Lũy tre làng

09:09, 23/09/2016
“Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung”. Mỗi lúc nghe giai điệu dặt dìu của bài hát ấy vang lên, tôi lại nhớ da diết những lũy tre xanh thân thuộc, bao bọc chở che xóm Đê nghèo của chúng tôi ngày trước.
Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet
Cái làng bé nhỏ nằm ven sông thuở ấy nơi nào cũng xanh mướt bóng tre. Từ trên con đê làng nhìn xuống, chỉ thấy lúp xúp mấy chục nóc nhà lợp rạ màu nâu đen ẩn mình trong sắc xanh bát ngát của những bụi tre vươn cao vút. Dọc bờ sông, tre ken dày như thành lũy, lá tre xào xạc hòa cùng âm thanh ì oạp của sóng vỗ và tiếng chim ríu rít mỗi sớm, mỗi chiều. Nhà nào trong làng cũng trồng tre để có sẵn nguồn nguyên liệu làm ra các vật dụng dùng hằng ngày và phục vụ công việc đồng áng của nhà nông. Cái thuở cả làng còn chưa có một chiếc đồng hồ, các bà các mẹ của chúng tôi chỉ cần đoán thời gian qua tiếng gà hay bóng mặt trời lên đến ngọn tre mà biết thời gian nấu cơm, chẳng bao giờ bị muộn. Ngay đầu ngõ nhà tôi, sát với bờ ao là mấy bụi tre quanh năm xanh tốt. Suốt những năm tháng ấu thơ, chúng tôi có bao trò vui dưới bóng tre mát rượi. Lúc đánh khăng, đánh đáo, chơi ô ăn quan, lúc nhặt lá tre vàng thả xuống ao làm thuyền đua với nhau, hò hét đến khản cả cổ. Lúc đu mình trên thân tre, tìm trứng chim cuộn tròn giữa chiếc tổ đầy rơm rác và lá tre khô. Vào những lúc nông nhàn, ông tôi thường ngả xuống mấy cây tre già vàng óng, làm chiếc đòn gánh hoặc chẻ nan đan rổ rá, nong nia, giần sàng, treo lên gác bếp cho lên nước bồ hóng màu cánh gián. Cả cây tre dưới bàn tay khéo léo, cần cù của ông tôi đều trở thành những vật dụng hữu ích, vừa để nhà dùng, vừa để bà tôi mang ra chợ bán, thêm đồng mắm muối. Ngay cả những ruột tre cũng không bỏ phí, được chẻ thành sợi để bện chổi rễ quét sân. Cũng từ mấy bụi tre nhà trồng, nhà tôi còn thuê thợ đóng được một chiếc chạn tre và một đôi chõng tre bền đẹp, vững chắc. Những đêm trăng sáng, ông thường chiều các cháu, khiêng đôi chõng ra sân, cho chúng tôi nằm thảnh thơi hóng mát. Riêng chiếc chạn tre được bà tôi giữ gìn rất cẩn thận, bát đĩa phải phơi khô mới được úp vào, dưới 4 chân chạn bà còn kê 4 mảnh bát vỡ để tránh nền đất ẩm ướt làm hư hỏng.
 
Thời gian dần trôi, lũ trẻ xóm Đê ngày nào giờ tỏa đi khắp nơi sinh sống. Nhiều làng quê giờ thưa vắng bóng tre. Nhưng xóm Đê vẫn làm chúng tôi ấm áp khi trở về bởi những lũy tre xanh bát ngát ken dày, như tình người xóm Đê muôn đời keo sơn gắn bó./. 
 
Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com