tạo sự chuyển biến mới, mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội trong tuổi trẻ học đường. Trường THCS Trực Chính là một đơn vị tiêu biểu của huyện thực hiện tốt phong trào xây dựng nếp sống văn hóa. Nhà trường có 10 lớp học với tổng số 323 học sinh, 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cô Lương Thị Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, Công đoàn và Ban giám hiệu nhà trường đã phát động đẩy mạnh phong trào thi đua “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; qua đó đã từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và xây dựng tốt các điều kiện để duy trì và phát triển chất lượng giáo dục toàn diện. Ban giám hiệu nhà trường cũng đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong học sinh về ý thức kỷ luật, thực hiện kỷ cương nền nếp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tổng kết năm học 2015-2016, nhà trường có 18% học sinh đạt học lực loại giỏi, 49% học sinh đạt học lực loại khá, 21 em đạt giải học sinh giỏi các môn văn hoá cấp huyện; kết quả hạnh kiểm tốt của học sinh trong toàn trường đạt 100%; tỷ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp đạt 100%, đỗ vào các trường THPT đạt 93%. Việc xây dựng trường học có nếp sống văn hoá ở Trực Ninh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Năm học 2015-2016, ngành GD và ĐT huyện Trực Ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, tiếp tục là 1 trong 3 đơn vị dẫn đầu phong trào giáo dục của tỉnh, hoàn thành xuất sắc 13/16 lĩnh vực công tác. Đối với cấp học mầm non, toàn huyện đã huy động 4.076 trẻ ra nhà trẻ, đạt 48,7% dân số trong độ tuổi; 4.878 trẻ ra lớp mẫu giáo, đạt 99,8% dân số trong độ tuổi. Đối với bậc tiểu học, toàn huyện có 100% học sinh đạt yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD và ĐT quy định; mức độ hoàn thành và phát triển phẩm chất học sinh đạt 99,9%, mức độ hoàn thành và phát triển năng lực học sinh đạt 99,6%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,16%. Với bậc THCS, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh khối 9, toàn huyện có 89 học sinh đạt giải, gồm 5 giải nhất, 32 giải nhì, 29 giải ba và 23 giải khuyến khích, xếp thứ nhất toàn tỉnh. Ở bậc THPT, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 66,21%, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 98,97%. Đối với giáo dục thường xuyên, toàn huyện có 356 học viên bổ túc THCS được công nhận tốt nghiệp, đạt 100%; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp bổ túc THPT đạt 97,06%.
 
Việc đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hoá trong trường học ở ngành GD và ĐT huyện Trực Ninh đã góp phần thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo trong các nhà trường, hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ, có lối sống văn hóa cho quê hương, đất nước./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com